A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bí thư Thành ủy Hà Nội Trần Quốc Hoàn - Suốt đời phấn đấu vì Đảng, vì dân

QPTĐ-Nghệ Tĩnh, vùng đất địa linh nhân kiệt, nên thơ và hùng vĩ, đây là nơi “chôn rau, cắt rốn” của biết bao thế hệ hào kiệt. Chính trên vùng đất này đã sinh ra người con ưu tú của quê hương, đồng chí Trần Quốc Hoàn. Ông không chỉ là người lãnh đạo đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân trong hơn 28 năm, mà còn là người lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội trong nhiều năm, luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao, tâm huyết vì sự ổn định và phát triển của Thủ đô Hà Nội.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn gặp gỡ các đại biểu về dự Hội nghị Tuyên dương Anh hùng các lực lượng An ninh miền Nam. (Ảnh: Tư liệu)

Đồng chí Trần Quốc Hoàn, tên thật là Nguyễn Trọng Cảnh, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xóm Đình, làng Dương Liễu, tổng Nam Kim (nay là xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), vùng đất giàu truyền thống văn hiến và cách mạng. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước còn nô lệ, chứng kiến sự bóc lột tàn bạo của chế độ thực dân, phong kiến, chịu ảnh hưởng của phong trào yêu nước, đồng chí đã sớm tham gia hoạt động cách mạng trong tổ chức học sinh phản đế của Đảng Cộng sản Đông Dương. Do tích cực hoạt động cách mạng trên quê hương và trên đất bạn Lào nên khi mới 18 tuổi (tháng 3/1934), đồng chí vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Hơn 50 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã phấn đấu không mệt mỏi vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Trong những năm hoạt động bí mật cũng như lúc bị địch bắt, tra tấn, tù đày, đồng chí đã luôn kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng, nêu cao chí khí của người chiến sĩ cộng sản, vượt qua mọi gian nguy, thử thách.

Từ tháng 3/1937, với cương vị là Phó Bí thư, rồi Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí đã dồn tâm sức cùng Thành ủy khôi phục lại phong trào bị tổn thất nặng nề thời kỳ địch khủng bố trắng, bằng cách xây dựng các đoàn thể quần chúng cách mạng với nhiều loại hình tổ chức sinh động và rộng rãi; phát động hàng chục cuộc đấu tranh lôi cuốn đông đảo nhân dân tham gia, đưa Hà Nội trở thành một trung tâm cách mạng của cả nước thời kỳ này. Từ năm 1937 đến năm 1939, Thành ủy Hà Nội đã khôi phục và phát triển thêm nhiều tổ chức Đảng. Đây thực sự là lực lượng nòng cốt, là nguồn vốn cán bộ quý báu của Hà Nội cho giai đoạn chuẩn bị tổng khởi nghĩa.

Khi làm Bí thư Đặc khu ủy Hà Nội, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã bỏ nhiều công sức xây dựng Đảng bộ, như viết cuốn sách tổng kết kinh nghiệm “Cách làm việc của một cấp ủy” làm tài liệu bồi dưỡng cho cán bộ. Năm 1950, Trung ương Đảng đề ra khẩu hiệu “chuẩn bị tổng phản công” nhưng lúc đó, cơ sở cách mạng nội, ngoại thành Hà Nội còn nhiều rối ren, đồng chí đã chủ động tìm hiểu thực tế, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, có chủ trương chuyển đổi cách tổ chức và hoạt động của các bộ, ngành, giới để chuẩn bị điều kiện cho phong trào kháng chiến trong nội thành phát triển tốt, chuẩn bị lực lượng tiếp quản Hà Nội theo các điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ.

Đối với Đảng bộ thành phố Hà Nội, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc và có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, xây dựng và phát triển Thủ đô. Bên cạnh đó, đồng chí cũng là một người lãnh đạo tài ba khi là Bộ trưởng Bộ Công an đầu tiên của đất nước. 

Trong bài viết “Nhớ anh Trần Quốc Hoàn” ngày 25/11/2004, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét: “Trong hai tám năm anh Hoàn phụ trách ngành Công an, giữa tôi và anh Hoàn đã có sự phối hợp hiệp đồng rất tốt. Tôi thường nói với anh, Quân đội và Công an là anh em sinh đôi, cần có sự phối hợp chặt chẽ. Anh Hoàn đã có công rất lớn trong việc xây dựng, lãnh đạo lực lượng Công an làm tròn nhiệm vụ giữ vững an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội…”.

Trong những năm làm Bộ Trưởng Bộ Công an, đồng chí thể hiện rõ là người có tầm nhìn chiến lược sâu sắc, đã cùng Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Công an thời kỳ đó tham mưu đề xuất rất nhiều vấn đề về đường lối, phương châm, nguyên tắc, chủ trương, biện pháp nhằm đảm bảo thắng lợi sự nghiệp cách mạng. Đồng chí đã chăm lo xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch vững mạnh, đặc biệt là công tác chính trị tư tưởng, xây dựng tổ chức bộ máy, giáo dục bồi dưỡng cán bộ, xây dựng chỉnh đốn Đảng trong Công an nhân dân...

Nhìn lại cuộc đời đấu tranh, hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Quốc Hoàn, chúng ta tự hào về một người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, một đồng chí Bí thư xuất sắc của Thành ủy Hà Nội ở những thời điểm có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng: Từ Bí thư Đặc khu (4/1949-4/1951); Bí thư Thành ủy đầu năm 1951 đến tháng 8-1952; đến Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng ủy tiếp quản Thủ đô từ 9/1954-10/1954. Đồng chí đã có những đóng góp vô cùng quan trọng và để lại những kỷ niệm, tình cảm sâu sắc đối với đồng bào, đồng chí Thủ đô. Ngày nay, tên của Cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn được đặt cho một con đường ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) và thị xã Thái Hòa (Nghệ An).

Hải Yến (Theo BaotangCAND)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ