A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phản bác những luận điệu xuyên tạc về thực hiện chính quyền địa phương hai cấp

QPTĐ-Ngày 1/7/2025 là ngày hoạt động đầu tiên của các địa phương tỉnh, thành phố mới sau sáp nhập và vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp trong cả nước. Đây là sự kiện lịch sử vô cùng đặc biệt trong tiến trình dân tộc bước vào kỷ nguyên mới phát triển phồn vinh, thịnh vượng. Tuy nhiên, trên các nền tảng mạng xã hội, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị không ngừng tìm cách xuyên tạc, bóp méo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Mục đích của chúng là phủ nhận chính sách đúng đắn này, gây hoang mang dư luận và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do đó, chúng ta phải không ngừng cảnh giác, nâng cao nhận thức, đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái này.

Họp báo quốc tế về triển khai mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp từ 1/7/2025.

 

Luận điệu xuyên tạc về tinh gọn bộ máy

Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là chủ trương lớn, đúng đắn và nhất quán của Đảng, Nhà nước ta nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước, tạo tiền đề để đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Chủ trương này nhận được sự đồng thuận và ủng hộ rộng rãi từ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Sự ủng hộ này chính là nền tảng tinh thần vững chắc để Đảng và Nhà nước kiên quyết thực hiện các mục tiêu đã đề ra.

Song, với mục đích chống phá, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã và đang lợi dụng để phát tán nhiều luận điệu xuyên tạc, sai trái hòng gây hoang mang dư luận, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc và làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta. Đáng chú ý là các trang mạng phản động như Việt Tân, Chân Trời Mới Media, VOA Tiếng Việt, RFA… thường xuyên đăng tải thông tin sai lệch, công kích chủ trương của Đảng và Nhà nước. Chúng cố tình gán ghép những luận điệu như việc sáp nhập nhằm "thanh trừng phe cánh", "tập trung quyền lực", hay "che giấu tiêu cực". Thậm chí, chúng còn vu cáo rằng Đảng và Nhà nước "không lấy ý kiến nhân dân", "không trưng cầu dân ý", nhằm bôi nhọ chính quyền và kích động tâm lý bất mãn trong nhân dân. Ngoài ra, chúng còn phát tán thông tin giả, thông tin sai sự thật, cắt ghép, bóp méo các phát ngôn của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhằm gây hiểu lầm trong nhân dân. Nhiều tài khoản ảo, kênh truyền thông trá hình chia sẻ, đăng tải thông tin sai sự thật với tần suất cao, liên tục, tạo hiệu ứng, lôi kéo sự tham gia của cộng đồng mạng khiến dư luận hoang mang.

Về thực hiện chính quyền địa phương hai cấp, các thế lực thù địch xuyên tạc rằng chính quyền hai cấp là sự tập trung quyền lực, làm mất dân chủ ở cơ sở. Chúng cho rằng mô hình này là “bỏ cấp chính quyền”, làm suy yếu vai trò quản lý nhà nước tại cơ sở; công kích vào vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, cho rằng, việc tinh gọn bộ máy là biểu hiện của “sự yếu kém trong quản lý, điều hành của Đảng và Nhà nước”…

Chúng cho rằng người dân không được tham gia vào quá trình ra quyết định của chính quyền hai cấp. Các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề sáp nhập các đơn vị hành chính để kích động tư tưởng cục bộ, tạo ra tâm lý đối kháng với chính quyền, âm mưu phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo ra sự chia rẽ trong hệ thống chính trị và trong cộng đồng dân cư. Chúng kích động tâm lý bất mãn trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là lợi dụng các trường hợp cán bộ, công chức bị tinh giản biên chế hoặc kỷ luật; xuyên tạc về hiệu quả của việc tinh giản bộ máy. Các thế lực thù địch tập trung khai thác, thổi phồng các khó khăn trong quá trình thực hiện tinh gọn bộ máy, như: Thiếu hụt nhân sự trong bộ máy hành chính; khó khăn trong việc tái bố trí, sắp xếp công việc cho những người bị tinh giản; đời sống của một số cán bộ, công chức sau khi bị tinh giản gặp nhiều khó khăn, tinh gọn bộ máy là “làm suy yếu hệ thống chính trị”…

Sắp xếp, tinh gọn là đòi hỏi khách quan

Có thể khẳng định rằng việc cải cách tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị không phải là vấn đề mới được Đảng và Nhà nước ta triển khai gần đây. Ngay từ sau ngày thống nhất đất nước (năm 1975) cho đến nay, công tác sắp xếp, sáp nhập bộ máy nhà nước đã được thực hiện nhiều lần, từ quy mô nhỏ ở một số địa phương đến phạm vi rộng khắp cả nước. Thực tiễn này cho thấy Đảng luôn nhận thức rõ những hạn chế, bất cập cần khắc phục, tuy nhiên quá trình thực hiện vẫn chưa đạt được những mục tiêu đề ra. 

Đặc biệt,  sau 8 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, chúng ta đã đạt được một số kết quả cơ bản như có sự chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị… Tuy nhiên, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, tổng thể. Một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến tồn tại cơ chế xin-cho, dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... Tổ chức bộ máy của một số cấp, ngành đến nay cơ bản vẫn giữ nguyên về số lượng, việc sắp xếp chưa gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả, xác định vị trí việc làm, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ... Tinh giản biên chế mới tập trung giảm số lượng, chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ… Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống hoặc một số chủ trương không được triển khai hoặc triển khai hình thức trên thực tế. Tầng nấc trung gian dẫn đến mất thời gian qua “nhiều cửa” thủ tục hành chính, gây cản trở, thậm chí tạo “điểm nghẽn”, làm lỡ cơ hội phát triển... Do đó, việc tiếp tục đẩy mạnh tinh gọn bộ máy tổ chức là yêu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng hiệu quả hơn yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

Mở rộng không gian để phát triển

Có thể nói, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, trong đó, sắp xếp đơn vị hành chính theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp là một cuộc cách mạng toàn diện. Nó không chỉ đóng góp về sự phát triển chính trị, kinh tế, xã hội mà còn mang lại hiệu quả và tác động tích cực, mạnh mẽ đến quá trình hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế và sự phát triển bền vững của đất nước.

Trước hết, thực hiện chính quyền địa phương hai cấp sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng quản lý nhà nước nói chung và đơn giản hoá thủ tục hành chính nói riêng. Đây là tiền đề để Việt Nam có thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Từ trước đến nay, một trong những điểm nghẽn trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đó chính là môi trường đầu tư kinh doanh. Chính quyền địa phương hai cấp giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm các chi phí thực hiện thủ tục hành chính, kết nối, xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại và nâng cao khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài. Điều đó sẽ góp phần mở thêm cơ hội trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài để tận dụng tối đa các nguồn lực quốc tế vào phát triển đất nước.

Việc thực hiện chính quyền địa phương hai cấp góp phần mở rộng không gian phát triển, tạo điều kiện thúc đẩy kết nối vùng, kết nối địa phương để đẩy mạnh sự phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, việc sắp xếp đơn vị hành chính cũng sẽ góp phần xây dựng bộ máy gọn nhẹ, minh bạch và năng động hơn, điều này sẽ làm giảm chi phí thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch và hiệu quả điều hành kinh tế, xã hội của cả nước nói chung và các địa phương nói riêng, qua đó góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, các quốc gia có xu hướng vừa hợp tác, vừa cạnh tranh với nhau. Do đó, việc nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ góp phần đóng góp vào quá trình hội nhập kinh tế một cách chủ động và hiệu quả.

Việt Nam đặt mục tiêu phát triển bền vững với 3 trụ cột là tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Thực hiện chính quyền địa phương hai cấp không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường như đã phân tích ở trên, mà còn có ý nghĩa sâu sắc trong bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội. Đó là vì chính quyền địa phương hai cấp góp phần đưa chính quyền đến gần dân hơn để giải quyết kịp thời, đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, hướng đến xây dựng chính quyền địa phương gần dân, sát dân, phục vụ và kiến tạo phát triển.

Cùng với đó, thực hiện chính quyền địa phương hai cấp cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy các nội dung cải cách hành chính khác như cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, cải cách tài chính công và xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Thực hiện những cải cách này sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng quản lý nhà nước; là nhân tố thúc đẩy sự ổn định về chính trị, sự phát triển mạnh mẽ và bền vững về kinh tế-xã hội.

Phương Linh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội