A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trong nhịp đập trái tim

 

QPTĐ-Thủ đô là trái tim của cả nước, cũng là trái tim của các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Hoàng Sa, Trường Sa luôn trong trái tim đồng bào, chiến sĩ Thủ đô và trong cả nước.

 

 

Cứ ngẫm lâu nay, lời nói, hành động nào của các thế lực thù địch ảnh hưởng xấu đến biển đảo Tổ quốc, chúng ta khắc ghi, đáp trả. Mỗi nghĩa cử thân thiện của thế giới đối với quân dân trên các vùng biển đảo đó, đều được chúng ta nhớ ơn. Mỗi cơn bão, đợt gió mùa gây hại khiến chúng ta bồn chồn, lo lắng. Từ bao lâu rồi, chúng ta luôn đau đáu nỗi nhớ, mối lo trước thiên tai, địch họa ở Hoàng Sa, Trường Sa. 

 

 

Nhà khách Thủ đô-Công trình do Đảng bộ, chính quyền 

và nhân dân Thủ đô Hà Nội tặng quân dân huyện đảo Trường Sa.  


Nghĩa tình Hà Nội với Hoàng Sa, Trường Sa thật sâu đậm. Năm nào, thành phố Hà Nội cũng tổ chức các đoàn công tác thăm, tặng chiến sĩ và nhân dân những món quà thiết thực như hạt giống rau, các đồ dùng sinh hoạt, sách, vở, đồ dùng học tập... Sự tích cực của các tầng lớp nhân dân Thủ đô trong phong trào Hướng về biển đảo quê hương trở thành tấm gương sáng, động viên cả nước đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội ở Trường Sa. Ở Trường Sa có nhiều công trình hiển hiện hình ảnh Thủ đô, tình cảm quân dân Hà Nội.  Đáng nói nữa, nếu vì Trường Sa, chỉ cần Đảng bộ, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc lên tiếng là quân dân Hà Nội hết lòng hưởng ứng, góp từng đồng tiền theo khả năng mình. Đúng như truyền thống xưa: Góp gió thành bão, gần 10 năm nay, Đảng bộ, chính quyền và quân dân Thủ đô đã quyên góp được hơn 200 tỷ đồng, chuyển quà đến các đảo và xây dựng các công trình tình nghĩa.         


Cách đây gần 10 năm, Thị trấn Trường Sa khó khăn trong tiếp đón các đoàn khách tới thăm, Hà Nội liền xây tặng Nhà khách Thủ đô. Công trình khánh thành ngày 10-5-2010, khẳng định Thủ đô luôn luôn trong lòng Trường Sa, giúp cho thị trấn huyện đảo bảo đảm một phần nhu cầu ăn ở, sinh hoạt cho đảo và các đoàn khách đến thăm. Nhà khách Thủ đô và các công trình khác đã và đang được xây dựng, tạo cho đảo Trường Sa Lớn bộ mặt mới, thị trấn “Thủ đô” của huyện đảo.


 Ở nhà khách có tấm bản đồ Việt Nam, kích thước 2,3m x 1,9m, gồm 88m miếng gốm ghép lại, được nung trên 1.200 độ C. Nhìn trên đó, thấy rõ những địa danh, từng tên đảo, đá, cồn san hô, từng bãi cạn, bãi ngầm… của hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các đảo khác dọc chiều dài lãnh thổ Việt Nam. Trong tương lai, tất cả 33 điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa đều có tấm bản đồ như thế. Tác giả của tấm bản đồ này là họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, công dân Hà Nội, tác giả Con đường gốm sứ Thăng Long-Hà Nội. Ở Trường Sa, trước tấm bản đồ này, họa sĩ có các tác phẩm Cờ Tổ quốc bằng gốm lớn nhất Việt Nam (trên nóc Nhà văn hóa của thị trấn Trường Sa) và 6 bức tranh gốm đề cao hình tượng chiến sĩ hải quân, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trên biển đảo. Tấm bản đồ góp thêm tiếng nói khẳng định chủ quyền Việt Nam bằng chính chất liệu truyền thống lâu đời của cha ông. 


Trên đảo Song Tử Tây, Nhà văn hóa được khởi công xây dựng từ tháng 6-2011 và hoàn thành vào tháng 4-2012. Với diện tích tổng thể 1.500m2 mặt sàn, công trình có tiền sảnh, phòng tiếp khách, phòng chiếu phim, phòng trưng bày và 19 phòng nghỉ bố trí 44 giường. Công trình là nhà cấp 3, có độ bền cao, chịu được sóng, gió, thời tiết khắc nghiệt ở đảo... Ở đây  được trang bị đầy đủ sách báo, phục vụ nhu cầu của quân dân trên đảo. 
Tại đảo Tiên Nữ, Nhà văn hóa đa năng được xây dựng. Đây cũng là việc làm hết sức thiết thực khẳng định chủ quyền Việt Nam, thêm sức mạnh để quân dân giữ vững chủ quyền biển đảo, thềm lục địa và là điểm tựa vững chắc cho đồng bào, ngư dân khai thác, phát triển kinh tế tại ngư trường truyền thống của ta.


Còn có thể kể nhiều công trình, nhiều việc làm thắm đượm nghĩa tình Hà Nội-Trường Sa tương tự nữa. Cùng cả nước, Hà Nội hướng về biển đảo quê hương, nơi đầu sóng ngọn gió, nêu cao tinh thần bất khuất, khí phách dân tộc, vững vàng trước mọi thử thách thiên tai, địch họa.


Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả
Những chàng trai ra đảo đã quên mình
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi.


Quân dân Trường Sa luôn nhớ về Hà Nội, thể hiện bằng những việc làm thật giản dị mà đầy ý nghĩa. Trên đảo Sinh Tồn, các chiến sĩ tạo nên mô hình chùa Một Cột, coi đó là hình ảnh Thủ đô gần gũi hằng ngày với quân dân của đảo. Quân dân huyện đảo truyền tình cảm trân trọng, yêu thương bằng cách gửi tặng những tấm đá san hô. Năm 2011, 33 tấm đá san hô được lấy từ 33 đảo lớn, nhỏ của huyện đảo Trường Sa được chuyển về Hà Nội. Mỗi tấm đá khắc rõ kinh độ, vĩ độ hòn đảo của nó. Những tấm đá đó được trưng bày ở Bảo tàng Hà Nội. Cho đến nay, rất nhiều người vẫn tìm đến, tràn đầy cảm xúc khi ngắm những tấm đá đó. Hẳn nhiều người hiểu rằng đá đó được lấy lên từ lòng biển, nơi mà như nhà thơ Trần Đăng Khoa đã nói: "Có lẽ không ở đâu nước biển mặn như ở Trường Sa và Hoàng Sa. Mặn như máu!”. 


Mồ hôi và máu của các thế hệ người Việt bao đời hòa trong nước biển bởi sự nghiệp xây dựng, bảo vệ biển đảo phải trả bằng sức lực và sinh mệnh bao người. Những tấm đá Trường Sa hiển hiện tại Hà Nội như sự khẳng định:
Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương đầy gió bão/ Chúng tôi như hòn đá ngàn năm, trong nhịp đập tim người/ Như đá vững bền, như đá tốt tươi…


Chắc hẳn mỗi chiến sĩ, nhân dân trên các đảo đó và trong cả nước cũng đầy cảm động khi Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định đặt tên hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa cho hai đoạn của tuyến đường đẹp nhất phía Đông Bắc Thủ đô. Các con đường này về mặt kỹ thuật và thẩm mỹ đều rất ấn tượng. Với chiều dài hơn 7,3 km, đường Trường Sa nối giữa Quốc lộ 5, cầu Đông Trù với tuyến đường Võ Nguyên Giáp-cầu Nhật Tân, tại nút giao Vĩnh Ngọc. Đường Hoàng Sa khớp nối giữa nút giao Vĩnh Ngọc với đường Võ Văn Kiệt- tuyến đường từ sân bay Nội Bài về trung tâm thành phố qua cầu Thăng Long. Cả hai con đường đều rộng tới 68m, được thiết kế đồng bộ, hiện đại với hệ thống vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng và thoát nước.

 

Còn về ý nghĩa tinh thần thì khó kể hết. Đó là sự thể hiện tình cảm của chính quyền, nhân dân Thủ đô đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Hai tuyến đường là hình ảnh sinh động phát triển của Thủ đô nhưng cao hơn là lời nhắc nhở mỗi người hướng về biển đảo quê hương. Nhiều cán bộ, chiến sĩ, người dân Hà Nội sắp xếp thời gian, công việc để đi trên các đường đó với cảm xúc đặc biệt. Những người dân trong cả nước và du khách nước ngoài mỗi khi có dịp qua các tuyến đường này, lại chỉ cho nhau: Đó là biểu tượng Hoàng Sa, Trường Sa… 
Hoàng Sa, Trường Sa luôn hòa trong nhịp đập trái tim chúng ta. 

 

Việt Ân

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ