A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chất lượng y tế cơ sở

 

Hướng tới sự hài lòng của người bệnh ngay từ y tế cơ sở (bao gồm y tế tuyến xã, phường, thị trấn và y tế thôn, bản) là mục tiêu của ngành Y tế. Xác định rõ vai trò của y tế cơ sở là “xương sống” của hệ thống y tế Việt Nam, ngành y tế đã rất cố gắng cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh ngay tại đây, nhờ vậy tỷ lệ người dân hài lòng khi khám, chữa bệnh tại y tế cơ sở ngày một nâng cao.

 

 

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.

 

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, y tế cơ sở đã góp phần thiết thực làm giảm tỷ lệ mắc và tỷ lệ chết của nhiều bệnh dịch nguy hiểm. Nhiều nội dung chăm sóc sức khoẻ ban đầu và nâng cao sức khoẻ đã được triển khai rộng khắp và đạt hiệu quả thiết thực như tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, giám sát dịch bệnh… Nhờ đó, các chỉ số sức khoẻ của người dân được cải thiện rõ rệt, phần lớn các chỉ tiêu tổng quát về sức khoẻ của nước ta đều vượt các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.

 

Song cùng những kết quả tốt, y tế cơ sở còn rất nhiều bất cập, khó khăn, đặc biệt là chất lượng khám, chữa bệnh. Theo thống kê, tính đến nay, mặc dù 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn đã có cán bộ y tế nhưng chỉ 60% đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã, còn lại cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, cán bộ chuyên môn thiếu, quản lý chồng chéo. 90% thôn, bản có cán bộ y tế nhưng tỷ lệ được đào tạo theo quy định mới chỉ ở khoảng 69%. Kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho biết năng lực khai thác tiền sử bệnh tật và khám bệnh của bác sỹ tuyến huyện, xã đối với các bệnh thường gặp chưa đáp ứng được yêu cầu. Khả năng chẩn đoán đúng, chẩn đoán và chỉ định hợp lý còn hạn chế.

 

Do chất lượng điều trị của y tế cơ sở không đủ thuyết phục và tạo niềm tin cho người bệnh, nên nhiều trung tâm y tế cơ sở vắng bệnh nhân. Có tới 70% bệnh nhân vượt tuyến ở Trung ương trong khi bệnh có thể điều trị ở tuyến tỉnh; 81,8% bệnh nhân vượt tuyến ở tỉnh có thể điều trị ở huyện, xã và 67,9% bệnh nhân vượt tuyến ở huyện có thể điều trị ở ngay tuyến xã.

 

Để giải quyết vấn đề trên, Bộ Y tế xác định, các phòng khám, trung tâm y tế tại xã, huyện, thị sẽ thay đổi cơ chế hoạt động, không chỉ khám, chữa bệnh đơn thuần mà gồm cả dự phòng để nâng cao năng lực, vai trò của hệ thống y tế. Cụ thể là thí điểm, mở rộng mô hình theo dõi, quản lý, chăm sóc sức khỏe cho cá nhân và hộ gia đình; lồng ghép, bổ sung nhiệm vụ của phòng khám bác sĩ gia đình vào trạm y tế tuyến xã để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe liên tục, gắn kết giữa chăm sóc sức khỏe tại nhà, tại cộng đồng với trạm y tế và bệnh viện, đặc biệt là với các bệnh không lây nhiễm, bệnh mãn tính.

 

Với mô hình này, cần phải có đội ngũ nhân viên y tế đủ về số lượng, giỏi chuyên môn. Bộ Y tế bảo đảm chế độ đãi ngộ đối với các bác sĩ có chuyên môn tốt công tác ở tuyến y tế cơ sở. Trong giai đoạn 2016-2020, phấn đấu mỗi cán bộ y tế cơ sở được dự ít nhất 1-2 lớp tập huấn; luân chuyển, điều động bác sĩ y tế xã với bệnh viện và ngược lại để phát huy hiệu quả nguồn nhân lực. Ngoài ra, tăng cường đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các bệnh viện, trung tâm y tế ở các huyện, trạm y tế xã với tổng kinh phí ước tính hơn 28.000 tỷ đồng. Để đạt hiệu quả cao, tất cả các giải pháp này phải thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt.

 

 HOÀNG HƯƠNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ