A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những vườn rau nơi đảo xa

 

QPTĐ- Trên các đảo chìm, đảo nổi của quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, mặc dù khí hậu vô cùng khắc nghiệt, ngập tràn sóng gió, bão tố, đất cằn, biển mặn nhưng với bàn tay chăm sóc của cán bộ, chiến sĩ, cùng với những giọt nước ngọt được sử dụng tiết kiệm, vườn rau xanh của lính đảo vẫn vươn mầm, xanh lá tốt tươi trong nắng gió đại dương.

 

 

Chăm sóc rau xanh trên đảo Phan Vinh.

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đa số các đảo và nhà giàn đều trồng các loại rau dễ phát triển như rau muống, rau cải, rau đay và rau mùng tơi. Một số đảo có điều kiện thì trồng thêm các loại rau khác như rau dền, rau bầu đất, rau khoai lang kèm thêm các loại rau gia vị. Thiếu tá Phạm Văn Hưởng, nhân viên Quân y Nhà giàn DK1/14 cho biết: "Hàng tháng, chúng tôi vẫn được cung cấp rau theo định kỳ từ các tàu chở lương thực, thực phẩm trong đất liền chuyển ra nhưng rau không còn xanh tươi nữa, vì vậy, muốn có rau tươi ngon thì đảo nào cũng chủ động trồng. Đối với điều kiện ở nhà giàn chúng tôi có vài chục bồn rau, phải tiết kiệm ăn dần. Trong các bữa ăn hàng ngày, rau xanh chủ yếu là thái nhỏ để nấu canh. Hàng tuần, bộ đội được ăn 2 bữa rau xanh. Khó khăn lớn nhất trong tăng gia ở đây là thiếu nước ngọt, sau đó là gió bão, sâu bệnh".

 

Không có diện tích thuận lợi như các đảo nổi, công tác tăng gia ở các đảo chìm phải nói là rất kỳ công. Các loại rau xanh được bộ đội trồng chủ yếu trong trong các khay nhựa, thùng xốp, bồn composite. Vị trí trồng thường là tận dụng diện tích trong khu nhà ở như: lối đi, ban công. Đất và hạt giống được vận chuyển theo tàu từ đất liền ra. Tuy nhiên, việc cải tạo đất trồng ở đảo chìm cũng gặp khó khăn hơn so với đảo nổi, vì đất trồng không được thay đổi thường xuyên, phân bón hạn chế nên cây phát triển chậm. Khắc phục tình trạng này, anh Hưởng chia sẻ: “Trước khi trồng, đất ở trong bồn được cán bộ, chiến sĩ xúc ra ngoài phơi khoảng một hai nắng cho đất tơi xốp, bón các loại phân phù hợp, xới, trộn rồi mới gieo giống”.

 

Để bảo vệ vườn rau, cán bộ, chiến sĩ trên các đảo và nhà giàn đã có nhiều biện pháp chống nắng nóng, chống mặn như làm hàng rào, hệ thống mái che bằng lưới, tấm che bồn rau… Nếu gặp mưa bão lớn, ở các đảo chìm các bồn rau sẽ được cán bộ, chiến sĩ chuyển vào trong nhà. Trung sĩ Đỗ Minh Tâm (quê ở xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội) phụ trách chăm sóc vườn rau thanh niên trên đảo chìm Tốc Tan tâm sự: "Ở ngoài này, thời tiết có lúc nắng như đổ lửa, vào mùa mưa bão lại có sóng lớn, quá trình chăm sóc rau xanh, chúng tôi phải rất cẩn thận, “yêu rau như con”! Hàng ngày, phải thăm, kiểm tra vườn rau vào buổi sáng, che rau vào buổi trưa nắng, cuối giờ chiều đơn vị tập trung anh em tưới rau, trồng rau, gieo giống, cải tạo đất, bón phân. Những tháng đầu năm, nắng nóng, lượng mưa ít, nước tưới hạn chế nên cây lớn chậm, năng suất thấp".

 

Một trong những khó khăn đối với bộ đội đóng quân ở Trường Sa và  Nhà giàn đó là vấn đề thiếu nước ngọt. Mùa mưa có đảo hứng được đủ nước mưa nhưng có đảo không có nhiều bể chứa, nước dùng thiếu, phải chờ nước ngọt vận chuyển từ đất liền. Đặc biệt, mùa này đang là mùa khô, lượng nước khá hạn chế nên bộ đội trên các đảo, nhà giàn tận dụng tối đa nước thừa lúc tắm (ít xà bông), nước rửa rau, nước vo gạo để tưới rau.

 

Giữa biển khơi, chúng tôi mới thấy rau xanh và nước ngọt quý hiếm như thế nào. Nếu không có rau xanh, bộ đội sẽ rất khó khăn trong việc cải thiện bữa ăn, nước uống và sinh hoạt. Song với tinh thần làm chủ cuộc sống nơi đảo xa, cán bộ, chiến sĩ trên các đảo và nhà giàn đã khắc phục khó khăn về khí hậu, thời tiết, tổ chức trồng, chăm sóc, che chắn và tạo giống gối vụ đảm bảo thường xuyên đáp ứng tốt về nhu cầu rau xanh thiết thực góp phần cải thiện đời sống bộ đội nơi đầu sóng, ngọn gió.

 

Hữu Thu

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ