A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sách và người chiến sĩ

 

Gần hai mươi năm làm báo trong môi trường quân đội, được đi nhiều, gặp gỡ các chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo, đặc biệt là cánh lính trẻ trên các đảo chìm ở quần đảo Trường Sa, tôi càng thấu hiểu trong đời sống tinh thần hàng ngày, sách báo với những người lính quan trọng đến thế nào giữa trời nước mênh mông hay nơi rừng sâu núi thẳm mà họ đang công tác.

 

Đọc sách ở Tiểu đoàn Thiết giáp 47.

 

Ở những đảo chìm thuộc dải Vành Khăn-quần đảo Trường Sa trong một chuyến công tác năm 2002, chứng kiến những tờ báo nhàu nát và những cuốn sách mỏng sờn gáy, bợt bạt vì ngấm nước biển chắc chắn đã được đọc rất nhiều lần ấy vẫn được gìn giữ cẩn thận trong tủ sách kề sát những khẩu súng, tôi chạnh nghĩ tới những thư viện máy lạnh sang trọng với những cuốn sách dầy cộp bìa cứng giá hàng triệu đồng có khi cả năm không ai sờ đến mới thấy rằng bộ đội ta yêu sách biết bao nhiêu.

 

Lại không ít lần ở các đồn biên phòng Tây Nguyên, Tây Nam, Tây Bắc, khi chứng kiến những cuốn sách lâu ngày nắng quái, mưa rừng ẩm mốc đang mủn ra vẫn được các chiến sĩ chuyền nhau đọc trong những ca gác, buổi tuần tra liên miên, đặc biệt là những sách hướng dẫn bà con trồng cấy, chăm sóc sức khoẻ cây trồng vật nuôi và cả con người nữa thì tôi càng thấy sách quan trọng đến thế nào với đời sống người chiến sĩ.

 

Lại có một lần khi tiếp xúc với các chiến sĩ gác kho vùng cực Bắc những người lính đã cho tôi xem tủ sách của họ được bảo quản từ thời chống Mĩ với phương pháp bảo quản không kém gì bảo quản súng đạn và còn làm mã số cho từng cuốn sách thì chúng ta thấy cũng như súng đạn, sách báo đã là một người bạn chí thiết với cuộc đời người chiến sĩ trong suốt các cuộc kháng chiến cho đến ngày hôm nay và chắc chắn cả mai sau.

 

Bản thân tôi, cách đây hai mươi năm, khi còn là một cậu lính binh nhì gác kho nơi thâm sơn cùng cốc nếu không có những cuốn sách mỏng đã sờn nát trang được, trang mất từ những tủ sách ọp ẹp để tôi bình tâm và vững tâm trong những suy nghĩ định hướng cuộc đời mình thì chắc chắn nghề nghiệp của tôi đã khác đi.

 

Dẫn ra những ví dụ như thế để thấy một điều, hình ảnh bộ đội cụ Hồ được nâng niu gìn giữ, từ những chi tiết đời thường đến những hình ảnh anh hùng qua những trang sách đã trở nên lung linh và thấm đẫm trong tâm hồn mỗi người chiến sĩ và nhân dân.

 

Sách theo bước chân người chiến sĩ trước tiên là mơ ước của chính người chiến sĩ. Thật khó hình dung, trong các cuộc chiến tranh, chiến sĩ của ta không có sách báo để cập nhật thông tin cũng như bồi đắp tư tưởng, tâm hồn mình. Thành quả của những chiến công, những chiến thắng và ngày toàn thắng có sự góp phần không nhỏ của những trang sách. Quân đội ta biết học từ đồng đội mình, học ở trong dân từ những sách báo được viết lên từ chính cuộc sống của họ. Chính yếu tố tinh thần ấy đã biến thành sức mạnh phi thường để góp phần làm lên những chiến công.

 

Nói đến sách trong đời sống người chiến sĩ không thể không nhắc đến Thư viện Quân đội và hệ thống phát hành trong quân đội đã phục vụ nhu cầu đọc của bộ đội trong suốt những năm qua.

 

Thư viện Quân đội được thành lập ngày 15 tháng 11 năm 1957, đến nay đã có thời gian hoạt động gần 70 năm. Là Thư viện khoa học tổng hợp về quân sự, thư viện đầu ngành của hệ thống Thư viện trong Quân đội, có chức năng tham mưu giúp Thủ trưởng Tổng cục Chính trị về công tác thư viện trong toàn quân, hướng dẫn nghiệp vụ thư viện, sưu tầm, bảo quản vốn tài liệu về quân sự, quốc phòng, tổ chức khai thác phục vụ nhu cầu học tập nghiên cứu của bạn đọc trong và ngoài quân đội, cung cấp sách báo cho các đơn vị trong toàn quân, góp phần bảo đảm đời sống văn hoá tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội.

 

Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Thư viện Quân đội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, được Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý.

 

Trong thời kỳ đổi mới, Thư viện Quân đội đã bám sát chức năng nhiệm vụ, quán triệt sâu sắc đường lối quán triệt của Đảng, nhiệm vụ của Quân đội, chỉ thị, Nghị quyết của cấp trên tích cực chủ động triển khai đồng thời 2 nhiệm vụ: hoạt động tại chỗ và công tác với toàn quân, góp phần phục vụ nghiên cứu khoa học quân sự, tổng kết chiến tranh, nâng cao đời sống tinh thần cho bộ đội, đạt được nhiều thành tích nổi bật.

 

Thư viện Quân đội đã làm tốt chức năng tham mưu giúp Thủ trưởng Tổng cục Chính trị về công tác thư viện trong Quân đội, góp phần phục vụ đắc lực cho Công tác Đảng - Công tác Chính trị, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho bộ đội trong toàn quân.

 

Thư viện Quân đội phối hợp với các đơn vị chăm lo củng cố, phát triển hệ thống thư viện, phòng đọc, tủ sách, đẩy mạnh hoạt động sách báo trong quân đội, tiến hành công tác hướng dẫn, kiểm tra nghiệp vụ thư viện và hoạt động sách báo tại hàng trăm lượt đơn vị, tổ chức tổng kết các chương trình hoạt động trọng điểm về thư viện, sách báo trong quân đội. Chăm lo đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Thư viện Quân đội và cho hệ thống thư viện toàn quân. Phối hợp với các đơn vị tiến hành xây dựng củng cố thiết chế văn hóa, xây dựng tiềm lực sách báo cho thư viện, phòng đọc tủ sách các đơn vị.

 

Trong những năm qua, Thư viện Quân đội phục vụ hàng triệu lượt bạn đọc, đưa ra phục vụ luân chuyển hàng triệu lượt cuốn sách, tài liệu cho bạn đọc. Với phương châm hướng về cơ sở, năm năm qua Thư viện Quân đội đã đưa sách báo, tài liệu đi phục vụ luân chuyển tại các đơn vị với số lượng hàng vạn cuốn sách, tài liệu.Thư viện Quân đội đã chú trọng xây dựng nguồn lực sách báo cho thư viện khoa học, làm tốt công tác sưu tầm, bổ sung sách báo, tài liệu, luận văn, luận án và các ấn phẩm có liên quan đến quân sự quốc phòng để phục vụ cứu tổng kết trước mắt và lâu dài của quân đội. Đồng thời từng bước đẩy mạnh hiện đại hóa công tác thư viện, đưa công nghệ thông tin, tin học ứng dụng vào các hoạt động thư viện. Tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng văn hóa.

 

Với các hoạt động: giao lưu, tọa đàm, tuyên truyền giới thiệu sách báo, nói chuyện chuyên đề, hội thi tuyên truyền giới thiệu sách báo đã góp phần khẳng định, cổ vũ dòng văn học viết về chiến tranh cách mạng, phê phán ngăn ngừa những ấn phẩm văn hóa xấu độc thâm nhập vào các đơn vị quân đội.

 

 Nhìn vào những con số và đầu việc mà Thư viện Quân đội đã làm chúng ta càng thấy một điều rằng sách theo bước chân người chiến sĩ bao giờ cũng là những ngẫm ngợi, trở trăn của đội ngũ những người làm công tác thư viện trong suốt những năm qua và mảng công tác thư viện khoa học cũng luôn được chú trọng.

 

Sách theo bước chân người chiến sĩ hôm nay đang tiếp tục là một lỗ lực và phấn đấu không ngừng của đội ngũ cán bộ, công nhân viên của Thư viện quân đội, của hệ thống các thư viện trong toàn quân nhằm góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho bộ đội.

 

Phùng Văn Khai

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ