A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Rạng danh làng “Mĩ tục khả phong”

 

Mĩ tục khả phong là danh hiệu mà triều đình ban cho các làng xã có nhiều đóng góp với triều đình thời phong kiến. Sử còn ghi nhận, năm Tự Đức thứ 29 (1876), triều đình định lại lệ khen thưởng chung cho các làng xã và cá nhân quyên góp được nhiều của cải. Quyên góp được từ 1.000 quan trở lên thì ban thưởng cho một tấm biển đề chữ “Mĩ tục khả phong”. Việc khuyến khích nhân dân cả nước làm việc tốt như vậy đã tạo nên một nét đẹp thuần hậu trong mỗi làng xã Việt Nam. Những làng được ban biển ngạch cũng phản ảnh được các mặt sinh hoạt xã hội. Trong các làng được ban biển ngạch Mĩ tục khả phong ở huyệnThạch Thất, Hà Nội có làng Hương Ngải và Hữu Bằng.

 

 

Quán Nghinh Hương ở Hương Ngải, Thạch Thất.

 

Hương Ngải có tên nôm là làng Ngải. Một vùng cư dân sống có quy mô rộng lớn với nhiều nghề thủ công như nghề dệt, nghề mộc… Làng có quán Nghinh Hương là nơi tổ chức Nghinh hương đón sĩ tử đỗ đạt cao, ghi danh bảng vàng, hồi hương vinh quy bái tổ. Nghinh hương lấy chữ trong câu ca truyền tụng:

“Chúc sĩ tử ứng thí tranh khôi

Nghinh tân khoa hồi hương bái tổ”

 

Tại đây có treo bức đại tự lớn do vua Tự Đức ban tặng năm 1847 với 4 chữ Hán “Mĩ tục khả phong”. Nội dung ghi trong biển là : “Toàn dân Hương Ngải tổng Hương Ngải huyện Thạch Thất đi quyên góp tiền của giúp nước nên vinh hạnh được triều đình ban tặng: Mĩ tục khả phong”. Ngày tốt tháng Giêng năm Tự Đức thứ 27 (1874) Hương Ngải là đất khoa bảng có nhiều người đỗ đạt làm quan từ thời xa xưa. Chỉ tính riêng triều Nguyễn sách Quốc triều Hương khoa lục đã liệt kê danh sách 11 vị đỗ cử nhân.

 

Cuối làng có bia Văn chỉ, trong đó có đoạn viết: “Ôi, thờ cúng và khắc bia các vị hương hiền không dám chỉ vì các vị đó, mà muốn mong con cháu sau này nối tiếp truyền thống vẻ vang của các cụ mà thôi. Thảng hoặc sau này, nếu ai có chí qua đây chiêm ngưỡng mà thấy hứng khởi, đó là mong muốn của làng ta vậy…”.

 

Một làng nữa ở ven thành Thăng Long cũng được ban biển Mĩ tục khả phong là làng Hữu Bằng, huyện ThạchThất. Làng có tên Nôm là Kẻ Nủa, là một vùng đất nổi danh xứ Đoài. Kinh tế ở đây sầm uất, phát đạt từ xa xưa. Chợ Nủa quanh năm thương khách dập dìu. Tương truyền vào những ngày phiên chợ dân tứ xứ đến trao đổi hàng hóa, ngựa xe chật đường, nhộn nhịp chẳng kém đất Kẻ chợ là mấy. Dân quanh vùng từ xưa đã có câu: “Thứ nhất Kinh kì, thứ nhì Nủa Chợ”.

 

Làng Hữu Bằng có truyền thông thi thư với nhiều người đỗ đạt khoa bảng đời nào cũng có. Ngoài ra nơi đây còn nổi tiếng hơn bởi những bàn tay tài hoa với nghề dệt vải tinh xảo. Từ nhiều đời nay, người dân Hữu Bằng nhờ vào bàn tay khối óc của mình đã xây dựng quê hương Nủa Chợ thành một làng  quê trù phú, phong tục thuần hậu, có đóng góp tích cực cho quốc gai về việc quyên tiền giúp nước và lập kho thương xã để cứu giúp người nghèo. Năm Đinh Mão niên hiệuTự Đức thứ 20 (1867) dân làng Hữu Bằng vinh hạnh được triều đình ban tặng bức biển ngạch Mĩ tục khả phong. Phần nội dung ghi: “Làng Hữu Bằng huyện Thạch Thất kính cẩn đón nhận biển ngạch vua ban: Mĩ tục khả phong. Năm Đinh Mão niên hiệu Tự Đức chế cấp biển ngạch”.

 

Ngày nay, những làng này vẫn luôn giữ được nếp truyền thống xưa kia. Người Chợ Nủa vẫn tự hào về làng quê mình sầm uất và giàu truyền thống yêu nước. Người ta đồn rằng: Hữu Bằng vốn được đất tốt, đời nào cũng thịnh, điểm ấy đã thể hiện rõ trong đôi câu đối ở chùa Vĩnh Phúc của làng: “Đại địa phúc duyên, thuần cổ hương phong danh Thạch Thất/ Thử gian tĩnh vật, uất thương giai khi tiếp Tây Phương”. Tạm dịch: “Phúc duyên đại địa, thuần cổ thời quê lừng danh Thạch Thất/ Tĩnh lặng chốn này, ngời ngời khí tốt tiếp nối Tây Phương”.

 

Còn với làng Hương Ngải ngày nay, truyền thống phong tục thuần hậu và học hành khoa cử vẫn được lưu truyền. Những tấm gương cần cù hiếu học, những đức tính siêng năng của bao lớp người dân Hương Ngải đã xây dựng và giữ gìn thuần phong mĩ tục mà các làng quê khác quanh vùng ít làng có được. Ngoài ra còn rất nhiều làng ở ven kinh thành Thăng Long được ban biển ngạch Mĩ tục khả phong dưới triều Nguyễn. Chính những thuần phong mĩ tục kể trên đã làm tăng thêm lòng tự hào về quê hương, trở thành động lực để người dân có đủ sức mạnh vượt qua mọi gian khó cống hiến sức lực xây dựng làng quê ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 

Minh Nguyệt

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ