A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làm bình luận viên không dễ

 

Tiểu đoàn 5 của chúng tôi có trận bóng đá giao hữu với Tiểu đoàn 4 vào buổi chiều thứ Bảy. Mọi công tác chuẩn bị đều đã xong, nhưng có một vấn đề nhỏ xảy ra. Số là để cho một trận bóng đá thêm xôm trò thì phải có bình luận viên, nhưng anh Toản- Đại đội phó, người chuyên môn giữ trọng trách này mỗi khi giao lưu lại vắng mặt. Thế là chỉ huy phân công ngay cho tôi công việc này với lý do tôi nói năng lưu loát cộng thêm trình độ hiểu biết về bóng đá cũng kha khá. Ban đầu tôi cũng thấy ngại lắm, vì như thế là tôi không được vào sân, phải ngồi xem và bình luận nhưng sau khi được động viên, tôi cũng tặc lưỡi nhận lời.

 

 

Một trận bóng đá của lính

 

Chiều hôm ấy, nắng nhẹ, không khí mát mẻ, đây là điều kiện vô cùng thuận lợi đối với các cầu thủ. Đến giờ bóng lăn, không khí quanh sân vận động càng nóng lên bởi sự cổ vũ của các cổ động viên. Tôi được ưu tiên ngồi trên ban công nhà chỉ huy, để tiện cho việc quan sát và bình luận. Hai đội tiến ra sân với một phong thái vô cùng hùng dũng.

 

Giống như trong tivi, tôi bắt trước bình luận viên Quang Huy giới thiệu từng cầu thủ của đội nhà và đội khách từ trang phục cho đến số áo. Ban đầu giọng bình luận của tôi còn nhát gừng, nhưng sau mỗi tình huống tấn công của hai đội, tôi lại càng hăng máu, nói. Trận đấu giằng co được tầm 20 phút thì bắt nguồn từ đường phát bóng bổng của thủ môn Sa ( tôi đặt luôn biệt hiệu cho anh bạn này là Van Đờ Sa, giống tên của một thủ môn nổi tiếng), bóng đến chân của Tuấn, anh này lừa qua hai hậu vệ đối phương, sút bóng chìm, bay gọn vào lưới đội Tiểu đoàn 4 trước sự bất lực của thủ môn.

 

Người tôi như có điện giật, tôi hét to “Vào…ào.. ào!”. Do quá vui sướng mà tôi thốt ra câu: “Thủ môn đội bạn đã phải vào bóng nhặt lưới”. Câu nói này khiến cho cổ động viên của Tiểu đoàn 4 đang buồn vì bị ghi bàn cũng phải phì cười, còn tôi sau khi nhận ra mình nói nhầm, ngượng chín mặt, phải mất một lúc mới lấy lại bình tĩnh để bình luận tiếp.

 

Hiệp một kết thúc với tỉ số 1-0 nghiêng về đội tôi. Sang hiệp 2, Tiểu đoàn 4 dần lấy lại được tinh thần, dồn ép chúng tôi liên tục, chỉ 10 phút, họ đã có được 2 bàn thắng. Tôi dần dần biến mình từ bình luận viên thành cổ động viên quá khích, cứ mỗi tình huống đội tôi mất bóng hay sút trượt là tôi lại la hét, đập bàn. Những câu nói kiểu như: “Đá thế mà cũng đòi vào sân à?”, “Tiền đạo chân lệch” hay “Có mắt không mà để người ta lừa như trẻ con thế?” xuất hiện với tần suất dày đặc.

 

Còn 5 phút nữa là kết thúc trận đấu, sau cú đánh đầu bóng bay vọt xà ngang của Tuấn, tôi liền bỏ cả micro, không thèm bình luận nữa, chạy xuống sân để xin được đá nốt mấy phút cuối. Cuối cùng, trọng tài nổi còi kết thúc trận đấu, tỉ số 2-1 nghiêng về đội Tiểu đoàn 4. Nghỉ ngơi một lát, cả đội tôi ngồi với nhau để rút kinh nghiệm sau trận thua. Lý do đầu tiên được đưa ra là do sự bình luận của tôi gây tâm lý cho hầu hết toàn bộ đội bóng. Đáng nhẽ ra khi nhận bàn thua đầu tiên, tôi phải khích lệ anh em thì đằng này tôi lại toàn la hét, trách móc, khiến cho tất cả ức chế, đá hỏng. Lúc này tôi mới chột dạ, hóa ra chính tôi là một phần khiến anh em không hưng phấn đá. Tôi chỉ biết im lặng nhận lỗi, không nói được lời nào.

 

Sau lần đấy, cũng may là anh Toản không về tranh thủ lần nào khi có giao hữu thể thao nữa, chứ vắng anh, có cho kẹo tôi cũng không dám làm bình luận viên.

 

Luân Phạm

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ