A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhớ nhạc sỹ tài hoa

 

 

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng

Để làm gì em biết không?

Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…”

 

 

Mặc dù đã 15 năm trôi qua kể từ sau ngày mất của Trịnh Công Sơn (1-4-2001) nhưng những người yêu nhạc Trịnh khi nghe những ca từ này trong tác phẩm “Để gió cuốn đi” nói riêng và hàng trăm ca khúc khác của ông hẳn đều có cảm giác như tôi, Trịnh Công Sơn chưa rời xa chúng ta mà nói như ca sỹ Khánh Ly, sự ra đi của ông chỉ như một cuộc dạo phố.

 

 

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh ngày 28/2/1939 tại làng Minh Hương, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế nên sau này dòng nhạc của ông cũng ảnh hưởng bởi đặc trưng của Nhã nhạc Cung đình. Ông được xem là một trong những nhạc sĩ lớn nhất của tân nhạc Việt Nam và có sự lan tỏa ra cả thế giới với số lượng tác phẩm rất đồ sộ, trên 600 bài hát, trong số đó nhiều tác phẩm trở thành bất hủ.

 

Với sự cống hiến không mệt mỏi, năm 1972, Trịnh Công Sơn đã đoạt giải thưởng Đĩa Vàng ở Nhật Bản với bài "Ngủ đi con" (trong Ca khúc da vàng) qua tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly, sau đó trở thành “hit” ở Nhật Bản; giải Nhất cuộc thi "Những bài hát hay nhất sau 10 năm chiến tranh" với bài "Em ở nông trường, em ra biên giới"; năm 1997, đoạt giải thưởng lớn của Hội Nhạc sĩ cho một chuỗi bài hát: "Xin trả nợ người", "Sóng về đâu", "Em đi bỏ lại con đường", "Ta đã thấy gì hôm nay". Đặc biệt năm 2004, ông được  nhận Giải thưởng Âm nhạc hòa bình thế giới vì "lý tưởng hòa bình mà ông đã đấu tranh không mệt mỏi cho nhân loại". Trịnh Công Sơn có tên trong từ điển bách khoa Pháp Les Million…

 

Những ca từ của ông giản dị, dễ đi vào lòng người nhưng không phải “mộc” mà luôn đậm chất thơ. Cũng bởi vậy mà những ca khúc của ông được rất nhiều thế hệ yêu thích, bởi sự gần gũi, sự rung cảm trước cái đẹp, ở đó có cả nỗi đau, tâm trạng và sự tuyệt vọng mà mỗi con người đều phải trải qua, nhất là cung bậc trong tình yêu đôi lứa: "...Tình yêu cho anh đến bên cơn muộn phiền, tình đi âm thầm, nghìn trùng như vết sương, lạnh lùng như dấu chim/Tình mong manh như nắng, tình còn đầy không em?...". (Tình sầu). Ai cũng có thể được hoà mình, tìm thấy những điều sâu kín nhất trong tâm hồn qua ca từ của ông. Cho tới thời điểm này, không chỉ riêng những cái tên như Khánh Ly, Hồng Nhung gắn bó với nhạc Trịnh mà rất nhiều ca sỹ tên tuổi qua các thế hệ như Cẩm Vân, Thanh Lam, Quang Dũng, Mỹ Linh, Tùng Dương cũng lựa chọn nhạc của ông để được thể hiện và toả sáng.

 

Điều đáng nói, ngoài cách đặt tên, gieo vần cho tác phẩm độc đáo như: Tuổi đá buồn, Hạ trắng…Nhịp điệu trong ca từ của Trịnh Công Sơn cũng biến tấu đặc biệt. Chẳng hạn với bài “Cát bụi” là 3/4: “Bao nhiêu năm, làm kiếp con người/Chợt một chiều, tóc trắng như vôi...” thì sang “Tình nhớ” lại là nhịp 3/2: “Một người về, đỉnh cao/Một người về, vực sâu”, nhịp đôi (2/2): “Ngày mai, em đi, đồi núi, nghiêng nghiêng, đợi chờ”-(Biển nhớ)…Thậm chí lời bài hát còn như một điều nhắn nhủ khi người ta đang trong tuyệt vọng: “Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng/Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”.

 

Vì ông bảo: Dù có đôi khi nhân gian bạc đãi mình, và con người phụ rẫy mình nhưng cuộc đời rộng lớn quá và mỗi chúng ta chỉ là những hạt bụi nhỏ nhoi trong trần gian mà thôi. Giận hờn, trách móc mà làm gì bởi vì cuộc đời sẽ xoá hết những vết bầm trong tâm hồn chúng ta nếu lòng ta biết độ lượng. Ta biết tha thứ những điều nhỏ thì cuộc đời sẽ tha thứ cho ta những điều lớn hơn..." (Trích: Để bắt đầu một hồi ức-TCS)…; đôi khi còn như một đóa hoa thơm để dâng tặng những người mẹ Việt Nam Anh Hùng bất khuất, trung hậu, đảm đang qua “Huyền thoại mẹ”-tác phẩm cũng là dấu ấn cho dòng nhạc cách mạng của ông.

 

Trong một số trường hợp đó còn là lời động viên, cổ vũ con người một ngày mới “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”, hay “Hãy yêu nhau đi khi rừng thay lá/Hãy yêu nhau đi dòng nước có trôi xa/Nước trôi qua tim đong đầy trí nhớ/Ngày mai mong chờ ngày sẽ thiên thu”-(Hãy yêu nhau đi). Trái tim của ông không chỉ rung cảm và khép gọn bởi những điều bình dị mà nó đã chạm tới tình yêu bao la với quê hương, đất nước: “Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên/Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình/Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống/Vì đất nước cần một trái tim”.

 

Chính ông khi còn sống cũng từng khẳng định: Tôi vốn thích triết học và vì thế tôi muốn đưa triết học vào những ca khúc của mình. Một thứ triết học nhẹ nhàng mà ai ai cũng có thể hiểu được như ca dao hoặc những lời ru con của mẹ. Triết học Việt Nam có đó nhưng không được hệ thống hóa vì nó bàng bạc trong đời sống nhân gian...Quả không ngoa khi một số nhà nghiên cứu cũng cho rằng: hoàn toàn có thể làm từ điển ca từ nhạc Trịnh với các tâm trạng của con người, từ lúc chưa đẻ đến khi nằm xuống. Với ông, đó là cuốn bách khoa toàn thư về thế giới tinh thần, là tri âm tri kỷ, là thuốc giảm đau lúc buồn nhất.

 

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, tri kỷ đặc biệt Trịnh Công Sơn đã nói: Có một văn hóa Trịnh Công Sơn. Còn nhà phê bình Chu Văn Sơn thì: Trịnh Công Sơn thuộc mẫu nghệ sĩ đa tài, mẫu ba trong một: nhạc sĩ-thi sĩ-họa sĩ. Ông ảnh hưởng đến tâm hồn người Việt như một văn hóa. Người ta thấy trong đó một cách yêu, cách sống, cách ứng xử với quê hương, với đất nước, với chiến tranh, với hòa bình, với thiên nhiên, với lịch sử, với sự sống, với cái chết, với thực tại, với hư vô... Nó làm giàu thêm, đẹp thêm cho lối sống Việt, văn hóa Việt.

 

15 năm, có thể thấy chặng đường này không hề ngắn nhưng kho nhạc của Trịnh Công Sơn vẫn không hề phôi pha trong lòng người yêu nhạc Trịnh mà trái lại ngày một được phát huy. Nhạc của ông không chỉ phổ rộng trong nước mà còn được đón nhận nồng nhiệt ở nhiều nước trên  thế giới. Với ý nghĩa như vậy, nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày mất của ông, người hâm mộ trên mọi miền Tổ quốc, đặc biệt là những nghệ sỹ đã hội tụ và tổ chức rất nhiều hoạt động ý nghĩa để tưởng nhớ người nghệ sỹ tài hoa, trong đó đặc sắc nhất phải kể đến là Đêm nhạc “Trịnh Công Sơn-15 năm-Đường xa vạn dặm”, hay “Như cánh vạc bay”. Ở đó mọi người tưởng nhớ, được sống và hoà mình trong không gian nhạc mênh mang, gần gũi nhưng cũng đầy tâm trạng và rất đời của con người để rồi biết sẻ chia, yêu thương và hơn cả là “có một tấm lòng” với mọi người.

 

Hiền Mĩ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ