A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhớ lắm một lần tác nghiệp ở Trường Sa

 

Đối với người lính làm báo, một lần được vượt sóng đặt chân tới Trường Sa để tác nghiệp là một vinh dự, tự hào và là trải nghiệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời. Năm 2016, khi được Tổng Biên tập phân công cùng Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội ra thăm, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa và cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1, hầu như đêm nào tôi cũng ít ngủ vì háo hức, chen lẫn sự hồi hộp, lo lắng. Đây là lần đầu tiên tôi đến với Trường Sa, phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc.

 

 

Phóng viên Đoàn công tác Hà Nội tác nghiệp tại Cảng Cát Lái, trước lúc tàu rời bến đi Trường Sa.

 

Cũng như các đồng nghiệp của tôi trong cơ quan đi Trường Sa những năm trước, phóng viên Báo Quốc phòng Thủ đô được cử đi bao giờ cũng phải mang theo máy quay, máy ảnh. Ngoài làm nghiệp vụ báo chí còn ghi lại toàn bộ hình ảnh hoạt động, sau khi về đất liền còn có nhiệm vụ giúp Đoàn làm sách ảnh kỷ yếu và phim phóng sự phản ánh về chuyến công tác. Vì thế, tôi phải giữ gìn sức khỏe, xác định rõ trách nhiệm, chuẩn bị quân tư trang cá nhân và đồ nghề tác nghiệp một cách thận trọng, tỉ mỉ. Bao kinh nghiệm của đồng nghiệp đi trước truyền lại là “bảo bối” quý giá trong hành trang của tôi trước ngày lên đường.  

 

Đồng hành cùng tôi trong chuyến đi này còn có các phóng viên của nhiều cơ quan thông tấn báo chí của thành phố, tất cả đều đi lần đầu tiên và chung một khát khao đến với Trường Sa thân yêu. Ngay sau khi rời cảng Cát Lái, thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi bắt đầu hành trình trên tàu HQ561 đến với Trường Sa. Trước khi lên đảo, các phóng viên được tàu cấp mũ cối, dép rọ, áo phao, túi chuyên dụng đựng đồ nghề chống sóng và nước biển; hướng dẫn cách lên xuống xuồng đảm bảo an toàn... Trong suốt hải trình, phóng viên Phi Điệp, đồng nghiệp ở Báo An Ninh Thủ đô, luôn nhắc tôi: “Quan trọng nhất là máy móc, anh phải chú ý bảo quản cẩn thận, nếu không may gặp sóng to, gió lớn hoặc xuồng máy chạy nhanh nước biển bắn dính vào máy thì coi như bỏ đi bởi muối trong nước biển chính là kẻ thù của đồ điện tử”.

 

Đến với Trường Sa để chụp được những bức ảnh sống động, quay được những thước phim độc đáo giữa cái nắng, cái gió khắc nghiệt của đại dương quả thật không hề đơn giản. Điều này nói ra, chỉ có những ai đã từng tác nghiệp nơi đảo xa mới hiểu. Nhà báo Hồng Linh (Báo Phòng Không-Không quân) chia sẻ: “Tôi thấy cái khó không chỉ là những cơn say sóng đến lả người. Cả khi thuận buồm, xuôi gió thì phóng viên cũng phải đối diện với sự quá eo hẹp về thời gian. Chỉ có hơn một giờ đồng hồ tàu dừng trên mỗi điểm đảo, nếu không biết tận dụng thì quay đi quay lại, vèo một cái đã đến lúc trở lại tàu. Vả lại, khi mà cán bộ bận đón đoàn, chiến sĩ thì mê mải với những tiết mục trong chương trình giao lưu văn nghệ, phóng viên phải vén khéo lắm mới lựa lấy được thông tin”.

 

Khó khăn là thế nhưng tất cả đều trôi qua suôn sẻ với sự đồng lòng đến với Trường Sa. Khi đặt chân lên các đảo và nhà giàn, các phóng viên đều chủ động bám sát định hướng tuyên truyền và hoạt động của Đoàn, tích cực thâm nhập tìm hiểu thực tế, tác nghiệp thu thập thông tin. Ai phát hiện được cái gì hay, mọi người lại nháy nhau kéo đến để quay, chụp, phỏng vấn, ghi chép hỗ trợ nhau nhiệt tình. Tuy cùng một đề tài nhưng mỗi phóng viên lại có cách tiếp cận riêng, theo ý tưởng sáng tác của mình. Cùng một khoảnh khắc nhưng cách thể hiện trong mỗi bức ảnh, mỗi khuôn hình của từng người cũng khác nhau. Để rồi cảm giác cuối cùng chính là niềm hạnh phúc vì mình đã làm hết mình, để có những tác phẩm ưng ý phục vụ  công tác tuyên truyền trên tờ báo của mình.

 

Qua 9 ngày hành trình trên biển, đội ngũ phóng viên, nhà báo của Đoàn công tác Hà Nội luôn là những người đi trước về sau nhưng không có ai say sóng, say nắng. Chúng tôi được đến thăm 8 đảo, điểm đảo, trong đó có 3 đảo nổi là Trường Sa, Phan Vinh (A), An Bang và 4 đảo chìm là Đá Lát, Tốc Tan (A, C), Tiên Nữ, Thuyền Chài (A); 2 Trạm Hải đăng (Đá Lát, Tiên Nữ) và 1 Nhà giàn DK1/14.

 

Chứng kiến cuộc sống, sự hy sinh, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi càng thêm yêu đất nước của mình, càng thêm khâm phục truyền thống anh hùng bất khuất của quân và dân ở nơi đầu sóng. Chính hình ảnh những người lính đảo chắc tay súng đứng giữa nắng gió biển khơi, vượt lên khó khăn gian khổ, thiếu thốn để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc là động lực lớn lao cho  phóng viên chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

Hữu Thu

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ