A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đình Đồng Lạc và phường bán yếm

 

Trong lòng khu phố cổ Hà Nội hiện nay, tại số nhà 38 Hàng Đào vẫn còn tấm biển khắc chữ Hán "Đồng Lạc quyến yếm thị". Đây chính là ngôi đình độc nhất vô nhị của Thăng Long dành cho chợ bán yếm lụa ngày xưa, mang tên Đồng Lạc. Điều này chứng tỏ Thăng Long - Kẻ Chợ đã từng có cả một cái chợ dành cho phường bán yếm xưa và cả phường nghề dệt nhuộm truyền thống chỉ riêng phục vụ cho nhu cầu ăn mặc, làm đẹp của người phụ nữ. 

 

 

Đình Đồng Lạc giữa phố phường Hà Nội.

 

Tháng 4, năm 2000, một ngôi nhà cổ, các cụ gọi là ngôi đình ở 38 Hàng Đào được ngành văn hoá tu tạo với chi phí lên tới 600 triệu đồng. Ngôi đình được phục chế với hệ thống cổng, sân, nhà hai tầng bên trong, các câu đối, vách ngăn…cho đến sân sau trồng hoa cỏ hẹp và thắt lại theo đúng như hình hài các ngôi nhà ống vốn kiến trúc cổ truyền của Hà Nội.

 

 

Trưng bày nghệ thuật sắp đặt “Cổng làng” trong Đình Đồng Lạc.

 

Bên trên cổng giữa, dưới mái cổng là một hàng chữ Hán “Đồng Lạc quyến yếm thị” (đình của chợ yếm lụa). Hiện vật quan trọng nhất còn lại của đình Đồng Lạc-38 Hàng Đào chính là tấm văn bia gắn trên tường bên phải gần điện thờ tầng hai. Người soạn văn bia là ông Phạm Đình Hoãn, cử nhân, quê phủ Khoái Châu, Hưng Yên. Đình được lập ra từ thời Hậu Lê. Văn bia cho biết: Đình Đồng Lạc được sáng lập từ thời hậu Lê do ông Nguyễn Công Trung và bà Nguyễn Thị Từ dựng lên và đã từng bị hoả hoạn. Phía trước đình trông ra nửa đầu của phố Hàng Đào xưa, một chợ bán yếm lụa to nhất, nhộn nhịp, đông đúc người mua, người bán nhất ở Thăng Long.

 

Trong suốt chiều dài lịch sử, cái yếm đã đi vào "giấc mơ"  biết bao thế hệ người Việt. "Trời mưa lấy yếm mà che - Có anh đứng gác còn e nỗi gì?". Đáp lại, các nàng cũng chẳng vừa: "Ước gì sông hẹp tày gang - Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi". Theo truyền thuyết, nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa ở nước ta có từ thời vua Hùng thứ 6 do công chúa Thiều Hoa phát minh.

 

Ở Thăng Long xưa nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa được công chúa Từ Hoa đem đến vùng Nghi Tàm, khởi xướng nghề bên sông Hồng thơ mộng, bởi thế Thăng Long là cái nôi văn hoá yếm lụa sớm lắm. Trong cuốn Vương quốc đàng ngoài của tác giả Baron đã mô tả: “Kỹ nghệ dệt tơ lụa ở đây phát triển đến nỗi kẻ giàu, người nghèo đều mặc quần áo bằng tơ lụa”.  

 

Yếm đào dành cho tầng lớp thị dân Thăng Long đẹp đến mức, đầu thế kỷ 20, khi hai họa sĩ "Tây học" Lê Phổ và Cát Tường phát minh áo dài tân thời, thì vẻ đẹp tân kỳ, pha trộn hài hòa Đông - Tây của nó vẫn cứ phảng phất, lưu giữ lại một phần vẻ đẹp của chiếc yếm thắm thuở nào. Hình ảnh thiếu nữ Hà Nội xưa đã uyển chuyển đi vào thi ca, hội họa, mà đặc trưng nhất là những bức tranh "Tố nữ" của các nghệ nhân tranh dân gian Hàng Trống với hình ảnh các thiếu nữ mang vẻ đẹp thanh thoát, kín đáo phô ra đường nét rất đài các, tinh tế nơi phồn hoa đô thị. Dải yếm đã "đặc tả" tương đối đầy đủ, trọn vẹn, sâu sắc những cung bậc phức tạp của tình yêu - nguồn cảm hứng muôn đời của thi ca nhân loại: Trời mưa trời gió kìn kìn/ Đắp đôi dải yếm hơn nghìn chăn bông.

 

Nhìn lại quá trình lịch sử, chiếc yếm đào trong trang phục của người Thăng Long xưa cũng đã có nhiều sự thay đổi. Ngay từ thời Lý, chiếc yếm đã được định hình. Đến khoảng năm 1696, đàn bà lao động thì mặc yếm cổ xây (là miếng vải vuông đặt chéo trên ngực người mặc, ở góc trên có khoét hình tròn làm cổ yếm) còn phụ nữ quý tộc thì trước yếm có thêm một vài đường dây tết lại với nhau thành hình lưới quả trám. Mỗi thời kỳ chiếc yếm đều có sự biến đổi khác nhau phù hợp với quan niệm thẩm mỹ thời đó. Đến thời kỳ độc lập tự chủ (kỷ nguyên Đại Việt), do điều kiện ổn định cả về chính trị, xã hội và đặc biệt là về kinh tế, Thăng Long đã trở thành kinh đô và là một trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước.

 

Ở thế kỷ 17, cái yếm vẫn chưa có sự thay đổi lớn lao về hình thức. Thế kỷ 19, cái yếm có hình vuông vắt chéo trước ngực, góc trên khoét lỗ làm cổ, hai đầu của lỗ, đính hai mẩu dây để cột ra sau gáy. Nếu cổ tròn gọi là yếm cổ xây, cổ nhọn đầu hình chữ V gọi là yếm cổ xẻ, đít chữ V mà xẻ sâu xuống gọi là yếm cổ cánh nhạn.  Dành cho người lao động có yếm màu nâu dệt bằng vải thô. Người lớn tuổi mặc yếm màu thẫm. Con gái nhà gia giáo mặc yếm nhiều màu, trang nhã và kín đáo. Loại yếm "ỡm ờ", màu sặc sỡ, cổ cắm sâu trễ quá bờ ngực, "thách thức" chỉ dân "trời ơi" dạng Thị Mầu mới mặc.

 

Cuộc cách mạng áo yếm xảy ra vào thế kỷ 20 khi các kiểu áo Tây phương du nhập đầu thế kỷ trước khi cái quần kiểu Tây và cái váy đầm xoè xâm nhập vào Việt Nam. Thời kỳ "cách tân" này, cổ yếm thường được "dằn" thêm ba đường chỉ để "bảo hiểm" hoặc may viền lằn vải, thêu hoa cặp theo đường biên cổ. Một loại yếm hay được các cô gái sử dụng nữa là "yếm đeo bùa". Gọi là yếm đeo bùa bởi người mặc chúng thường để xạ hương vào trong túi vải nhỏ đeo cạnh yếm, đó chính là thứ vũ khí vô cùng lợi hại của các cô gái thời xưa... Không chỉ vậy, chiếc yếm còn làm nên những câu chuyện tình yêu vô cùng độc đáo. Xưa, các cô gái khi hẹn hò người mình yêu thường "ém" một miếng trầu trong chiếc yếm của mình, dân gian gọi đó là "khẩu trầu dải yếm".

 

Có lẽ không có thứ trầu nào "linh thiêng" hơn loại trầu dải yếm này. Nếu đúng dịp hội hè đình đám các cô gái thường trang bị thêm cho mình chiếc nón quai thao, tóc vấn cao cài lược. Đình Đồng Lạc và phường bán yếm đào Thăng Long một vật thể văn hoá rất quan trọng trên đất Thăng Long có lẽ nào chúng ta chưa biết. Yếm đào và vẻ đẹp thanh cao của người con gái đất kinh kỳ đã yên bề trong ký ức cùng những mái ngói rêu phong, những góc phố cổ thâm trầm, những lời "dạ thưa" dìu dặt nơi kẻ chợ, còn lại bao nhớ nhung vẫn mải miết đi tìm.

 

Tố Liên

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ