A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Bỏ quên” chợ truyền thống?

 

Mặc dù hầu hết các khu chợ truyền thống đã được xây dựng khang trang, hiện đại nhưng khi dạo một vòng quanh, hẳn ai cũng dễ dàng nhận thấy nhóm hàng thực phẩm, ăn uống chủ yếu do các đầu mối, thương lái nhỏ lẻ cung cấp. Hầu hết đồ gia dụng, may mặc là hàng Trung Quốc, rất ít thấy các thương hiệu hàng hóa tên tuổi của nước ta.

 

 

Chợ truyền thống chủ yếu bán các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp. (Ảnh: Internet)

 

Theo Bộ Công thương, cả nước có hơn 9.000 chợ truyền thống, phân phối khoảng 80% lượng hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Chợ có nhiều ưu điểm như hàng hóa phong phú, giá rẻ, vị trí thuận lợi, gần khu dân cư… Nếu hàng Việt vào được hệ thống này thì đây sẽ là kênh phân phối hàng Việt rất hiệu quả. Mặc dù Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai khá hiệu quả tại hệ thống siêu thị (tỷ trọng hàng Việt đã tăng lên 80 - 90%) thì tại các chợ truyền thống, tỷ lệ này chưa đáng kể và chỉ tập trung ở một số mặt hàng có giá trị gia tăng thấp.

 

Đồng Xuân là chợ bán buôn lớn và lâu đời nhất Hà Nội, nhưng tỷ lệ hàng Việt và hàng Trung Quốc hiện khoảng 50 - 50. Một số ngành hàng Việt Nam có tỷ lệ cao trong chợ là giầy dép (70%), nông sản thực phẩm (80%), nhóm hàng đồ lưu niệm, hàng Việt Nam chỉ chiếm 20%, quần áo 40%, vải sợi chiếm 45%, tạp phẩm 40%. Hàng Việt Nam tại chợ chủ yếu là hàng gia công của những đơn vị sản xuất nhỏ, không có tên tuổi trên thị trường hoặc các làng nghề thủ công. Các doanh nghiệp lớn hầu như không tham gia vào kênh phân phối này. Điều này có vẻ mâu thuẫn bởi trong khi các doanh nghiệp than thở khó đưa hàng Việt vào các hệ thống siêu thị lớn thì các chợ truyền thống lại đang bị doanh nghiệp “bỏ quên”?

 

Nguyên nhân của tình trạng này là hầu hết các doanh nghiệp lớn, có tên tuổi đều có kênh phân phối riêng, ổn định nguồn hàng nên ngại phân phối ở chợ với lượng tiêu thụ hàng hóa nhỏ lẻ. Cùng với đó là tâm lý lo sợ sẽ bị phá vỡ hình ảnh của doanh nghiệp nên không chọn các chợ kiểu cũ với cách kinh doanh lộn xộn.

 

Hoặc có phân phối tại các chợ cũng khó cạnh tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng xuất xứ Trung Quốc bán với mẫu mã đa dạng, giá thành rẻ hơn. Về phía các tiểu thương, mặc dù thực lòng rất ủng hộ hàng Việt nhưng do buôn bán nên họ phải cân nhắc mặt hàng nào mang lại lợi ích kinh tế nhiều hơn. Ngoài ra, phương thức thanh toán thiếu linh hoạt, mẫu mã hàng hóa chậm đổi mới và giá thành có phần cao hơn là những lý do khiến hàng Việt bị các tiểu thương ở chợ “chê”, không có trong số mặt hàng lựa chọn để bán tại chợ.

 

Để đưa được hàng Việt Nam chất lượng cao vào các chợ, cần tìm ra “tiếng nói chung” giữa tiểu thương và doanh nghiệp, với sự kết nối của ban quản lý chợ. Tích cực tổ chức các chương trình gặp gỡ giữa tiểu thương và doanh nghiệp để liên kết đưa hàng hóa vào chợ, cũng như đẩy mạnh tuyên truyền chống hàng giả, hàng nhái. Doanh nghiệp liên kết chặt chẽ hơn nữa với các tiểu thương để đưa hàng hóa đến gần với người tiêu dùng, có thể sử dụng sẵn kênh phân phối của các tiểu thương tại chợ đầu mối về khu vực nông thôn, để tiết kiệm chi phí khi mở đại lý tại các tỉnh. Cần kịp thời nắm bắt mẫu mã trên thị trường, nâng cao chất lượng hàng hóa, linh động trong phương thức kinh doanh, phương thức thanh toán, thường xuyên tiếp thị hàng hóa, đặc biệt là giá cả phải phù hợp.

 

Doanh nghiệp cần chú trọng hơn đối với người thu nhập thấp thông qua kênh phân phối tại các chợ truyền thống chứ không nên chỉ hướng đến thị trường xuất khẩu hoặc đưa hàng vào siêu thị. Hiện nay người dân có tâm lý không yên tâm khi sử dụng hàng hóa Trung Quốc. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa vào chợ, nên tập trung vào các mặt hàng như may mặc, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm...

 

HOÀNG HƯƠNG

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ