A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa

 

Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6) hàng năm không chỉ là ngày hội của những người làm báo Việt Nam, mà còn là dịp để xã hội đề cao, tôn vinh nghề báo- một nghề mang đậm tính đặc thù, nhưng lại là nghề  làm báo cách mạng. Trong suốt chiều dài lịch sử 91 năm qua, báo chí cách mạng đã đồng hành cùng dân tộc, gắn bó với từng giai đoạn, từng bước thăng trầm của cách mạng, phản ánh trung thực cuộc sống và cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân vững bước đi lên, theo Đảng.

 

Bất cứ lúc nào, ở đâu nơi diễn ra các sự kiện, báo chí cách mạng luôn có mặt đúng lúc, đúng chỗ cho dù đó là chiến trường nóng bỏng, hay những vùng khó khăn, những nơi hẻo lánh cần có ánh sáng đường lối của Đảng, cần một sự hướng dẫn, một sự khích lệ... và trên con đường hoạt động nghề nghiệp gian lao ấy, đã có nhiều nhà báo quên cả thân mình vì sự nghiệp báo chí cách mạng.

 

Trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước đang chuyển mình trên con đường phát triển. Cách mạng nước ta đang đứng trước những thời cơ vận hội lớn nhưng cũng có nhiều thách thức, cam go. Cuộc đấu tranh để đi tới những giá trị chuẩn mực-mà một trong những giá trị căn cốt nhất là sự thượng tôn pháp luật, trở nên vô cùng gay gắt. Chúng ta đang nỗ lực  xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật đang trở thành chuẩn  mực của đạo đức xã hội.

 

Trách nhiệm của báo chí, của tính cách mạng của báo chí chính là đấu tranh không khoan nhượng với những hành vi vi phạm pháp luật, với những mâu thuẫn giữa những lợi ích cá nhân với lợi ích của đất nước, lợi ích của cộng đồng; đấu tranh để bảo đảm sự công bằng xã hội; đấu tranh cho công lý... Đó là một cuộc đấu tranh không dễ dàng, một cuộc đấu tranh không có giới hạn về không gian, thời gian và đa dạng về đối tượng.

 

Một cuộc đấu tranh đòi hỏi người làm báo phải có bản lĩnh, phẩm chất đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp cao mới có thể “đứng vững’ trong cuộc chiến không kém phần gay go, quyết liệt này. Trong thực tế hoạt động nghề nghiệp, cũng đã có nhiều nhà báo bị đe dọa, khống chế, mua chuộc, hành hung. Có thể dẫn ra đây một số vụ việc như nhà báo Báo Pháp luật xã hội thường trú ở Thanh Hóa bị kẻ xấu xịt hơi cay khi tác nghiệp; phóng viên Báo Lao động bị 3 kẻ lạ mặt hành hung tại quận Hoàng Mai; phóng viên Đài PT-TH Thái Nguyên bị 2 đối tượng đi xe máy dùng dao chém tới tấp ngay trung tâm thành phố...và còn nhiều vụ việc đáng lên án khác. Rõ ràng, đây là một  thách thức cho hoạt động nghề báo hiện nay nhưng cũng có những thách thức đòi hỏi người làm báo phải vượt lên chính mình, trước những cám dỗ của tiền tài, danh vọng.

 

Tuy nhiên, dư luận xã hội đã ghi nhận công lao to lớn của báo chí, coi báo chí là một trong những lực lượng đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực  và các tệ nạn xã hội. Nhiều vụ việc tiêu cực tham nhũng đã được báo chí góp phần đưa ra ánh sáng. Trách nhiệm xã hội của báo chí được thể hiện hơn bao giờ hết. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã khẳng định vai trò của báo chí trong công tác phát hiện, phòng chống tham nhũng. Việc giám sát của các cơ quan báo chí rất hiệu quả. Rất nhiều lĩnh vực các cơ quan quản lý không phát hiện được, nhưng cơ quan báo chí lại phát hiện và nêu vấn đề với những bằng chứng thuyết phục. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, các qui định trong luật pháp để tạo hành lang cho báo chí hoạt động, vẫn chưa đầy đủ, khiến cho báo chí gặp nhiều khó khăn.

 

Luật Báo chí vừa được Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua đã quy định một số nội dung mới, trong đó có quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động báo chí cách mạng không ngừng phát triển. Đến nay, cả nước có 845 cơ quan báo chí, gồm 199 báo in và 646 tạp chí, 1 hãng thông tấn quốc gia; 2 Đài Phát thanh-  Truyền hình quốc gia,  64 Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, thành phố; 98 cơ quan báo chí điện tử, 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí...Sự phát triển tốc độ cao của báo điện tử cùng với tính chất tích hợp truyền thông đã mở ra khả năng to lớn cho việc truyền tải, thu nhận thông tin, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của công chúng. Mặt khác, với sự phát triển hùng hậu cả về đội ngũ và phương tiện truyền thông, báo chí cách mạng Việt Nam có đủ năng lực đấu tranh chống những quan điểm sai trái của các thế lực phản động, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Những người làm báo cách mạng Việt Nam tự hào về truyền thống vẻ vang của mình, về trách nhiệm xã hội được Đảng và nhân dân giao phó, luôn vững vàng trước thử thách, xứng đáng với vị trí là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Tuy nhiên ở đâu đó, có lúc, có nơi, quyền  tự do báo chí, tự do ngôn luận chưa thực sự được tôn trọng và đề cao. Vẫn còn có nơi xem nhẹ vai trò của báo chí.

 

Hữu Văn

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ