A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập

 

QPTĐ- "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc"… Đó chính là lời khẳng định bất hủ trong bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết từ ngày 25/8-2/9/1945 tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang-khu phố cổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

 

 

Du khách thăm quan ngôi nhà số 48 Hàng Ngang.

 

Ngôi nhà 48 Hàng Ngang xưa thuộc phường Diên Hưng, tổng Hữu Túc. Sau đổi là tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương. Hiện nay, ngôi nhà thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nguyên chủ của ngôi nhà là cụ Trịnh Phúc Lợi. Sau này, người con của cụ là Trịnh Văn Bô thừa kế ngôi nhà và cho xây dựng lại vào những năm đầu thế kỷ XX, với lối kiến trúc hiện đại gồm 4 tầng chắc chắn.

 

Trước đây, tầng 1 là gian hàng bán vải tơ lụa mở ra phố Hàng Ngang. Sân, nhà kho, nhà để xe ở phía sau, có cổng ra phố Hàng Cân. Tầng 2 là phòng khách và phòng ăn. Tầng 3, 4 dùng để ở. Hiện nay, tầng 1 sử dụng làm phòng trưng bày chuyên đề. 

 

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Khuất Duy Tiến liên hệ và giác ngộ cách mạng đối với ông Trịnh Văn Bô. Không lâu sau đó, cả gia đình tham gia Mặt trận Việt Minh. Vì vậy, đây là cơ sở tin cậy của Việt Minh ở nội thành Hà Nội. Đặc biệt hơn, đây là ngôi nhà cao tầng ở phố Hàng Ngang, có cửa sắt chắc chắn thuận lợi cho công tác bảo vệ.

 

Ngôi nhà có hai cổng: Cổng chính số 48 Hàng Ngang, cổng sau số 35 Hàng Cân. Là ngôi nhà cao tầng nên có thể bao quát được xung quanh, từ trên gác 2, gác 3 có thể bước sang nóc nhà bên cạnh mà không cần phải qua cầu thang hoặc xuống đường nên khi có động rất dễ di chuyển. Cửa hàng lớn, khách ra vào tấp nập cũng là điều kiện tốt. Với những yếu tố như vậy nên ngôi nhà 48 Hàng Ngang hoàn toàn thuận lợi cho Bác và các đồng chí Trung ương Đảng ở và làm việc.

 

Mùa Thu năm 1945, sau khi Hà Nội đã khởi nghĩa thắng lợi và chính quyền cách mạng được thành lập, Trung ương (TƯ) Đảng và Bác đã quyết định chuyển về Hà Nội để tiếp tục chỉ đạo công cuộc giành chính quyền trong cả nước. Ngày 21/8/1945, đồng chí Trường Chinh cùng một số đồng chí Ủy viên TƯ đã về Hà Nội. Ngày 22/8/1945, tại 48 Hàng Ngang, Thường vụ TƯ Đảng đã họp ở căn phòng gác 2, ra chỉ thị cho các nơi tiếp tục giành chính quyền theo gương Hà Nội và cử đồng chí Lê Đức Thọ lên Tân Trào đón Bác.

 

Ngày 23/8/1945, Bác từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội. Khoảng 16h, Bác cùng đồng chí Trần Đăng Ninh đến làng Gạ, thôn Phú Gia (nay thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội). Đây là cơ sở cách mạng vững chắc từ 1941-1945, nằm trong An toàn khu của TƯ Đảng, nhân dân được giác ngộ một lòng theo cách mạng, đã nuôi giấu, bảo vệ các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Lê Đức Thọ, Hoàng Tùng.

 

Ngày 25/8/1945, đúng 15h đồng chí Trường Chinh lên làng Gạ đón Bác vào nội thành. Trên đường về, xe đi trên đường Yên Phụ, Hàng Than, Hàng Lược, Hàng Giấy, Hàng Mã rồi đến số nhà 35 Hàng Cân. Đến đây, cửa đã mở sẵn, xe đi thẳng vào trong sân rồi theo cầu thang, Bác lên thẳng trên gác. Đối với những người giúp việc trong gia đình, hàng xóm thì Bác và các đồng chí TƯ Đảng được xem là các cụ, các ông ở nhà quê đến chơi.

 

 Sau đó một ngày, Người đã triệu tập và chủ trì cuộc họp của Thường vụ TƯ Đảng. Trong cuộc họp này, Người đã nhất trí với Thường vụ TƯ Đảng về những chủ trương đối nội, đối ngoại trong tình hình mới, về việc sớm công bố danh sách thành viên Chính phủ lâm thời, chuẩn bị ra Tuyên ngôn Độc lập và tổ chức mít tinh lớn tại Hà Nội. Cũng tại đây, đồng chí Vũ Kỳ được Bác chọn làm Thư ký. Ngày 28/8/1945, danh sách Chính phủ lâm thời được công bố trên các báo chí tại Hà Nội.

 

Chị Cao Thị Hồng, cán bộ Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội cho hay:  “Lúc đầu, ông bà Trịnh Văn Bô mời Bác lên ở tại gác 3 làm việc cho tĩnh, nhưng Bác không thích ở một mình nên Bác chỉ ở đó 2 tối. Sau đó, các đồng chí TƯ đã bố trí cho Bác ở và làm việc tại căn phòng nhỏ thông với phòng khách. Căn phòng nhỏ có kê một chiếc bàn tròn, một chiếc ghế bành có lưng tựa cao, bọc vải trắng và một chiếc ghế dài.

 

Chính trong căn phòng này, Người đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập. Tranh thủ từng giờ, từng phút, khi mệt Bác chỉ tựa lưng vào ghế nghỉ ngơi giây lát rồi lại làm việc tiếp. Thời gian Bác ở đây, những người giúp việc trong gia đình không biết ông cụ có cặp mắt sáng, mặc chiếc quần nâu bạc thường để hở khuy ngực, hay hút thuốc lá, ngồi trầm ngâm đó làm gì. Họ đâu có biết là mình đang chứng kiến những giờ phút lịch sử trọng đại”.

 

Cũng qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Phòng khách bên ngoài rộng chừng 50 m2, giữa phòng trải một tấm thảm len hoa lớn, trên thảm kê bàn ghế xa lông. Ngoài ra trong phòng còn có một chiếc tủ đựng tài liệu, một chiếc đi văng để nằm nghỉ, nơi các đồng chí bảo vệ thường ngồi quan sát. Tại phòng khách này, Bác đã tiếp một số cán bộ lãnh đạo của Đảng đến xin chỉ thị. Người đã tiếp Đoàn Đại biểu các dân tộc ở Việt Bắc về thăm Thủ đô nhân ngày Quốc khánh 2/9/1945.

 

Cũng ở tầng 2 qua hành lang, sẽ tới căn phòng họp. Chính nơi đây, Bác đã chủ trì cuộc họp Thường vụ TƯ Đảng và quyết định một số vấn đề tối quan trọng như: Chuyển Ủy ban giải phóng dân tộc thành Chính phủ lâm thời; mở rộng thành phần Chính phủ lâm thời; thực hiện đoàn kết rộng rãi, mời thêm những nhân sĩ, trí thức yêu nước vào thành viên Chính phủ; tổ chức cuộc mít tinh lớn và tuyên bố với quốc dân thế giới nước ta đã độc lập; danh sách Chính phủ lâm thời đã đăng trên các báo và chọn ngày 2/9 ra mắt quốc dân đồng bào.

 

Song sự kiện quan trọng bậc nhất diễn ra ở ngôi nhà 48 Hàng Ngang là sự kiện Bác viết Tuyên ngôn Độc lập. Người nói: “Đây là giờ phút sung sướng nhất trong cuộc đời tôi, tôi đã viết nhiều nhưng viết Tuyên ngôn Độc lập là lúc lòng tôi sung sướng nhất...”.

 

Bản Tuyên ngôn Độc lập đã được Người trịnh trọng tuyên bố trước hơn 50 vạn đồng bào Thủ đô và thế giới vào ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Sau ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời ngôi nhà 48 Hàng Ngang đến làm việc tại Bắc Bộ Phủ (12 Ngô Quyền).

 

Để đáp ứng tình cảm của nhân dân đối với Bác, năm 1970 ngôi nhà được khôi phục lại làm Nhà lưu niệm. Đến năm 1979, ngôi nhà 48 Hàng Ngang được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia theo Quyết định số 54/QĐ-VH ngày 29/4/1979. Hơn 70 năm trôi qua, hiện nay di tích 48 Hàng Ngang trực thuộc sự quản lý trực tiếp của Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội và trở thành một trong các điểm di tích tiêu biểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Em Nguyễn Mai Phương, học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Đông tâm sự: “Đến nơi đây, được trực tiếp nhìn khung cảnh, hiện vật-nơi Bác Hồ kính yêu từng ở và làm việc, em mới thấy hết được giá trị về tấm gương của Bác cũng như Bản Tuyên ngôn Độc lập. Đã hơn 70 năm trôi qua nhưng bản Tuyên ngôn ấy vẫn còn nguyên giá trị và trường tồn mãi với thời gian. Là thế hệ trẻ, em tự nhủ sẽ học tập thật tốt để không phụ sự cống hiến, hy sinh lớn lao của Bác và những thế hệ đi trước, tiếp tục chung tay xây dựng nước Việt Nam “có thể sánh vai với các cường quốc năm Châu” như Người từng mong muốn”.

Hiền Mĩ

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ