A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gặp người chắp bút nội dung bản dự thảo tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh

 

QPTĐ-Nhắc tới Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Tư lệnh Quân khu 1, Tư lệnh Quân đoàn 2, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu đã từng khẳng định: “Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí khi ấy là Trung đoàn phó được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy lực lượng đi đầu của Trung đoàn 66, phối hợp cùng bộ đội xe tăng, thiết giáp của Quân đoàn 2 đánh thẳng vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Khi về hưu, đồng chí vẫn giữ vững truyền thống yêu nước, nêu cao phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, luôn sống có nghĩa, có tình với bà con khối phố, với đồng chí, đồng đội…”.

 

 

Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh chuẩn bị đọc tuyên bố đầu hàng

tại phòng thu của Đài phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975.

Ảnh: tư liệu

 

Sinh ra tại vùng quê nghèo, giàu truyền thống cách mạng, thuộc tỉnh Hà Nam. Tuổi thơ của Trung tướng Phạm Xuân Thệ gắn liền với 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của quân và dân ta. Năm 1967, theo tiếng gọi của Tổ quốc và với lòng yêu nước sâu sắc, ông gia nhập quân đội. Từ một anh lính binh nhì, qua năm tháng, đồng chí đảm nhận nhiều trọng trách như: Cán bộ tiểu đoàn, cán bộ trung đoàn, sư đoàn và quân đoàn-quân khu. 


Suốt cuộc đời binh nghiệp, đối với Trung tướng-Anh hùng LLVT Phạm Xuân Thệ, có biết bao nhiêu trận đánh và kỷ niệm sâu sắc nhưng khi nhắc tới Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, dường như nó mới vừa hôm qua, ông nhớ lại: “Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi lúc đó là Trung đoàn phó được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy lực lượng đi đầu của Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 phối hợp cùng với bộ đội xe tăng, thiết giáp của Quân đoàn đánh thẳng vào Dinh Độc Lập. 


Sau khi vượt cầu Thị Nghè, lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2 đến Thảo Cầm Viên, chúng tôi dừng lại để hỏi đường, vì đường vào thành phố rất nhằng nhịt. Xe chúng tôi vừa dừng, thì từ trong Thảo Cầm Viên có một người vác lá cờ Giải phóng chạy vội ra phía xe chúng tôi. Tôi hỏi đường vào Dinh Độc Lập, ông ta đề nghị  lên xe để chỉ đường. Chiếc xe Jeep của tôi lúc này gồm có tôi ngồi ghế phía trước, đồng chí Đào Ngọc Vân lái xe, băng ghế sau và gác-đờ-bu xe có đồng chí Nguyễn Khắc Nhu-Trợ lý tác chiến; Nguyễn Huy Hoàng-Chiến sỹ truyền đạt; Bàn Nguyên Thất-Chiến sỹ thông tin 2 oát và người dân đi theo chỉ đường.

 

Sau đó, xe chúng tôi đi thẳng từ cổng Thảo Cầm Viên theo một con đường rất lớn. Đến ngã tư đường Hồng Thập Tự-Mạc Đĩnh Chi, các loại xe của lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2 tràn lên, chia làm hai mũi lao thẳng hướng Dinh Độc Lập. Đến cách ngã ba khoảng 100 mét, chúng tôi thấy một toà nhà trước mặt rất lớn, ông ta chỉ tay và nói: Dinh Độc Lập đó! Chiếc xe Jeep của tôi nhanh chóng vượt qua những xe tăng và xe chở bộ binh lao lên, cách hàng rào chừng 50 mét, tôi thấy chiếc xe tăng thứ nhất khựng lại ở phía bên trái trước cây cột lớn của hàng rào sắt. Tôi thoáng nghĩ, tại sao chiếc xe kia không húc đổ hàng rào mà lại dừng lại ở bên ngoài, thì liền thấy chiếc xe tăng thứ 2 lao vào khoảng trống bên phải chiếc xe tăng thứ nhất đang dừng. Hàng rào bật ra, chiếc xe tăng thứ hai đi vòng bên phải vào trong sân toà nhà lớn, chiếc xe của chúng tôi lao theo chiếc xe thứ 2, vượt qua hàng rào bật ra.


Chúng tôi nhanh chóng xuống xe, đồng chí Đào Ngọc Vân với tay lấy lá cờ của người đàn ông đi theo chỉ đường. Chúng tôi tay cầm súng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu tiến vào toà nhà lớn và chạy lên tầng trệt của Dinh Độc Lập. Vào đến sảnh, có rất nhiều phóng viên. Tôi hỏi nhà báo người Việt: Tôi muốn lên cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập thì đi theo đường nào? Người đó nói:  Ngài theo cầu thang bên tay mặt lên cũng được… Tôi dẫn anh em chạy lên theo cầu thang bên trái, trong tay lăm lăm khẩu K54 đã lên đạn. Khi lên bậc thang trên cùng lối vào hành lang, đến sảnh của lầu 1, tôi thấy một người đến trước mặt, tự giới thiệu: Báo cáo cấp chỉ huy, tôi là chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Phụ tá của Tổng thống Dương Văn Minh. Toàn bộ nội các của chính quyền ông Minh đang trong phòng họp, mời cấp chỉ huy vào làm việc.

 

Trước tình huống này, chúng tôi không lên sân thượng để cắm cờ nữa mà qua hành lang vào phòng rộng. Ông Hạnh chỉ tay vào người to cao, mang kính giới thiệu: Đây là Tổng thống Dương Văn Minh. Ông Minh lại gần nói với tôi: Chúng tôi đã biết Quân giải phóng tiến công vào nội đô, chúng tôi đang chờ Quân giải phóng vào để bàn giao. Tôi nghiêm mặt: Các anh là kẻ thất bại, các anh bị bắt làm tù binh, các anh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không có bàn giao gì cả! Ai có vũ khí bỏ xuống giao cho Quân giải phóng!


Tôi kiên quyết bắt Dương Văn Minh phải ra Đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng. Cùng thời điểm, đồng chí Đào Ngọc Vân vác lá cờ giải phóng chạy lên ban công sảnh tầng 2 Dinh Độc Lập cùng một số chiến sĩ khác liên tục phất cờ báo hiệu quân ta đã chiếm được Dinh Độc Lập… Vào phòng Bá âm, chúng tôi mời Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫn ngồi xuống ghế, anh em chúng tôi bàn nhau soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng. Mỗi người một câu, một ý, tôi là người chắp bút. Nội dung bản thảo như sau: “Tôi-Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn xin tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trước sức mạnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, tôi kêu gọi chính quyền từ trung ương đến địa phương bỏ vũ khí, trao lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam”.


Trải qua cuộc đời binh nghiệp, qua nhiều cương vị, với 40 năm công tác, đồng chí đã cùng đồng đội làm nên bao chiến công, góp phần đưa non sông về một mối. Với những thành tích đạt được trong chiến đấu và công tác, đồng chí đã được tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý; đặc biệt ngày 30-4-2011, Trung tướng  vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.


Trần Hiền


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ