A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đặc sắc Tết Bunpimay của Lào

 

QPTĐ-Tết cổ truyền các dân tộc Lào, hay còn gọi là Tết té nước (Bunpimay) là một trong những lễ hội văn hoá truyền thống của Lào nhằm nuôi dưỡng và hun đúc nghệ thuật dân tộc. Lễ hội mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, thanh khiết hoá cuộc sống của con người. Vào những ngày này, mọi người thường té nước vào nhau để chúc phúc, cầu mong mưa thuận, gió hoà, cầu cho một năm mới ấm no, hạnh phúc. 

 

 

Nghi lễ rước Phật trong Tết Bunpimay.         

 

Tết Bupimay thường diễn ra trong 3 ngày (14, 15, 16-4 hàng năm theo Phật lịch). Ngày Tết, khách đến xông nhà được chủ nhà buộc chỉ vào cổ tay (trừ màu đen), biểu tượng hạnh phúc, sức khoẻ. Trong suốt 3 ngày Tết, ai có nhiều chỉ buộc cổ tay được coi sẽ gặp nhiều may mắn cả năm.


Theo truyền thống kể lại: Xa xưa, trước khi Phật giáo ra đời, có một chàng trai con nhà phú nông tên là Thammaphala (còn gọi là Thammabane) rất nhanh trí và hiểu được tiếng chim; hay đi khắp nơi để truyền dạy kiến thức. Cùng thời điểm còn có Kabinlaphom- thần bầu trời cũng thông thái, biết tin dưới trần gian có Thammabane hiểu biết nên rất muốn thi tài cao thấp, do đó, ngài ra ba câu hỏi để thách đố, nếu Thammabanne trả lời được thì Kabinlaphom sẽ phải dâng đầu mình và ngược lại. 


Ba câu hỏi gồm: Thần sắc con người tập trung ở đâu vào buổi sáng, tập trung ở đâu vào buổi chiều và tập trung ở đâu vào buổi tối? Do biết tiếng chim nên Thammabane đã trả lời được cả 3 câu hỏi, đó là: Thần sắc con người tập trung ở khuôn mặt vào buổi sáng nên phải rửa mặt; tập trung ở ngực vào buổi chiều nên phải tắm; tập trung ở tay và chân vào tối nên phải rửa tay và chân trước khi đi ngủ.

 

Vì vậy, Kabinlaphom là người phải chặt đầu nhưng trước khi làm điều đó, ngài dặn người nhà phải giữ đầu mình cẩn thận, vì nếu rơi xuống đất sẽ xảy ra hỏa hoạn, ném lên trời sẽ gây ra hạn hán, rơi xuống biển thì biển sẽ cạn khô. Do đó, người nhà của ngài đã đặt đầu cha lên đĩa vàng, thờ tại động Khanthoumali, núi Phoukhaokailat. Hàng năm các cô con gái của ngài thường đến đó để rửa sạch đầu cho cha.


Thường các hoạt động hội bắt đầu vào ngày cuối cùng với nhiều hoạt động tưng bừng khắp nơi. Đây cũng là thời điểm kết thúc tuần trăng. Giống như người Việt, trong 3 ngày Tết, người Lào được nghỉ, không buôn bán. Ngày Tết, thường vào buổi chiều, người dân tập trung ở chùa để làm lễ cúng Phật, nghe các nhà sư giảng đạo và cầu mong bình an. Người ta thường rước Phật ra không gian riêng để mọi người thực hiện nghi lễ tắm Phật bằng nước thơm. Khi tắm phật, mọi người hay hứng nước xoa lên đầu, cầu mong sự may mắn, sức khoẻ.

 

Cùng với đó, họ còn té nước cho nhau, tỏ lòng tôn kính, thịnh vượng, sức khoẻ, bình an, hy vọng sẽ gột rửa những điều không may mắn, bệnh tật. Trước đây, tục té nước thường được tổ chức vào ngày đầu tháng 1. Song khi ấy vẫn là mùa Đông nên không phù hợp, do vậy phong tục này được chuyển sang tháng 4, thời điểm nóng nhất trong năm của Lào. Cũng bởi vậy mà Tết cổ truyền đã chuyển sang tháng 4.

 

Cùng với té nước, người ta còn hái hoa tươi, thả chim, hoặc xây tháp cát…Cùng với các hoạt động về văn hoá, món ăn không thể thiếu được trong dịp Tết cổ truyền là Lạp (còn có ý nghĩa là lộc) thường được làm bằng thịt gà hoặc thịt bò, chế biến cùng các gia vị.


Đến Lào-đất nước Triệu voi trong dịp Tết, bạn có thể sẽ được buộc chỉ cổ tay, được dội nước vào bất kỳ thời điểm nào nhưng đó là điều may mắn. Ngoài ra, con người nơi đây cũng rất hiếu khách và hồn hậu. Ở đây, bạn không thấy có sự cách biệt mà luôn có cảm giác ấm áp như đang trên chính mảnh đất quê hương mình.


Ngân Mỹ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ