A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đập tan tuyến “tử thủ” Lái Thiêu

 

QPTĐ-45 năm đã qua, song đối với Thượng tướng, Viện sỹ, Tiến sỹ, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ký ức về những ngày ông tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử sẽ mãi không bao giờ quên. Khi ấy, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1. Chấp hành mệnh lệnh cấp trên, Trung đoàn 27 đã hành quân “thần tốc” 1.700 km băng rừng, vượt núi từ Đà Nẵng vào đến vị trí tập kết tại Đồng Xoài, tỉnh Phước Long nhận nhiệm vụ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh chỉ trong 12 ngày đêm. Lời căn dặn của Bác Hồ trong bài thơ chúc Tết Xuân Kỷ Dậu 1969 như tiếp thêm sức mạnh để cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn quyết tâm xốc tới mặt trận: “Vì độc lập, vì tự do/Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào/Tiến lên chiến sĩ, đồng bào/Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”.…

 

 

Thượng tướng, Viện sỹ, Tiến sỹ, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu.

 

Quyết chiến, quyết thắng


Ngày 10/4/1975, Trung đoàn 27 có mặt ở Đồng Xoài, tỉnh Phước Long sau 12 ngày đêm hành quân “thần tốc”. 3 giờ ngày 18/4/1975, tôi nhận được Điện của Tư lệnh Sư đoàn Lưu Bá Xảo: “Tổ chức cho đơn vị hành quân về khu vực rừng Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, cách Sài Gòn khoảng 90km). Chỉ huy cấp trưởng từ Đại đội trở lên về Sư đoàn nhận nhiệm vụ”.


Ngày 20/4/1975, tại Sở chỉ huy của Sư đoàn ở Mã Đà, Tư lệnh Sư đoàn Lưu Bá Xảo và Chính ủy Sư đoàn Đỗ Mạnh Đạo thông báo nhiệm vụ của Sư đoàn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh là “Thọc sâu trên hướng Bắc Sài Gòn”, sau đó, chính thức giao nhiệm vụ cho các đơn vị và tổ chức hiệp đồng chiến đấu, thông qua quyết tâm chiến đấu. 


Tư lệnh nêu rõ: “Sư đoàn 320B cùng các lực lượng tăng cường đảm nhận hướng tiến công chủ yếu của Quân đoàn, thọc sâu vào Sài Gòn-Gia Định, tiến theo đường Bình Chuẩn, cắt ngang đường số 8 xuống Lái Thiêu, vượt sông Sài Gòn đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu ngụy, Tiểu khu Gia định, khu Bộ Tư lệnh các binh chủng và Quận lỵ Gò Vấp. Về nhiệm vụ cụ thể, Trung đoàn 27 được tăng cường 1 đại đội xe tăng, một tiểu đoàn cao xạ 37, 57mm, hai đại đội pháo binh, một đại đội 12,7mm, một trung đội súng phun lửa, một đại đội vận tải có nhiệm vụ đánh chiếm đường 16, đoạn từ Tân Uyên đến Bình Cơ, mở cửa cho Sư đoàn đưa lực lượng vào chuẩn bị thọc sâu, kết hợp lực lượng thọc sâu bằng cơ giới với lực lượng luồn sâu ém sẵn tiến công tiêu diệt tuyến “tử thủ” của địch ở Lái Thiêu, mở đường cho mũi thọc sâu của Trung đoàn 48 đánh vào Bộ Tổng Tham mưu ngụy”.


Sau khi nhận nhiệm vụ về tới vị trí tập kết, tôi và đồng chí Chính ủy Trịnh Văn Thư triệu tập Hội nghị quân chính toàn Trung đoàn để quán triệt nhiệm vụ. Tôi trình bày kế hoạch tác chiến: “Trung đoàn là lực lượng đi đầu đội hình thọc sâu của Sư đoàn đánh chiếm tuyến tử thủ Sài Gòn, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chủ yếu của Sư đoàn phát triển đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu ngụy. 


Quyết tâm của Trung đoàn là: Tập trung toàn bộ lực lượng sẵn có, với sức mạnh hiệp đồng binh chủng, nêu cao tinh thần đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể, kiên quyết đạp bằng mọi khó khăn gian khổ, nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh cấp trên. Nắm vững thời cơ, thần tốc, táo bạo, thọc sâu chia cắt địch, tranh thủ từng giờ, từng phút thực hiện mở rộng hành lang đúng thời gian. Nhiệm vụ Sư đoàn giao cho Trung đoàn 27 là phải đập tan tuyến “tử thủ” phía Bắc Sài Gòn trên trục đường 13. Do vậy, Trung đoàn sử dụng Tiểu đoàn 4 có nhiệm vụ mở rộng hành lang; Tiểu đoàn 5 luồn sâu lót sẵn ở Lái Thiêu, phối hợp với mũi thọc sâu bằng cơ giới của Trung đoàn từ Tân Uyên tiến vào, tiêu diệt tuyến “tử thủ” này mở đường cho mũi chủ yếu của Sư đoàn phát triển vào trong. Tiểu đoàn 6 thọc vào phía Bắc cầu Vĩnh Bình…”. Toàn thể đơn vị sau khi nghe xong quyết tâm chiến đấu đều đồng lòng nhất trí, ai cũng muốn xông lên giết giặc lập công, giành độc lập-tự do cho Tổ quốc.

 

Đập tan tuyến phòng thủ Lái Thiêu


Trong khi Tiểu đoàn 5 bí mật hành quân luồn sâu vào tuyến tử thủ Lái Thiêu thì Tiểu đoàn 4 cũng khẩn trương triển khai đánh mở cửa Tân Uyên (một trận địa phòng ngự vòng ngoài trong tuyến phòng thủ phía Bắc Sài Gòn của địch). Chiều 27/4/1975, Tiểu đoàn đã áp sát phía Tây Bắc Tân Uyên. Chi khu Tân Uyên không phải là vật cản lớn trên đường tiến quân của Sư đoàn, nhưng việc đánh chiếm đường 16, giải tỏa khu Bắc Tân Uyên có ý nghĩa quan trọng đối với mũi thọc sâu. 9 giờ tối ngày 28/4/1975, Tiểu đoàn 4 đã làm chủ hoàn toàn khu vực Chi khu Tân Uyên đến Bình Cơ.


17 giờ ngày 29/4/1975, Trung đoàn dừng lại ở ngã tư Búng chuẩn bị tiến công địch ở Lái Thiêu (Thuận An, tỉnh Bình Dương). Quận lỵ Lái Thiêu nằm trên đường 13, cách Sài Gòn 15 km, là cửa ngõ của tuyến tử thủ cuối cùng của địch ở phía Bắc Sài Gòn. Trên diện tích gần 4km vuông, địch bố trí 3 Tiểu đoàn bảo an, 2 Chi đoàn xe tăng, một Tiểu đoàn pháo binh và 1.800 quân trong trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương. Các vị trí địch trong khu vực đều được cấu trúc kiên cố, liên hoàn với nhau, có tới hơn 20 hàng rào dây thép gai xen kẽ chướng ngại vật và hào chiến đấu. 12 giờ đêm ngày 29/4/1975, phương án tác chiến được phổ biến tới từng tổ chiến đấu. 3 giờ sáng 30/4/1975, Tiểu đoàn 5 báo cáo đã vào đúng vị trí quy định. Tôi ra lệnh tấn công. Trên các hướng, bộ binh xung phong đánh vào các mục tiêu theo kế hoạch. Địch bị bất ngờ, không kịp nổ súng chống trả. Lính ở các chốt tiền duyên bỏ công sự tháo chạy tán loạn. 


Ở Trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương, sau khi ta gọi hàng, phía cổng trại, gần 2.000 tên địch đã giơ cờ trắng xin hàng. Ở mũi chủ yếu, quân ta đánh chiếm được cầu Lái Thiêu, theo đường Đại Hãn thọc sâu vào Chi khu. Viên Trung tá quận trưởng Nguyễn Thái Bình cùng toàn bộ sĩ quan trong quận bị chiến sĩ Tiểu đoàn 5 bắt sống. Binh lính địch tan rã, hạ vũ khí đầu hàng. Sau hơn 2 giờ chiến đấu liên tục, Trung đoàn 27 đã làm chủ được Quận lỵ Lái Thiêu, tuyến “tử thủ” mà quân Ngụy Sài Gòn đặt nhiều hy vọng sẽ chặn được các mũi tiến công của quân ta đã bị đập tan rã, cánh cửa phía Bắc Sài Gòn đã rộng mở. Đội hình xe tăng, xe thiết giáp, bộ binh cơ giới thọc sâu của Sư đoàn ào ạt tiến qua Lái Thiêu trong tiếng hò reo của nhân dân.


Cùng thời gian trên, mũi tiến công binh chủng hợp thành của Tiểu đoàn 6 thọc vào phía Bắc cầu Vĩnh Bình. Gần 30 chiếc xe tăng, xe thiết giáp từ Bộ chỉ huy Thiết giáp xông ra phản kích. Trước sức tấn công mãnh liệt của ta, toàn bộ quân địch chốt giữ cầu buộc phải bỏ súng đầu hàng. Xe tăng, xe thiết giáp, xe vận tải chở Tiểu đoàn 6 tiến qua cầu Vĩnh Bình (cách Sài Gòn 10km), rẽ về hướng Tây, tiến về quận lỵ Gò Vấp.

 

Hoàn thành đánh chiếm các mục tiêu


9h30 phút sáng 30/4/1975, mũi thọc sâu của Trung đoàn đánh vào Bộ Tư lệnh Thiết giáp-lực lượng mạnh nhất của địch trong khu vực Bộ Tư lệnh các binh chủng ngụy. Trước cổng Bộ Tư lệnh, địch đã tổ chức một trận địa phòng ngự bằng tất cả các loại xe tăng, thiết giáp hiện đại nhất của chúng, được bố trí nhiều tầng, bắn như đổ đạn về phía trước ngăn chặn mũi tiến công của ta. Tôi ra lệnh cho xe tăng ta bắn chế áp trận địa địch, đồng thời cho bộ binh chia thành nhiều mũi, dùng B40, B41 áp sát, chia cắt, tiêu diệt xe tăng địch. Không chịu nổi sức tiến công của ta, viên Đại tá Chiêu buộc phải dẫn sĩ quan, binh sĩ trong Bộ Tư lệnh Thiết giáp ra hàng. Cờ giải phóng tung bay trên nóc cột cờ Bộ Tư lệnh Thiết giáp quân ngụy.


Sau khi đánh chiếm Bộ Tư lệnh Thiết giáp quân ngụy, Trung đoàn tiếp tục mở rộng đánh chiếm Lục quân công xưởng (Trại Đoàn Dư Khương-là căn cứ sửa chữa lớn, tập trung nhiều vật tư kỹ thuật, có khoảng 2.000 sĩ quan, hạ sĩ quan và nhân viên với nhiều phân xưởng cơ khí, quân xa, xe hơi, trọng pháo, vũ khí. Ở đây sửa chữa theo dây chuyền rất hiện đại, có khả năng đại tu tất cả các loại vũ khí, trọng pháo, xe tăng, xe thiết giáp, xe hơi); Trại Nguyễn Thái Học- căn cứ sửa chữa lớn các máy thông tin; Trại Phạm Tất Được-nơi dự trữ nhiên liệu đặc biệt, khi ta chiếm giữ căn cứ còn 12 triệu lít xăng; Tổng y viện Cộng Hòa, bệnh viện lớn và hiện đại nhất của quân ngụy…10 giờ sáng 30/4/1975, Trung đoàn 27 đã hoàn thành đánh chiếm các mục tiêu và cho 2 bộ phận bắt liên lạc với đơn vị bạn ở hướng Bộ Tổng Tham mưu quân ngụy và Dinh Độc Lập.


11 giờ 30 phút sáng 30/4/1975, quân ta chiếm Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng. Nhân dân Sài Gòn đổ ra chào đón Quân Giải phóng trong rực rỡ cờ hoa và niềm hân hoan vô bờ bến. Thời khắc lịch sử ấy tôi lại nhớ đến những cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27-những người anh hùng đã góp xương máu cùng toàn Mặt trận thực hiện thắng lợi Mệnh lệnh của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và quyết thắng”. 


Ngọc Quang


(Ghi theo lời kể của Thượng tướng, Viện sỹ, Tiến sỹ, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu,

nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng).

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ