A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyện của người lính Bộ đội Cụ Hồ-Bài 2: Người làm “sống lại” nghệ thuật rối nước Đào Thục

 

QPTĐ-Làng Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội là miền quê bình dị, yên ả và rất giàu truyền thống cách mạng. Nơi đây hiện có nghệ thuật rối nước nổi tiếng trong và ngoài nước. Trải qua 300 năm, những con người chất phác nhưng đầy chất “nghệ sĩ” nơi đây vẫn miệt mài ngày đêm truyền lửa để di sản văn hóa của làng mãi ghi dấu ấn đến tận mai sau.

 

 

Anh hùng LLVT nhân dân, Nghệ nhân rối nước Đinh Thế Văn (thứ 4 từ phải sang)

cùng đồng đội ôn lại những năm tháng chiến đấu không thể nào quên.

 

Những ngày này, du khách thập phương khi đến làng rối Đào Thục, huyện Đông Anh đều có thể dễ dàng được thưởng thức màn nghệ thuật rối nước đặc biệt: “Bộ đội tên lửa Việt Nam đánh B52” đầy ấn tượng. Và tác giả có màn rối nước đặc sắc đó không ai khác chính là Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Đinh Thế Văn-Nghệ nhân rối nước Đào Thục, năm nay vừa tròn 59 năm tuổi Đảng.


Sinh ra và lớn lên tại làng quê có Tổ nghề rối nước (là Đào Tướng Công, tên thật là Nguyễn Đăng Vinh, quê ở Đào Xá, huyện Yên Phong, Bắc Ninh-nay là Đào Thục, Thụy Lâm tâm huyết và truyền lại cho đời sau), cha ông chính là “trùm” nghề nên tình yêu, sự đam mê với môn nghệ thuật này thấm vào ông từ rất nhỏ. Thế nên khi về địa phương, thấy nghệ thuật rối nước của làng hoạt động hạn chế, bởi Đình làng bị phá, chùa sắp đổ; không gian phô diễn của rối nước không có…, ông đã ngày đêm đau đáu với câu hỏi: Làm gì và làm thế nào để rối nước không bị mai một, cao hơn là người dân địa phương có thể sống được với nghề. Chính vì vậy mà việc đầu tiên là ông cùng các cụ bô lão trong làng nhanh chóng họp bàn, thống nhất kế hoạch, từng bước khôi phục, tu bổ nghề. Các ông trực tiếp gõ cửa các doanh nghiệp, ban, ngành, đoàn thể, xin ủng hộ kinh phí khôi phục đình, chùa và Thủy đình-địa điểm quan trọng để phát huy rối nước. Với những cố gắng đó, Đào Thục hôm nay đã có đình, chùa, Thuỷ đình rộng rãi, khang trang để phát triển rối nước, trở thành điểm đến thực sự cuốn hút và sinh động với du khách thập phương.


Khi đã “có sân để dụng võ”, ông bàn bạc với người dân trong làng phối hợp với Trung tâm Bảo tồn văn hoá Thành phố, mời các đoàn làm phim; liên kết các công ty du lịch trong và ngoài nước để quảng bá rộng rãi di sản văn hóa Đào Thục trên các kênh truyền hình, website du lịch, văn hóa…


Ông Lê Trọng Lý, Chủ tịch CCB xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh: “Thuật rối nước Đào Thục có thời điểm đi xuống, tưởng như đã bị thất truyền nhưng rất may, về với đời thường Anh hùng LLVT nhân dân Đinh Thế Văn cùng một số nghệ nhân trong làng đã khiến nghề được “sống lại”. Bác Văn thuộc lớp người vừa tham gia chống Pháp, vừa tham gia chống Mỹ, lập lên nhiều chiến công. Rời quân ngũ, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” vẫn tiếp tục toả sáng, từ việc khôi phục “đặc sản” của làng đã góp phần giải quyết được thu nhập cho nhiều người dân địa phương, để “món ăn tinh thần” Đào Thục được lưu mãi trong nhân gian”.  


Anh hùng-Nghệ nhân Đinh Thế Văn cho biết: “Thiết nghĩ truyền lửa cho thế hệ mai sau có nhiều cách nhưng dễ và hiệu quả nhất chính là thông qua các hoạt động nghệ thuật. Hơn nữa, Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” (mà ông chính là một trong những người có công rất lớn làm nên kỳ tích đó) là một trong những ký ức sâu sắc nhất đối với tôi, vì vậy, tôi đã nảy ra ý định muốn gài cắm kỳ tích có một không hai trên thế giới của quân và dân Hà Nội đánh B52 qua bộ môn nghệ thuật này”. Hơn nữa, cũng do được theo cha trực tiếp biểu diễn từ nhỏ nên ông hiểu rất rõ cách đưa các câu chuyện, tình tiết hay vào trong môn nghệ thuật này, vì vậy, ông nhanh chóng bắt tay vào viết kịch bản.


Đại tá Đinh Thế Văn trầm ngâm: “Ký ức về B52 rất sâu đậm với tôi, tuy nhiên, ý tưởng là một chuyện nhưng khi bắt tay vào cũng có khó khăn nhất định. Khó ở chỗ, làm thế nào mà lột tả hết được sự oanh liệt của quân và dân ta trong 12 ngày đêm trên mặt nước; rồi thì phải có  pháo nổ, pháo sáng, các đạo cụ, các loại máy bay yểm trợ và B52 lồng lộn trên không; hơn nữa lại từ dưới nước bắn tên lửa… Sau quá trình cân nhắc, tôi trao đổi rất kỹ ý tưởng về đạo cụ với đội ngũ thợ tại địa phương; riêng pháo, bố tôi trước đây vốn rất giỏi khía cạnh này nên tôi cũng có đôi chút kinh nghiệm nhưng hiện mình cấm pháo nổ nên tôi chọn pháo sáng và các loại khác thể hiện…”. Với cái tâm và cái tầm của mình, cuối cùng thì ý tưởng của người Đại tá già đã thành hiện thực, tạo được sự hưởng ứng rất tích cực của nhiều thế hệ thưởng thức.


Em Đinh Sao Mai, học sinh trường THPT Chu Văn An, Hà Nội cho biết: “Là thế hệ đi sau nên khi học lịch sử trong sách, thú thực là phải thật chú tâm em mới hiểu và nhớ về các cuộc chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước. Song có một lần may mắn được đi cùng gia đình tới Đào Thục, hôm đó lại được xem màn rối nước mô tả cuộc chiến đấu quả cảm của quân và dân Thủ đô Hà Nội hạ gục B52-pháo đài bất khả xâm phạm của địch trong suốt 12 ngày đêm.

 

Câu chuyện đó em nhớ tới tận bây giờ. Chị biết không, hồ nước đang yên ả, tự nhiên có tiếng vang lên: “Đồng bào chú ý, máy bay địch đang tiến về Hà Nội”, rồi còi báo động và những chiếc máy bay mà cầm đầu là B52 vụt lên gầm thét. Tên lửa bay vụt lên nhằm trúng B52 khiến nó bốc cháy dữ dội, đâm sầm xuống. Hoạt cảnh đó không chỉ khiến bọn em thích thú về sự sống động đang diễn ra trên mặt nước mà hơn cả nó còn khiến lớp trẻ chúng em dễ nhớ, dễ tiếp thu kiến thức về cuộc chiến đấu mưu trí, kiên cường, dũng cảm của quân và dân Hà Nội trong 12 ngày đêm khói lửa. Chúng em rất biết ơn thế hệ cha ông đã không tiếc máu, xương để đổi lại hoà bình cho ngày hôm nay, nhất là những người đang truyền lửa “câu chuyện” lịch sử ấy khiến nó lan toả mãi trong cộng đồng…”.


Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay ngoài tác phẩm tiêu điểm là quân và dân Hà Nội đánh B52 trên bầu trời Hà Nội, rối nước Đào Thục còn có khoảng hơn 20 tích trò, là những vở rối cổ, bắt nguồn từ công việc đồng áng của cư dân nông nghiệp như cày bừa, cấy lúa, chăn trâu; các trò chơi dân gian, hoặc những điển tích, truyền thuyết cổ như: Thạch Sanh đánh Trăn Tinh...
Rối nước Đào Thục hiện có hơn 30 nghệ nhân, người già nhất đã 80 tuổi, trong đó, hơn 20 nghệ nhân tham gia biểu diễn thường xuyên. Nghệ thuật rối nước Đào Thục có nét đặc biệt là sử dụng loại rối máy sào dây, khiến con rối có thể lắc đều, vung được cả hai tay, sang phải và sang trái....


Có thể nói khi nhắc đến nét đặc sắc của nghệ thuật rối nước, chúng ta không thể không nhắc tới Đào Thục, vì đây chính là Tổ nghề của trò chơi dân gian truyền thống này. Kể từ khi được hình thành, tất nhiên có giai đoạn thăng trầm, mai một nhưng với tình yêu nghệ thuật cháy bỏng, Đại tá-Anh hùng LLVT nhân dân Đinh Thế Văn nói riêng và những nghệ nhân rối nước tại địa phương nói chung đã “rót” được cái hồn trong rối nước, khiến môn nghệ thuật này phát triển một cách cao điểm; được Nhà nước chứng nhận Đào Thục là điểm du lịch sinh thái của Hà Nội. Riêng cá nhân Đại tá Đinh Thế Văn được công nhận là Nghệ nhân rối nước năm 2011; nhận giải thưởng Đào Tấn năm 2013 và tặng Kỷ niệm chương “Nhân tài đất Việt” năm 2014 vì đã có thành tích xuất sắc trong việc phát huy, bảo tồn văn hoá nghệ thuật dân tộc.


T.Hiền-V.Thể-T.Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ