Hồ Gươm-“mắt ngọc” của Thủ đô
QPTĐ-“Xanh xanh thắm bầu trời xanh Hà Nội/Hồ Gươm xanh như mái tóc em xanh/Thân thương quá nụ cười người Hà Nội/Đã gặp rồi mà bồi hồi nhớ mãi, Hà Nội ơi!...”. Đã là người dân đất Việt, khi nghe giai điệu thân quen “Trời Hà Nội xanh” của nhạc sỹ Văn Ký hẳn đều cảm thấy thật thân quen, để rồi thêm yêu Hà Nội-nơi Hồ Gươm in bóng. Với đặc trưng của mình, hồ Hoàn Kiếm không chỉ là biểu tượng về văn hoá, lịch sử của Thủ đô mà còn là điểm đến ưa thích của nhiều du khách trong và ngoài nước.
Hồ Gươm, Hà Nội.
Ảnh: Internet
Hồ nằm ở trung tâm quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội; vị trí kết nối giữa khu phố cổ: Hàng Ngang, Hàng Đào, Cầu Gỗ, Lương Văn Can, với khu phố Tây, do người Pháp quy hoạch thực hiện cách đây hơn một thế kỷ như: Nhà Thờ, Tràng Thi, Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng, Bảo Khánh, Tràng Tiền, Hàng Khay, Bà Triệu...
Theo các tài liệu: Khoảng 6 thế kỷ trước, nếu dựa theo bản đồ thời Hồng Đức thì phần lớn xung quanh Kinh thành là nước. Hồ Hoàn Kiếm là một phân lưu sông Hồng chảy qua vị trí của các phố hiện giờ như: Hàng Đào, Hàng Ngang, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Hàng Chuối; đổ ra nhánh chính của sông Hồng. Nơi rộng nhất phân lưu này hình thành nên hồ Hoàn Kiếm hiện nay.
Hồ Gươm có rất nhiều tên gọi khác nhau như: Hồ Lục Thủy, Tả Vọng, Hữu Vọng, Thủy Quân… Riêng tên Hoàn Kiếm, được gắn liền với truyền thuyết về người Anh hùng dân tộc Lê Lợi-Lãnh tụ của nghĩa quân Lam Sơn trả thanh gươm thần cho thần rùa tại hồ. Có rất nhiều tài liệu nói về truyền thuyết này nhưng trong sách Lam Sơn thực lục của Nguyễn Trãi có đoạn nói rất rõ về việc Lê Lợi dùng một đoạn sắt mà Lê Thận-bạn của Nhà vua vớt được dưới hồ làm vũ khí chiến đấu. Chính thanh gươm thần đó đã giúp Lê Lợi cùng với Nguyễn Trãi lãnh đạo nghĩa quân đánh đuổi thành công quân xâm lược Minh. Khi giặc tan, năm 1427, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế.
Nằm giữa lòng Hà Nội, giữa phố xá ồn ào, náo nhiệt nhưng dường như Hồ Gươm là một quần thể tách biệt hẳn. Hồ Gươm với vẻ đẹp duyên dáng, kết hợp cùng với các kiến trúc như Tháp Rùa, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, tạo nên bức tranh tuyệt đẹp; trở thành địa chỉ đầy thơ mộng, ghi dấu biết bao câu chuyện tình đẹp như thơ của người Hà Nội.
Lãng đãng quanh Hồ Gươm mỗi mùa đều cho ta những cảm nhận rõ nét. Nước Hồ Gươm vốn đã xanh nhưng vào những tiết trời Xuân, nó còn xanh hơn bởi cây cơm nguội vàng, phượng, bằng lăng, lộc vừng thi nhau “in bóng”. Với mùa Hạ, đây là thời điểm Hồ Gươm sống động hơn bao giờ hết. Không khí tại hồ theo đó cũng mát mẻ hơn khiến bất cứ ai tới đây thưởng ngoạn, tập thể dục đều cảm nhận được sự thanh thản đến lạ trong tâm hồn. Với mùa Thu, Hồ Gươm đẹp dịu dàng và thanh khiết, bao quanh bởi những hàng cây với những tán lá chuyển sang màu vàng hanh tuyệt đẹp. Mùa Đông, Hồ Gươm trầm mặc và tĩnh lặng hơn bao giờ hết, bởi không khí, bởi hơi lạnh từ nước và màu của những ngôi nhà “mái đổ” rêu phong. Và ngay trong khoảnh khắc đó, cầu Thê Húc cong cong, yêu kiều đỏ thắm, dẫn vào đền Ngọc Sơn như một điểm chấm phá về kiến trúc, để cho ta cứ muốn lạc mãi ở đó không thôi.
Bước chân đến với nơi này, ta không chỉ cảm thụ rõ nét về mùa, mà còn có thể bao quát được các quần thể với lối kiến trúc và đặc trưng rất riêng. Tháp Rùa lung linh tại tâm hồ được xây dựng trong khoảng từ giữa năm 1884 đến tháng 4 năm 1886, chịu ảnh hưởng nhiều bởi kiến trúc Pháp. Đền Ngọc Sơn phía Bắc hồ, nơi thờ thần Văn Xương-ngôi sao chủ việc văn chương khoa cử và thờ Trần Hưng Đạo. Cầu Thê Húc do danh sĩ Nguyễn Văn Siêu cho xây dựng vào năm 1865, tên của cầu có nghĩa là "nơi đậu ánh sáng Mặt Trời buổi sáng sớm". Tháp Bút trên bờ hướng Đông, tượng trưng cho một ngòi bút đối lên trời. Đài Nghiên trên bờ hướng Đông Bắc, phần không thể thiếu của Tháp Bút. Tháp Hoà Phong trên bờ hướng Đông, di vật còn sót lại của chùa Báo Ân. Đền thờ vua Lê, nơi có tượng vua Lê Thái Tổ đứng trên trụ cao, tay cầm kiếm nhưng phóng thẳng xuống mặt hồ ở phía bờ Tây và Thủy Tạ-kiến trúc cổ đặc sắc của Việt Nam.
Đặc biệt chúng ta còn được chiêm ngưỡng vườn hoa, tượng đài Lý Thái Tổ-một công trình nhằm tưởng nhớ, tôn vinh vị vua đặt nền móng xây dựng kinh thành Thăng Long. Đồng thời, hoà mình vào phố đi bộ Hồ Gươm, chúng ta có thể bắt gặp những nét đặc sắc văn hóa vùng miền: Nặn tò he, rước đèn ông sao, gánh hàng rong, các trò chơi dân gian (ô ăn quan, nhảy dây, chơi chuyền…); các hoạt động văn hoá nghệ thuật hấp dẫn, âm nhạc đường phố, với rất nhiều thể loại: Sáo, violon, kèn saxophone… thu hút sự quan tâm của rất nhiều khách thập phương ở mọi lứa tuổi, vào các dịp cuối tuần. Thậm chí, còn được ngắm thưởng những màn những pháo hoa rực rỡ đêm giao thừa để rồi bước sang năm mới với một niềm tin và khí thế mới.
Hồ Gươm-hai chữ thật thân thương. Nơi đây không chỉ là nét đặc trưng của Hà Nội mà còn là nơi lưu giữ tình yêu, niềm tự hào của biết bao người Hà Nội nói riêng và những người con đất Việt nói chung. Việc ngồi thư giãn, đi bộ, hay chỉ đơn giản là lướt qua một vòng hồ bằng các loại phương tiện song tôi tin nó đủ cho ta cảm thấu được nét đẹp rất riêng của Hà Nội, để khi đi xa lại muốn được trở về, hoà mình ở nơi đó, nơi trái tim của Tổ quốc.
Hiền Mĩ