A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bắt giặc lái đêm cuối năm

 

QPTĐ-Đêm 27/12/1972, nhận được lệnh từ cấp trên, lực lượng trực chiến dân quân xã Quảng An, huyện Từ Liêm (nay là phường Quảng An, quận Tây Hồ) đã phối hợp với tự vệ Nhà nghỉ Công đoàn Quảng Bá bắt sống tên giặc lái máy bay Mỹ, nhảy dù xuống Hồ Tây, góp phần vào Chiến thắng  “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.

 

 

Hồ Tây-nơi nhân dân Quảng An bắt giặc lái năm 1972.

 

Theo chân đồng chí Nguyễn Mậu Oanh, Chỉ huy phó Ban CHQS phường Quảng An, chúng tôi đến nhà ông Lê Văn Lập, nguyên Xã đội trưởng xã Quảng An, giai đoạn 1967-1975 để tìm hiểu sự kiện bắt sống tên giặc lái Mỹ vào đêm 27/12/1972. Tuy đã ngoài 80 tuổi nhưng ông Lê Văn Lập vẫn có được sức khỏe dẻo dai cũng như trí nhớ tốt. Bằng giọng nói sang sảng, ánh mắt toát lên vẻ tự hào, ông Lập kể:  Đêm hôm ấy, tôi có nhiệm vụ chỉ huy Đại đội dân quân trực chiến gồm 1 Trung đội súng máy phòng không 12,7mm và 1 Trung đội dân quân cơ động thực hiện nhiệm vụ  khắc phục hậu quả.

 

Khoảng hơn 23 giờ đêm, trong màn mưa đạn pháo của quân và dân Hà Nội, trên bầu trời bỗng xuất hiện một dải lửa kéo dài hướng về phía làng Ngọc Hà. Ngay lập tức, tôi nhận được điện của đài quan sát của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội báo tin, quân ta đã bắn rơi máy bay B-52 của giặc Mỹ và yêu cầu chúng tôi tổ chức lực lượng bắt tên phi công nhảy dù xuống Hồ Tây. Không mất thời gian, tôi thông báo tin mừng cho toàn thể Đại đội rồi nhanh chóng cùng một vài đồng chí cơ động về hướng Hồ Tây. Khi ra đến nơi, chúng tôi phối hợp với các đồng chí thuộc đơn vị tự vệ Nhà nghỉ Công đoàn Quảng Bá, tổ chức chốt chặn mọi ngả đường, xác định vị trí tên giặc lái nhảy dù xuống, đồng thời tiến hành bơi thuyền ra hồ để bắt.


Ngừng lại một chút để nhấp ngụm trà nóng, ông Lập tiếp tục kể: Phải nói là đêm hôm ấy vào giữa mùa Đông nên trời lạnh lắm, chỉ cần đứng ngoài một lúc là rét run lên nhưng từ lúc nghe tin máy bay B-52 bị bắn rơi, tôi tự nhiên thấy trong lòng thực sự ấm áp, chẳng những thế mà ngay khi nhìn thấy tên giặc lái Mỹ đang lóp ngóp trên mặt nước, tôi liền nhảy ra khỏi thuyền, cùng với một số đồng chí khác khống chế, rồi đưa lên bờ. Lúc này, xung quanh khu vực Nhà nghỉ Công đoàn Quảng Bá, bà con nhân dân đã tụ tập rất đông, trên tay nhiều người còn cầm dao, đòn gánh…chỉ đợi chúng tôi đưa tên giặc lái lên bờ là xông vào quyết trả nợ máu. Trước tình hình như vậy, để đảm bảo an toàn cho tên phi công, tôi và anh em dân quân tự vệ phải che chắn cho hắn.

 

Có người dân bị kích động, quyết kéo bằng được tên phi công tách khỏi chúng tôi để đánh. Không còn cách nào khác, tôi đành phải rút súng ra bắn chỉ thiên 3 phát rồi nói “Không ai được động đến tên phi công này, đây là mệnh lệnh của cấp trên, hắn có tội thì sẽ bị trừng trị đích đáng”. Nghe thấy thế, mọi người mới chịu giãn ra để chúng tôi đưa tên giặc lái về trụ sở an toàn để bàn giao cho Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.


Khi được hỏi về ấn tượng của bản thân đối với tên giặc lái lúc bấy giờ như thế nào, phải mất một thời gian khá lâu trầm ngâm để hồi tưởng, ông Lập mới chậm rãi cho biết: Thời gian cũng khá lâu cộng với việc sau khi đưa được tên phi công về đến trụ sở thì chỉ khoảng 30 phút sau là Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã cho người về để áp giải đi cho nên tôi cũng chẳng có ấn tượng gì nhiều. Tôi chỉ nhớ là hắn cao to, trên mình khoác bộ đồ phi công nhìn rất đẹp mắt, khuôn mặt thì tỏ ra hết sức sợ hãi, về đến trụ sở mà hắn ngồi co ro trông đến tội. 


12 ngày đêm lịch sử đã đi qua được 45 năm, nhưng những chiến công của quân, dân Hà Nội nói chung và quân, dân Quảng An nói riêng sẽ luôn được nhắc đến như một minh chứng cho sự kiên cường, bất khuất nhưng đầy lòng nhân ái của một dân tộc yêu hòa bình. Chúng tôi chào tạm biệt gia đình ông Lê Văn Lập để ra về trong sự tự hào, biết ơn những hy sinh to lớn của những người đi trước để thế hệ trẻ hôm nay được sống trong môi trường hòa bình và tự do.

 

Theo tài liệu tham khảo, tên giặc lái mà nhân dân Quảng An bắt sống trên Hồ Tây là phi công của chiếc máy bay B-52 bị tên lửa của ta bắn trúng và nổ tung thành nhiều mảnh, rơi xuống làng hoa Ngọc Hà. Phần lớn thân và cánh máy bay rơi xuống hồ Hữu Tiệp, còn một phần của chiếc máy bay rơi xuống đường Hoàng Hoa Thám, gần vườn Bách Thảo. Về phần tổ lái chiếc B-52 bị bắn rơi đêm 27/12/1972 xuống Ngọc Hà, theo tài liệu gồm 6 phi công: 2 phi công đã chết; 4 phi công bị bắt sống bao gồm: Thiếu tá Condom, James C (số quân FV 268301369); Đại úy Cuimano, Samuel B (số quân FV 423566462); Đại úy Lewis, Frank D (số quân FV 308482235); Thượng sĩ Gough. James W (số quân FV 567423458). 2 phi công bị chết là Thiếu tá Johnson, Allen L và Trung úy Fryer, Ben L, họ đã được nhân dân chôn cất. Hài cốt của 2 người đã được Chính phủ ta bàn giao cho Chính phủ Mỹ ngày 30/9/1977 và ngày 4/12/1985.

 

Phạm Luân


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ