A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tôn vinh, tri ân những cống hiến, hi sinh của chiến sĩ Điện Biên

QPTĐ-Thông qua các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch, đồng thời khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhiều hoạt động kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chương trình nghệ thuật tại buổi gặp mặt.                                                 Ảnh QĐND

Thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước và căn cứ chỉ đạo của Ban Bí thư về chủ trương thực hiện Đề án kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam đã chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam ban hành Kế hoạch tổ chức gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến (trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ) tại hai tỉnh Thanh Hóa và Điện Biên trong hai ngày 06/4 và 17/4/2024.

Ngoài việc gặp mặt những nhân chứng lịch sử góp phần vào Chiến thắng Điện Biên Phủ tại tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Điện Biên, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng đã giao cho Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương tham mưu kế hoạch gặp mặt, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ chăm lo cho thân nhân liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến (trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ) đảm bảo thiết thực, ý nghĩa.

Dân công hỏa tuyến phá núi, mở đường vào Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thông qua các hoạt động kỷ niệm, nhằm khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tôn vinh, tri ân sâu sắc tới các thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu và có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ra sức phấn đấu, nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định, trước mắt hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch năm 2024.

Để gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến (trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ), thời gian qua, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thống kê số liệu từ các địa phương với tổng số gần 20.000 người.

Tri ân chiến sĩ Điện Biên

Binh chủng đặc biệt xe đạp thồ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Với vị trí điểm đầu vùng tự do Thanh-Nghệ-Tĩnh, Thanh Hóa là nhịp cầu nối giữa chiến trường Bắc bộ và Bình-Trị-Thiên, là địa bàn tiếp giáp với Tây Bắc, Thượng Lào. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa đã thể hiện rõ vai trò hậu phương chiến lược quan trọng. Mặc dù đời sống nhân dân còn hết sức khó khăn, thiếu thốn, nhưng với tinh thần “cả nước cùng ra trận”, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Trong 3 đợt phục vụ Chiến dịch, toàn tỉnh Thanh Hóa đã huy động 200 ngàn dân công dài hạn và ngắn hạn, hơn 3.500 xe đạp thồ, 1.126 thuyền ván các loại, 31 ô tô, 180 xe bò và nhiều phương tiện vận chuyển khác, cung cấp hơn 4.500 tấn gạo, 350 tấn thực phẩm và hàng trăm tấn rau các loại.

Trong vai trò “hậu phương lớn của tiền tuyến lớn” với hàng chục nghìn con em Thanh Hóa và các địa phương ở liên khu 3, liên khu 4 đã lên đường chiến đấu anh dũng, có mặt tại những nơi cam go, nguy hiểm nhất và nhiều người trong số đó đã hy sinh. Không chỉ ở Thanh Hóa, các tỉnh lân cận như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thái Bình… cũng đóng góp vào thắng lợi của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Khi nói về những đóng góp của hậu phương cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Tổng Bí thư Lê Duẩn một lần nữa nhấn mạnh: “Nếu không có Thanh - Nghệ - Tĩnh thì không có chiến dịch Điện Biên Phủ, không có thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp”.

Các chiến sĩ Điện Biên.                                         Ảnh QĐND

Ngày 06/4 vừa qua, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức cuộc gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến (trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ) các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình.

Tại chương trình, đại biểu tham dự đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật với chủ đề “Bản anh hùng ca Điện Biên Phủ”. Chương trình đã khắc họa rõ nét bối cảnh lịch sử và Chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 70 năm của quân và dân ta; theo dõi những hình ảnh tư liệu quý giá về Chiến thắng Điện Biên Phủ qua phóng sự và cùng đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa ôn lại truyền thống lịch sử và ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đại biểu tham dự cũng được lắng nghe phát biểu của cựu chiến binh Nguyễn Bá Viết, phường Đông Hải, thành phố Thanh Hóa. Cùng với những chia sẻ của các cựu chiến binh là những cảm tưởng của thế hệ trẻ tỉnh Thanh Hóa-những người đang đóng góp tích cực vào sự phát triển của quê hương, đất nước, xứng đáng với truyền thống cha anh.

Đặc biệt, đại biểu tham dự chương trình cùng lắng nghe bài phát biểu tâm huyết, xúc động của đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam. Bài phát biểu một lần nữa khẳng định: “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tạo cơ sở quyết định việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam; mở ra giai đoạn cách mạng mới, đưa miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng của chính nghĩa, của một dân tộc Việt Nam anh hùng, chiến thắng của sự đoàn kết “quân với dân một ý chí”. Chiến thắng đó được kết tinh bởi truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc của các giai cấp, giai tầng, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam yêu nước mang trong mình “máu đỏ, da vàng” và hai tiếng thiêng liêng “Tổ quốc” Việt Nam”.

Thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”

Tặng quà tri ân các chiến sĩ Điện Biên.                                             Ảnh QĐND

Tiếp nối thành công của chương trình, dự kiến vào ngày 17/4 tới đây, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp với Tỉnh ủy Điện Biên tổ chức chương trình gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ các tỉnh, thành phố nêu trên. Việc tổ chức chương trình gặp mặt tại chính mảnh đất Điện Biên là một sự tri ân, một lòng biết ơn đối với những người đã dành cả tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Đây là một trong những chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Cùng với hoạt động gặp mặt, tri ân, để thiết thực kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, được sự đồng ý của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, sau khi thống nhất với các cơ quan liên quan và tỉnh Điện Biên, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã xây dựng Đề án số 09/ĐA-MTTW-BTT về vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên. Chương trình đã huy động sự chung tay của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí, vật liệu, nhân công, hỗ trợ xây dựng và hoàn thành 5.000 căn nhà cho các hộ nghèo của tỉnh Điện Biên, 500 căn nhà cho hộ nghèo của các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình, Yên Bái.

Tiếp nối thành công đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã đồng ý về nguyên tắc sẽ tổ chức phát động Phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong phạm vi toàn quốc. Mục tiêu của phong trào là huy động mọi nguồn lực mang tính toàn dân, toàn diện, thiết thực lập thành tích, chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và phấn đấu với quyết tâm chính trị rất cao, xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát của người nghèo trong phạm vi toàn quốc trước năm 2026.

Theo đó, dự kiến ngày 13/4 tới, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương sẽ phối hợp với Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Lễ phát động Phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong cả nước tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.

Phương Linh

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ