A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trận không chiến cuối cùng trên bầu trời Hà Nội

 

QPTĐ-Cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B-52 của đế quốc Mỹ vào thành phố Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh lân cận, chỉ diễn ra trong 12 ngày đêm cuối tháng Chạp năm 1972 nhưng đã bị thất bại nặng nề. Trong tuần đầu từ 18/12 đến 25/12, quân và dân ta đã bắn rơi 53 máy bay, trong đó có 18 chiếc B-52, 5 F111. Trong trận chiến đêm 26/12, ta đã đánh một trận tiêu diệt lớn, bắn rơi 8 chiếc B-52 và 10 máy bay chiến thuật. Sang ngày 27/12, ta tiếp tục bắn rơi 14 máy bay các loại, trong đó có 5 B-52. Do bị mất quá nhiều máy bay B-52-con “Át chủ bài” của Không lực Hoa Kỳ, Tổng thống Mỹ Richard Nixon buộc chấm dứt chiến dịch Linebacker II và quay lại bàn đàm phán Paris. 

 

 

Phi công Hoàng Tam Hùng đã anh dũng hy sinh để bảo vệ Thủ đô Hà Nội.


Tuy nhiên, trước khi tuyên bố chấm dứt ném bom, ngày 28/12, Mỹ vẫn ngoan cố tiếp tục huy động 131 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh vào các mục tiêu ở khu vực nội, ngoại thành Hà Nội. Không quân ta xuất kích và đã đánh thắng giòn giã, bắn rơi 3 máy bay, trong đó có 1 B-52 và 1 máy bay trinh sát RA-5C- loại máy bay đầu tiên bị bắn rơi ở miền Bắc. Chiến công ấy thuộc về phi công Hoàng Tam Hùng và Vũ Xuân Thiều. Họ là những phi công cuối cùng đã anh dũng hy sinh để bảo vệ Thủ đô yêu dấu. Riêng Hoàng Tam Hùng-chàng trai xứ Huế nhưng đã lớn lên ở Hà Nội, đã chiến đấu và hy sinh vì Hà Nội- quê hương thứ hai của mình.


Trung úy Hoàng Tam Hùng sinh ngày 25 tháng 1 năm 1948 tại xã Phong An, Phong Điền, Thừa Thiên Huế, là con cả trong gia đình có 8 anh chị em. Cha anh là cụ Hoàng Anh, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Năm 1958, khi cụ Hoàng Anh làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, cả gia đình chuyển về Hà Nội sinh sống. Từ đó cho tới khi nhập ngũ Hoàng Tam Hùng sống tại địa chỉ 25, đường Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội. Tháng 10 năm 1965, khi đang là học sinh lớp 10, Hoàng Tam Hùng đã xin gia đình cho đi bộ đội. Hoàng Tam Hùng đã trúng tuyển phi công. Sau thời gian huấn luyện ở trong nước, năm 1966, anh được cử sang Liên Xô học lái máy bay quân sự. Năm 1969, anh về nước, được biên chế vào đội hình chiến đấu của Trung đoàn Không quân tiêm kích 927 (Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không-Không quân). 


Ngày 28 tháng 12 năm 1972, địch kéo vào đánh phá Hà Nội. Vào lúc 11 giờ 20 phút, biên đội Lê Văn Kiền- Hoàng Tam Hùng  nhận được lệnh cất cánh từ sân bay Nội Bài, đón đánh máy bay địch. Phát hiện địch vào hướng Đông Nam, chỉ huy Trung đoàn 927 đề nghị biên đội bay theo hướng 150 độ xuống phía Nam, chặn đánh những tốp địch từ biển vào. Hơn 1 phút sau, biên đội Kiền-Hùng phát hiện địch ở bên trái 45 độ, cự ly 10 km, chúng bay thành hai tốp ở hai độ cao khác nhau. Tiếp đó, biên đội lại phát hiện tiếp một tốp 4 chiếc phía trước ở cự ly 8km. Biên đội xin phép đánh tốp phía trước.

 

Được lệnh của số 1 Lê Văn Kiền, số 2 Hoàng Tam Hùng vượt lên bám được một chiếc và đưa nó vào vòng ngắm. Quả tên lửa từ máy bay Hùng phóng ra trúng mục tiêu. Chiếc máy bay địch bốc cháy dữ dội, đó là loại máy bay trinh sát RA-5C. Hai phi công điều khiển chiếc RA-5C là Thiếu tá phi công Hải quân Alfred Howard Agnew và Đại úy Michael Firestone Haifley-thuộc Phi đoàn trinh sát vũ trang RVAH-13. Agnew nhảy dù và bị bắt sống, còn Haifley đã chết vì không kịp nhảy dù. Sau Hiệp định Paris 1973, Alfred Howard Agnew là lính Mỹ cuối cùng được ta trao trả cho phía Mỹ, tại Sân bay Gia Lâm.

 

Thấy đồng bọn bị tấn công, những tốp F-4 bay phía trái vòng quay lại. Hoàng Tam Hùng đã bám được một chiếc F-4. Lúc này, Sở chỉ huy yêu cầu thoát li về sân bay Nội Bài  nhưng Hùng vẫn mải bám theo chiếc F-4, quyết tiêu diệt nó. Chiếc F-4 trước mặt đã nằm gọn trong vòng ngắm, anh ấn nút phóng quả tên lửa còn lại. Chiếc F-4 bốc cháy, rơi xuống kéo theo một quầng lửa. Chính vào thời điểm đó, một quả tên lửa địch từ chiếc F-4 bay phía sau đã nhằm trúng máy bay của anh. Anh không kịp nhảy dù nên đã anh dũng hy sinh. 


Đêm hôm đó, vào lúc 21 giờ 50, phi công Vũ Xuân Thiều cũng đã được lệnh xuất kích từ sân bay dã chiến Cẩm Thủy, đón đánh B-52 đang tiến vào Hà Nội. Khi đến Sơn La, Vũ Xuân Thiều phát hiện mục tiêu, anh lập tức báo cáo và tăng tốc độ bám sát. Khi thấy đến cự ly hiệu quả, anh ấn nút phóng 2 quả tên lửa. Chiếc B-52 bùng cháy, rơi tại chỗ nhưng Vũ Xuân Thiều cũng đã anh dũng hy sinh…


Trận đánh ngày 18/12 của không quân ta cũng là trận không chiến cuối cùng để bảo vệ Thủ đô trong 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972. Hoàng Tam Hùng và Vũ Xuân Thiều đã trở thành những phi công huyền thoại, chiến đấu mưu trí, dũng cảm và hy sinh đến cùng để bảo vệ Thủ đô. Chiến công của họ đã góp phần vào Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” lừng lẫy, tô thắm thêm truyền thống của Quân chủng Phòng không-Không quân Anh hùng.

 

Long Nguyễn

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ