A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa

 

QPTĐ-Ngày 8-12 vừa qua, tại Kỳ họp lần thứ 12 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO tại đảo Jeju Hàn Quốc, hát Xoan Phú Thọ đã được ghi danh là "di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Trước đó, Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ-loại hình dân ca và trò chơi truyền thống đặc sắc của cư dân 9 tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam cũng đã được UNESCO ghi danh là "di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Như vậy là trong cùng 1 năm, cùng 1 kỳ họp, Việt Nam đã có 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh với sự đồng thuận cao từ các quốc gia thành viên. 

 

 

Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

                                                                                               Ảnh: Internet

 

Việt Nam đã có các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh như: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Nhã nhạc cung đình Huế, hội Gióng, Đờn ca tài tử Nam bộ, Dân ca quan họ Bắc Ninh… Nay với Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ và Hát Xoan Phú Thọ vừa được ghi danh, đã nối dài thêm danh sách các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được công nhận là “di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. 

 

Nếu tính cả các loại di sản như Di sản thiên nhiên, trong đó có vịnh Hạ Long, vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, cao nguyên đá Đồng Văn; di sản văn hóa vật thể, gồm quần thể di tích Cố đô Huế, phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn, Hoàng thành Thăng Long, Thành Nhà Hồ; di sản tư liệu thế giới gồm Mộc bản triều Nguyễn, bia tiến sĩ Văn Miếu-Quốc Tử Giám, mộc bản Kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm, Châu bản triều Nguyễn; Di sản thế giới hỗn hợp là quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) và kể cả 221 di sản được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (tính đến tháng 6/2017), thì không có người Việt Nam nào là không tự hào về vốn di sản văn hóa giàu có và phong phú mà cha ông để lại, thiên nhiên ban tặng.  


Một đất nước có thể ví như một “cường quốc về di sản” như vậy, nhưng cũng thấy rõ những thách thức không hề nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản. Các loại di sản đều có những yêu cầu riêng trong việc bảo tồn, tôn tạo. Nếu như di sản thiên nhiên yêu cầu nghiêm ngặt việc bảo tồn, gìn giữ cảnh quan, môi trường, tôn trọng tự nhiên, kiểm soát chặt chẽ sự can thiệp của con người, thì di sản văn hóa vật thể lại yêu cầu việc trùng tu, tôn tạo để chống xuống cấp. Việc trùng tu, tôn tạo phải bảo đảm nguyên tắc tôn trọng di tích, tránh chắp vá hoặc làm mới tùy tiện.

 

Di sản văn hóa phi vật thể là việc phục dựng, lưu truyền, phổ biển và tổ chức diễn xướng để tôn vinh các giá trị văn hóa cốt lõi của di sản. Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO đánh giá cao bởi di sản này đã từng được đưa vào danh sách "cần được bảo vệ khẩn cấp", nay được  Chính phủ và cộng đồng địa phương khôi phục đáng kể khả năng tồn tại của loại hình này. Lối hát dân gian gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lan tỏa trong cộng đồng. Ý thức bảo tồn di sản là một trong những tiêu chí mà Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc luôn đề cao khi xét ghi danh di sản. 


Điều đặc biệt quan trọng là phải chống việc lạm dụng di sản, biến các khu di tích, các di sản văn hóa thành công cụ kiếm lời bất chính. Trong thực tế đã có rất nhiều lễ hội bị biến tướng, nhiều hoạt động tín ngưỡng thờ cúng bị lạm dụng, trong đó hoạt động mê tín, dị đoan “mua thần, bán thánh” đã biến các khu di tích, các điểm du lịch thành những tụ điểm phức tạp về an ninh, ô nhiễm về môi trường, làm mất đi vẻ đẹp vốn có của di tích, mất đi những giá trị của di sản. Do đó, khi một di sản văn hóa được tôn vinh là lại có thêm trách nhiệm để gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa đó, mà trách nhiệm ấy, suy cho cùng là thuộc về toàn dân, về mỗi một người chúng ta.


Hữu Văn 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ