A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Toan tính của Mỹ, Nga thời hậu IS?

 

QPTĐ-Trung Đông vẫn nóng bỏng sau dự báo, Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng đến ngày tan rã hoặc chí ít cũng hết thời tung hoành “làm mưa làm gió” ở Iraq, Syria? Thực tế trên chiến trường, phiến quân IS bị đánh tơi tả, mất hết các vị trí quan trọng, địa bàn chiến lược vốn có, đang lùi sâu về cố thủ một vùng biên giới Syria-Iraq với khoảng 2-3% lãnh thổ. Thủ lĩnh tối cao IS A.al-Baghdadi (được xác nhận vẫn khỏe mạnh, sau nhiều nguồn tin bị tiêm kích Nga, Mỹ tiêu diệt) đã trù tính xây dựng căn cứ ở Libya. Thông tin tình báo phương Tây ghi nhận, thủ lĩnh IS được 13 trong số các phe phái ở Libya suy tôn, thành lập Nhà nước kiểu Caliphate ở Libya như từng xuất hiện tại Iraq, Syria để điều hành các hoạt động khu vực Trung Đông, Bắc Phi, bao gồm cả Yemen, Ai Cập, Algeria, Tunisia, Nigeria; thậm chí phát triển mạng lưới sang châu Á. Dư luận đang tập trung sự chú ý theo dõi hành động, phản ứng của Mỹ, Nga? 

 

 

Căn cứ Hải quân Nga ở Syria.


Giữa năm 2014, khi Nhà nước Hồi giáo IS xuất hiện và tiến hành hàng loạt các cuộc thảm sát ghê rợn trả thù, chiếm đất, cướp bóc tài sản ở Iraq, Syria; Mỹ đã nhanh chóng cầm đầu liên minh quân sự 60 nước chống khủng bố. Với số lượng lớn máy bay chiến đấu, tên lửa hiện đại, bom thông minh và nguồn tài chính dồi dào, liên minh chống khủng bố IS đã kìm chân chúng đang tiến mạnh như vũ bão, bao vây áp sát thủ đô Baghdad (Iraq).

 

Lúc cao điểm, phiến quân kiểm soát 30% đất đai Iraq, 50% lãnh thổ Syria. Sau 1 năm rồi 2 năm, liên minh chống IS do Mỹ chỉ huy, tác chiến hiệu quả thấp, chi phí tài chính cao ngất ngưởng, xuất hiện mâu thuẫn nội bộ, khiến vắng dần đi các thành viên. Tuy nhiên, Mỹ đã thành công trong việc hậu thuẫn Chính phủ Iraq giành lại các phần đất bị khủng bố chiếm giữ. Thủ tướng Iraq H.Abadi lạc quan cho rằng: Khủng bố IS sẽ bị đánh bại trong năm 2017! Công việc còn lại ở nước này là khắc phục hậu quả chiến tranh, tái thiết đất nước. Hẳn, Mỹ và phương Tây sẽ có nhiều cơ hội tham gia vào công việc này.


Tại Syria, diễn biến cuộc chiến và tái thiết đất nước thời hậu IS không đơn giản như vậy? Vì sao? 


Chiến sự ở Syria hơn 6 năm qua, từ tháng 3/2011, có thể chia ra làm 2 giai đoạn. Từ tháng 3/2011 đến trước 30/9/2015 là xung đột nội bộ giữa Quân đội Chính phủ Syria của Tổng thống B.al-Assad (thân Nga) và các phe phái đối lập do Mỹ, phương Tây và vùng Vịnh hậu thuẫn. Từ 30/9/2015, Nga đưa Lực lượng Không quân vũ trụ (VKS) chống khủng bố ở Syria, bảo vệ chính quyền của ông B.al-Assad thì tính chất cuộc chiến đã đổi khác. Đó là cuộc chiến giữa Quân đội Chính phủ Syria (SAA) được liên minh: Nga, Iran, Hezbollah- Liban hỗ trợ và bên kia là khủng bố IS, phe đối lập “Dân chủ ôn hòa” (SDF) do Mỹ và phương Tây hậu thuẫn. Ngoài ra, phải kể đến Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn “Quân đội Syria Tự do” (YPG); Lực lượng người Kurd nổi dậy chiếm đất, đòi lập Khu tự trị, ra mặt chống Chính phủ Trung ương Syria với yêu sách: “B.al-Assad phải ra đi!” 


Hiện, Syria đang đứng trước nguy cơ bị chia cắt? Hội nghị Thượng đỉnh 3 bên về Syria tổ chức tại Sochi (cuối tháng 11 vừa qua), Nga, Iran, Thổ ra Tuyên bố chung, cam kết khởi động tiến trình chính trị, giải quyết khủng hoảng ở Syria và kiên quyết chống khủng bố. Tổng thống Nga V.Putin khẳng định, chính Nga, Iran, Thổ đã giúp ngăn chặn sự sụp đổ của Syria, không để cho chủ nghĩa khủng bố chiếm giữ nước này và tránh được thảm họa nhân đạo.

 

Tuy nhiên, hội nghị hòa đàm ở Geneva (Thụy Sĩ) đang gây nhiều tranh cãi, trong khi phe đối lập đưa ra yêu sách “phải loại bỏ Tổng thống B.al-Assad”-Điều mà Chính phủ Syria và Nga khó chấp nhận; Thổ Nhĩ Kỳ không muốn có sự xuất hiện của đại diện nhóm người Kurd-Điều mà Mỹ và phe Dân chủ (SDF) không đồng ý. 


Theo tính toán của Mỹ, khi phiến quân IS bị đánh bại hoàn toàn, ông B.al-Assad vẫn lãnh đạo đất nước, coi như Mỹ và phương Tây trắng tay? Mỹ, Thổ, Arab Saudi và phương Tây sẽ tiếp tục hậu thuẫn phe “Dân chủ ôn hòa” trong đó nhóm người Kurd là nòng cốt, dung nạp các tay súng tàn quân IS, thành lập vùng tự trị độc lập với chính quyền Trung ương, kéo dài sự hiện diện của Mỹ ở miền Bắc Syria? Người ta không khó khăn nhận ra ý đồ này, khi các căn cứ của SDF được kéo cờ Mỹ và được lực lượng không quân Mỹ bảo vệ! Vậy là Nga có muốn đẩy Mỹ ra khỏi Syria cũng chẳng dễ dàng chút nào, mặc dù Mỹ và phương Tây là “khách không mời mà đến”.

 

Noi gương Mỹ, Iran cũng đạt được thỏa thuận với Syria thành lập 13 căn cứ đóng quân cho lực lượng Vệ binh của nước này. Đây là cái gai trong mắt Israel, bởi Tel Aviv cho rằng, căn cứ quân sự của Tehran là nguy cơ trực tiếp đe dọa an ninh lãnh thổ người Do Thái! Trong khi đó, Tổng thống D.Trump tuyên bố, ủng hộ rời Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem, gây bất bình ở Trung Đông? 


Nga tuyên bố, hoàn thành sứ mệnh chống khủng bố ở Syria, sẽ rút dần quân về nước nhưng cũng không phải là người chậm chân ở Trung Đông. Sau thỏa hiệp xây dựng và đồn trú 49 năm ở 2 căn cứ: Hải quân Tartous và không quân Hmeymim (Latakia); Nga thương thảo xây dựng căn cứ quân sự ở Libya, Sudan và Ai Cập. Đây là những cơ sở quân sự có lịch sử từ thời Liên Xô nhưng sự trở lại của Nga trong những năm đầu thế kỷ XXI này khẳng định, vị thế của hải quân, không quân và các lực lượng chiến lược Nga không thể vắng mặt trên Biển Đen, Hồng Hải, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương. Nga để ngỏ khả năng trở lại căn cứ quân sự ở Cuba để đáp lại phía Mỹ và NATO đang gia tăng quân sự hóa vùng Baltic, Đông Âu?


Tháng trước, Nga đã cung cấp cho Ai Cập 3 hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại S-300VM; đồng thời Ai Cập cho phép các máy bay chiến đấu Nga sử dụng bất kỳ căn cứ không quân nào trên lãnh thổ, đổi lại là những ưu ái mà Moskva dành cho Cairo. Tướng Kh.Haftar, Tư lệnh Quân đội Quốc gia Libya (LNA) thăm và ký kết, đồng ý cho Nga xây dựng căn cứ không quân ở miền Nam, khai thác các giếng dầu khu vực miền Trung, Nam do LNA kiểm soát.

 

Tổng thống Sudan O.al-Bashir thăm Nga, thương thảo về việc Nga hiện diện quân sự ở quốc gia này. 


Trước những diễn biến chính trị mau lẹ ở Trung Đông, khủng hoảng chính trị ở Syria, Qatar; cựu Tổng thống Yemen A.Saleh (4/12) vừa bị quân đồng minh Houthi sát hại, Mỹ và Nga không thể vội vàng rút binh sĩ đặc nhiệm, ngừng hỗ trợ không kích như từng tuyên bố. Hẳn, với khoảng 40-60 máy bay chiến đấu, hệ thống tên lửa S-300, S-400 tại Lattakia, Nga đủ sức bảo vệ Syria như đã từng hợp tác chống khủng bố trong những ngày qua.  


                      Nhật Kiều

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ