A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Thủ đô” Jerusalem-Địa chấn Trung Đông?

 

QPTĐ-Tổng thống Mỹ D.Trump luôn gây bất ngờ với những quyết định táo bạo, đường đột với đối phương, đối tác sau gần 1 năm ngồi ghế ông chủ Nhà Trắng. Nhưng với tuyên bố đưa ra vào ngày 6-12 vừa qua, vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ quyết định công nhận Jerusalem là “thủ đô” của Israel đã thực sự đạt đỉnh cao của cơn sốc dư luận không chỉ với đối thủ của Mỹ mà ngay cả các đồng minh vùng Vịnh-Hồi giáo cũng giật mình. Người ta coi đây là một địa chấn Trung Đông do Mỹ châm ngòi thuốc súng, phá vỡ các giải pháp vãn hồi hòa bình khu vực, ít nhất là tham vọng giải quyết xung đột Palestine-Israel, thiết lập “hai Nhà nước”! 

 

 

Người biểu tình Palestine bị thương trong cuộc đụng độ với binh sĩ Israel tại dải Gaza

sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel .


Theo đó, Tổng thống D.Trump chỉ đạo Bộ Ngoại giao Mỹ bắt đầu quá trình di dời Đại sứ quán Mỹ từ thành phố Tel Aviv đến Jerusalem-vùng lãnh thổ tranh chấp mà người Palestine cho rằng đang bị Israel chiếm đóng? Tuy nhiên, quá trình di dời này cần thời gian ít nhất trong vài năm nhưng động thái chưa từng có tiền lệ này, đang gây tranh cãi của ông D.Trump là sự tái khẳng định, Mỹ vẫn luôn coi “Israel là đồng minh số 1 ở Trung Đông”, bất chấp sự phản ứng của thế giới. 


Là người trong cuộc, Tổng thống Palestine M.Abbas đã phản ứng gay gắt, cho rằng: Quyết định này của ông D.Trump đồng nghĩa với việc “Mỹ từ bỏ vai trò là nhà đàm phán hòa bình”. “Những hành động đáng chỉ trích và không thể chấp nhận này hủy hoại tất cả nỗ lực hòa bình”-Tổng thống M.Abbas nhấn mạnh. 


Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Guterres nhận định: Quyết định của Washington có thể tác động tiêu cực đến tiến triển hòa bình giữa Israel và Palestine và khẳng định: Vấn đề Jerusalem cần phải được giải quyết thông qua đàm phán. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (8-12) họp khẩn thảo luận về “sự kiện thủ đô” Jerusalem và quan hệ Palestine-Israel. Phản ứng trước quyết định của Tổng thống Mỹ, Giáo hoàng Francis cho biết: “Tôi không thể giữ im lặng trước những lo ngại về tình hình những ngày gần đây. Tôi cũng đặc biệt kêu gọi tất cả các bên tôn trọng vị thế của Jerusalem theo Nghị quyết của Liên hợp quốc”.


Thử phản ứng của các nước Trung Đông (ngày 5-12), ông D.Trump điện đàm với các nhà lãnh đạo Arab gồm Tổng thống Palestine M.Abbas, Quốc vương Arab Saudi Salman, Quốc vương Jordan Abdullah, Tổng thống Ai Cập A.al-Sisi để nói rõ ý định di dời Đại sứ quán Mỹ ở Israel về Jerusalem, như lời hứa của ông (năm 2016) dịp tranh cử Tổng thống Mỹ. Tất nhiên, các nguyên thủ quốc gia Trung Đông đều phản đối. Riêng giới chức Israel nhanh chóng hoan nghênh quyết định này và cho biết, sẽ xây thêm 6.000 căn hộ tại Jerusalem; đồng thời sẵn sàng cho tất cả các kịch bản có thể xảy ra trong tương lai! 


Lập tức, cuối ngày 5-12, Liên đoàn Arab (AL) nhóm họp khẩn cấp để thảo luận quyết định gây sốc này của Tổng thống Mỹ. Các nhà lãnh đạo Arab lên tiếng cảnh báo rằng, động thái đơn phương của Mỹ về Jerusalem là “hành động nguy hiểm”, sẽ hủy hoại các nỗ lực hòa bình do chính Mỹ khởi xướng và dẫn đầu, sẽ kéo theo hàng loạt hành động phiêu lưu, gây ảnh hưởng xấu tới tiến trình hòa bình giữa Palestine và Israel, gây bất ổn khu vực Trung Đông. Quốc vương Arab Saudi nói: “Việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel sẽ bị coi là khiêu khích thế giới Hồi giáo trên khắp thế giới”.

 

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ M.Cavusoglu bày tỏ: Quyết định của Mỹ là “thiếu trách nhiệm, đi ngược lại với luật pháp quốc tế cũng như Nghị quyết của Liên hợp quốc”. Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa sẽ cắt quan hệ ngoại giao với Israel? Tổng Thư ký AL A.Gheit cho rằng: Quyết định của Tổng thống Mỹ về việc di dời Đại sứ quán sẽ làm dấy lên hoài nghi về cam kết của Mỹ đối với giải pháp “hai Nhà nước” cho cuộc xung đột Palestine-Israel. 


Hội nghị AL đưa ra kết luận: Bất cứ một nghị quyết hay quyết định nào đơn phương coi Jerusalem là thủ đô của Israel hay thiết lập bất cứ một phái đoàn ngoại giao nào ở đây cũng bị coi là “vi phạm nghiêm trọng” Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ngày 6-12, Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi nối lại tiến trình hòa bình theo giải pháp “hai Nhà nước” và nhấn mạnh: Vấn đề Jerusalem cần được giải quyết thông qua đàm phán. 


Vì sao quyết định của Tổng thống D.Trump lại bị các quốc gia và tổ chức quốc tế phản đối dữ dội như vậy? 


Jerusalem là vùng đất tranh chấp chủ quyền kéo dài từ hơn nửa thế kỷ qua sau khi bị Israel chiếm đóng, gây căng thẳng giữa Israel và Palestin cũng như các nước Arab. Jerusalem được xem là ngã ba hội tụ các nền văn hóa ảnh hưởng của Hồi giáo, Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo. Trung tâm Jerusalem là khu phố cổ, có lịch sử hình thành từ thế kỷ thứ IV (Trước Công nguyên) nằm trên đỉnh một cao nguyên ở dẫy núi Judaean giữa Địa Trung Hải và Biển Chết.

 

Trong thành  Jerusalem có 4 khu vực (4 quảng trường): Khu người Do Thái, khu Thiên Chúa giáo, khu Hồi giáo và khu người Armenia. Nơi đây được coi là linh thiêng bởi có Mộ Chúa Jesus (đạo Thiên Chúa), Nhà thờ Thánh địa Mecca (đạo Hồi), Bức tường phía Tây (“Bức tường than khóc”-nơi Thánh địa linh thiêng nhất của người Do Thái), hàng năm đón hàng chục triệu tín đồ về cầu nguyện và du khách viếng thăm, mặc dù số dân bản địa chỉ khoảng 1 triệu người. 


Israel gây cuộc chiến năm 1967, chiếm phía Tây Jerusalem và tuyên bố, khu vực Bờ Tây là thủ đô của nước này; trong khi người Palestine kiểm soát phía Đông (Bờ Đông), coi Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước này trong tương lai. Trên thực tế, Tổ chức Hamar của người Palestine bị Mỹ và Israel coi là lực lượng khủng bố, nắm quyền kiểm soát Dải Gaza từ năm 2007, đến tháng 10-2017 mới giao lại cho Chính phủ Palestine của Tổng thống M.Abbas sau khi Hamas và Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) hòa hợp.


Hơn nửa thế kỷ qua, Liên hợp quốc trong đó có Mỹ, đứng ra làm trung gian hòa giải bất đồng Israel-Palestine nhưng không thành. Xung đột giữa Israel và cộng đồng các nước Arab láng giềng trở thành “thùng thuốc súng” ở Trung Đông. Mặc dù là đồng minh của Mỹ nhưng các nước Arab-vùng Vịnh, Thổ luôn kỳ thị Israel. Quan hệ giữa Iran, Syria và Israel được xem như đối thủ. 


Năm 1995, Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật về việc di chuyển Đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv đến Jerusalem nhưng các đời Tổng thống Mỹ ra Sắc lệnh trì hoãn nhằm tránh việc thổi bùng căng thẳng ở Trung Đông. Giới quân sự cho rằng, Tổng thống Mỹ ban hành quyết định trái ngược với các vị tiền nhiệm về Jerusalem chỉ đơn thuần chứng tỏ, ông giữ lời hứa hơn là dựa vào một chiến lược an ninh!


Mấy ngày qua, hàng ngàn người Palestine biểu tình ném gách đá vào quân đội, cảnh sát Israel ở Dải Gaza, xung đột làm hơn 100 người thương vong. Chính phủ Palestine kêu gọi về thực thi “3 ngày giận dữ”? Nhiều nước tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế đoàn kết với nhân dân Palestine (29-11)!  


Hà Ngọc

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ