A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam

 

QPTĐ-Sau thất bại của chính quyền Sài Gòn trong Chiến dịch Xuân Hè năm 1972, trước nguy cơ phá sản của chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh và nhằm gây sức ép buộc Việt Nam chấp nhận điều kiện mà Mỹ áp đặt trên bàn đàm phán Paris, Chính quyền Mỹ đã mở chiến dịch Linebacker II- nối tiếp chiến dịch ném bom Linebacker diễn ra trước đó-ra lệnh ném bom hủy diệt bằng máy bay chiến lược B-52, mục tiêu là các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Lạng Sơn và các tỉnh lân cận. Với hàng trăm phi vụ B-52, ném hàng trăm tấn bom vào những thành phố đông dân và kéo dài liên tục nhiều ngày, Tổng thống Nixon nuôi hy vọng sẽ khuất phục được nhân dân Việt Nam. Nhưng mọi tính toán của Nhà Trắng đều sai lầm và phải trả giá đắt. Trong 12 ngày đêm của chiến dịch Linebacker II, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 “pháo đài bay” B-52; 5 “cánh cụp, cánh xòe” F111; 43 phi công Mỹ bị bắt sống. Những chiếc B-52 tối tân từng là biểu tượng sức mạnh không lực Hoa Kỳ, từng là thứ vũ khí răn đe đầy uy lực của Mỹ, đã bị bắn rơi tơi tả trên bầu trời Hà Nội. Báo chí phương Tây đã chua chát nhận định, nếu cứ tiếp tục tổn thất như 12 ngày đêm cuối tháng 12 trên bầu trời Hà Nội, Mỹ sẽ hết B-52 trong vài tháng!

 

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thông qua cách đánh B-52.

 

Thất bại của chiến dịch Linebacker II không chỉ là một thất bại quân sự, nó đã làm cho làn sóng phản đối chiến tranh ở trong lòng nước Mỹ dâng cao hơn bao giờ hết, khiến Mỹ ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế; ở miền Nam, quân Ngụy liên tiếp chịu những thất bại nặng nề, chính quyền Sài Gòn thì rệu rã… nhưng điều quan trọng nhất là bằng bom đạn hủy diệt, Mỹ đã không khuất phục được ý chí của nhân dân ta, ngược lại càng ném bom, Mỹ càng thiệt hại nặng nề, do đó chính quyền Nixon đã buộc phải chấm dứt ném bom và trở lại đàm phán ở Hội nghị Paris. Chỉ sau đó chưa đầy 1 tháng, ngày 27/3/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, mở ra một giai đoạn mới cho sự nghiệp thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. 

 

 

Dân quân tự vệ Thủ đô sẵn sàng bắn trả máy bay Mỹ.


Chiến thắng B-52 trong cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm năm 1972, xứng đáng với tầm vóc một trận “Điện Biên Phủ trên không” trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta. Để làm nên chiến thắng có ý nghĩa dân tộc và thời đại sâu sắc này, trước hết là nhờ có sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Bác Hồ và Quân ủy Trung ương. Sớm tiên đoán được âm mưu, ý đồ của đế quốc Mỹ, ngay từ cuối năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua nhưng nó chỉ chịu thua khi thua trên bầu trời Hà Nội. Quân chủng PK-KQ đã nghiên cứu cách đánh B-52; xây dựng kế hoạch tác chiến bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên ta đã chủ động, sáng tạo, tìm ra cách đánh hay, đánh trúng B-52 dù chúng dùng kỹ thuật gây nhiễu và máy bay hộ tống dày đặc. Ta đã huy động được sức mạnh tổng hợp của thế trận phòng không ba thứ quân vững chắc và duy trì được sự phối hợp hiệp đồng tác chiến chặt chẽ giữa các lực lượng bắn máy bay tầm cao, tầm thấp…khiến phi công Mỹ khiếp đảm, mỗi khi vào chốn “thiên la, địa võng” lưới lửa phòng không Hà Nội. Các chiến sĩ LLVT nhân dân đã chiến đấu dũng cảm, với ý chí và lòng căm thù giặc sâu sắc. Hàng nghìn tấn bom đạn Mỹ đã trút xuống khu dân cư, bệnh viện, trường học…ở cả Hà Nội và thành phố Hải Phòng, giết hại người dân vô tội đã hun đúc ý chí và tinh thần quyết tâm chiến đấu tiêu diệt bằng được B-52, bắt giặc lái Mỹ phải đền tội ác. Tất cả đã làm nên sức mạnh tổng hợp, làm nên bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam.

 

 

"Rồng lửa Thăng Long” bắt B-52 đền tội ác.


Khi chính quyền Nixon hò hét đưa B-52 ra đánh phá Hà Nội, cả thế giới hồi hộp, lo âu. Một đất nước nhỏ bé, nghèo nàn, vẫn còn đang khắc phục hậu quả chiến tranh, lại phải đương đầu với một đế quốc giàu có cả về kinh tế và tiềm lực quân sự, liệu có đứng vững trong bom đạn hủy diệt? Nhưng khi chứng kiến những chiếc “pháo đài bay” được mệnh danh là “bất khả xâm phạm” bốc cháy trên bầu trời Hà Nội, thì nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới “vỡ òa” trong niềm vui chiến thắng. Nhà văn Giắc Ma-đôn đã viết, “Việt Nam sẽ thắng! Không kẻ thù nào tiêu diệt được một dân tộc vĩ đại như dân tộc Việt Nam... Nếu dân tộc này mà đầu hàng thì cả nhân loại sẽ bị sụp đổ”. Bầu bạn ở nhiều nước gửi điện mừng thắng lợi của Việt Nam, ca ngợi Hà Nội là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người!”. 

 

 

Trận địa pháo cao xạ quyết tâm bảo vệ Thủ đô.


45 năm đã trôi qua, sau Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, cuộc chiến tranh Việt Nam trong đó có thất bại của chiến dịch Linebacker II, vẫn còn là hội chứng ám ảnh nước Mỹ nhưng xu thế và nhận thức của  thời đại đã khác. Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại…Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 187 nước trên thế giới. Sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao từ năm 1995, hai nước đã đạt nhiều tiến bộ trong các mối quan hệ hợp tác. Lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Mỹ đã có những chuyến thăm chính thức tới hai nước từ các năm 2000-2017. Gần đây nhất là chuyến thăm Việt Nam  của Tổng thống Obama (2016); Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Hoa Kỳ (5/2017) và Tổng thống Donald Trump thăm chính thức Việt Nam (11/2017) nhân Hội nghị Cấp cao APEC, đã tăng cường mối quan hệ hợp tác Việt-Mỹ vốn đang trên đà phát triển. Theo Tổng cục Thống kê, đến nay, kim ngạch thương mại Việt Nam-Mỹ đã đạt gần 41,5 tỷ USD¸, tăng tới 187 lần sau hơn 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Tới năm 2013, Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện dựa trên các nguyên tắc tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ đã tạo ra khuôn khổ mới cho quan hệ hợp tác giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực.

 

 

B-52 phơi xác trên đường phố Hà Nội.

 

Kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, chúng ta không thể quên những hy sinh, mất mát của biết bao Anh hùng, chiến sĩ bảo vệ Thủ đô và các thành phố bị tàn phá, của những gia đình, người dân vô tội… Thương tích vẫn còn đó và vẫn luôn nhắc nhở chúng ta phải thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác, quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước, vì hạnh phúc muôn đời cho con cháu. 


QPTĐ

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ