A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cỗ xe và con đường

 

Tại phiên khai mạc hội thảo “Việt Nam: Nắm bắt cơ hội của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” do Ngân hàng thế giới (WB) và Bộ Công thương tổ chức sáng 15/6 tại Hà Nội,  Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương nhất quán, xuyên suốt và là nội dung trọng tâm trong chính sách đối ngoại và hợp tác kinh tế quốc tế của Việt Nam trong quá trình đổi mới đất nước.

 

Việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do không chỉ nhằm mục tiêu mở cửa thị trường mà còn là các bước đi khẳng định cam kết hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới, là bước đi quan trọng tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển. Phó Thủ tướng cho rằng, các hiệp định trên mở ra một con đường, thậm chí là một "đại lộ" rất thênh thang cho Việt Nam, nhưng vấn đề là cỗ xe kinh tế Việt Nam chuẩn bị như thế nào để đi trên con đường này đảm bảo an toàn và tới đích, đây mới là quan trọng. “Cơ hội vẫn đang nằm trên các văn bản hiệp định, còn rủi ro, thách thức có vẻ đã hiện hữu, đòi hỏi Việt Nam chuẩn bị với tâm thế vững chắc mới có thể hội nhập thành công”, Phó Thủ tướng nói.

 

Trong nhiều năm qua, Việt Nam thúc đẩy việc đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm cả những FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA).  EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Để tận dụng được cơ hội và vượt lên những thách thức trong cạnh tranh quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã chủ động và quyết tâm hành động nhằm tạo ra những sức bật mới cho nền kinh tế. Một trong những việc đó là cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

 

Các hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới có những đặc điểm riêng khác với các FTA mà Việt Nam đã và đang thực hiện, bao gồm mức độ tự do hóa rất sâu. Xóa bỏ phần  lớn các dòng thuế, mở cửa mạnh các ngành dịch vụ; phạm vi cam kết rộng về nhiều lĩnh vực như doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm Chính phủ, lao động- công đoàn, môi trường… ; có nhiều cam kết ảnh hưởng trực tiếp đến thể chế, chính sách pháp luật nội địa…

 

Từ những đặc điểm đó cho thấy các FTA thế hệ mới với mục tiêu xóa bỏ phần lớn thuế quan cho hàng hóa giữa Việt Nam và các nước đối tác, trong đó có những đối tác đặc biệt lớn như Hoa Kỳ hay EU, sẽ là con đường không thể tốt hơn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng sức cạnh tranh về giá khi tiếp cận thị trường các nước đối tác TPP.

 

Tuy vậy, thách thức cũng nằm trước hết ở chính lợi thế thuế quan này. Trong bối cảnh công nghiệp hỗ trợ của chúng ta chưa phát triển, thì đây  là một đòi hỏi không dễ dàng đối với doanh nghiệp Việt Nam. Hơn nữa, thuế quan giảm, nhưng các hàng rào kỹ thuật và hệ thống vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS) khắt khe…có thể là những rào cản khiến hàng hóa Việt Nam thậm chí là không có đường vào thị trường các nước đối tác FTA. FTA môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn, với hàng hóa và dịch vụ giá rẻ hơn chất lượng tốt hơn cho người tiêu dùng… Nhưng Việt Nam sẽ phải cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ của mình rộng hơn, chính là áp lực cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ, dịch vụ chất lượng tốt từ các nước TPP trên chính thị trường nội địa…

 

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang đứng trước vận hội lớn là khai thác tối đa lợi ích do các hiệp định thương mại tự do này mang lại,  dự kiến TPP có thể góp phần làm cho thu nhập của Việt Nam gia tăng thêm 8% vào năm 2035 và EVFTA có thể đóng góp thêm 4% nữa. Tuy nhiên, một số thách thức đang đặt ra là nếu không thực hiện cam kết một cách thận trọng thì các lợi ích sẽ bị bỏ lỡ.

 

Vấn đề cốt lõi trong khai thác hiệp định thương mại là khâu thực hiện. Trong bối cảnh một nền kinh tế quá độ như Việt Nam thì giữa cam kết quốc tế và luật pháp trong nước vẫn còn những khoảng cách lớn, và đây chính là một thách thức đặc biệt, Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nền kinh tế có thể tận dụng tốt các cơ hội, chuẩn bị tâm thế vững chắc để hội nhập thành công.

 

Hữu Văn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ