A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tranh chấp trên biển Đông đốt nóng Đối thoại Shangri-La 2016

 

Tuần qua, Đối thoại Shangri-La năm 2016 là sự kiện chính trị, thời sự quốc tế nổi bật thu hút sự quan tâm của giới chính trị và dư luận khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới. Đối thoại Shangri-La khai mạc tại Singapore quy tụ hàng trăm các quan chức quốc phòng, tướng lĩnh quân sự của hơn 30 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương; đồng thời thu hút sự quan tâm tham dự của các nhà lập pháp, chuyên gia nghiên cứu, giới báo chí, doanh nghiệp toàn cầu. Tham dự Diễn đàn Shangri-La 2016 có sự hiện diện của Thủ tướng Thái Lan P.Chan-o-cha, Bộ trưởng Quốc phòng các nước: Mỹ, Hàn Quốc, Pháp, Ấn Độ, New Zealand; Thứ trưởng Quốc phòng Liên bang Nga… Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng-Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Đối thoại bàn về các vấn đề an ninh khu vực.

 

 

Trung Quốc bồi đắp trái phép trên biển Đông.

 

Đối thoại Shangri-La lần đầu được tổ chức năm 2002 do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại London, Anh và Chính phủ Singapore đồng đăng cai, vốn tiền thân là Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (IISS). Đối thoại Shangri-La tổ chức thường niên, thu hút sự quan tâm lớn của các giới chức bởi là nơi quy tụ đại diện quân sự những quốc gia khu vực và những quốc gia quân sự mạnh nhất thế giới, tập trung thảo luận các vấn đề quân sự quan trọng, cấp bách cũng như các vấn đề an ninh khu vực. Nơi đây cũng tạo cơ hội tổ chức các cuộc gặp gỡ song phương bên lề hội nghị giữa Bộ trưởng Quốc phòng và tướng lĩnh các nước.

 

Qua 3 ngày hội nghị, Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 năm nay tập trung bàn thảo về cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, an ninh mạng, người di cư, chống khủng bố, hoạt động chạy đua quân sự. Thủ tướng Thái Lan P.Chan-o-cha được chọn mời phát biểu mở màn trong bữa tiệc chào mừng. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng, Trưởng đoàn các nước có nhiều cuộc gặp gỡ song phương đan xen.

 

Hội nghị họp phiên toàn thể bàn thảo về các chủ đề: “Những thách thức an ninh phức tạp của châu Á”, “Kiểm soát các cuộc chạy đua quân sự tại châu Á”, “Hoạch định chính sách quốc phòng trong thời kỳ bất ổn”. Tiếp đó là trao đổi về các chủ đề: “Kiềm chế mối đe dọa từ Triều Tiên”, “Phát triển năng lực quân sự- các công nghệ mới, ngân sách hạn chế và sự lựa chọn khó khăn”, “Các thách thức về an ninh do hoạt động di cư bất thường”, “Kiểm soát căng thẳng trên biển Đông”, “Tăng cường hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố thánh chiến tại châu Á”, “Nhận diện những mối quan tâm chung về an ninh trong không gian mạng”, “Những thách thức trong việc tìm giải pháp cho xung đột”, “Theo đuổi các mục tiêu an ninh chung”. Tại phiên họp toàn thể cũng như bên lề hội nghị, chủ đề về kiểm soát căng thẳng trên biển Đông, tranh chấp lãnh thổ khu vực biển đảo, tự do hàng hải, hàng không trên biển Đông, chống cướp biển, chủ quyền và phối hợp khai thác tài nguyên biển được các đại biểu tham gia sôi nổi, là vấn đề được quan chức các nước đặc biệt quan tâm.

 

Trong phát biểu khai mạc, Thủ tướng Thái Lan P.Chan-o-cha hối thúc các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông hãy nhìn rộng ra ngoài các tranh chấp biên giới và tìm cách thức hợp tác để giảm căng thẳng khu vực thay vì đối đầu. “Tất cả các quốc gia có tuyên bố chủ quyền nên tham gia vào các hành động chung, mang tính xây dựng giữa các tuyên bố chủ quyền không trở thành rào cản”- Thủ tướng P.Chan-o-cha nhấn mạnh, và kêu gọi, các quốc gia ASEAN cần đoàn kết để giải quyết vấn đề tranh chấp biển Đông vì điều đó có lợi cho tất cả các bên. Ông P.Chan-o-cha nhắc tới tầm quan trọng  của việc tuân thủ Tuyên bố ứng xử giữa các bên trên biển Đông (DOC) sẽ tạo điều kiện thúc đẩy thuận lợi cho việc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Tầm quan trọng của ASEAN trong việc xây dựng một sự cân bằng mới trong khu vực, cũng như giá trị của các thỏa thuận thương mại tự do như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). “Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản vẫn đóng vai trò quan trọng nhưng Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc và ASEAN cũng trở nên quan trọng hơn”- Vị Thủ tướng Thái Lan khẳng định.

 

Trong chương trình thảo luận chính thức Đối thoại Shangri-La về chủ đề “Những thách thức trong giải quyết xung đột”, các đại biểu quân sự, học giả và báo giới đặc biệt quan tâm phát biểu của các diễn giả: Bộ trưởng Quốc phòng Pháp J.Drian, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam- Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Phó Tổng Tham mưu trưởng PLA Trung Quốc- Đô đốc Tôn Kiến Quốc.

 

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu nêu rõ: Tình hình an ninh khu vực đang tiềm ẩn những phức tạp, không thể xem thường, dù chưa đến mức bùng phát xung đột nhưng đã xuất hiện nhiều dấu hiệu tiềm tàng cần được dự báo, ngăn chặn và hóa giải kịp thời. Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, những nguy cơ này có nguyên nhân do những khác biệt về lợi ích, những tham vọng, cạnh tranh chiến lược diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, bất chấp luật pháp quốc tế.

 

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh kêu gọi, tất cả các quốc gia cần phải “hợp tác và đấu tranh để giải quyết bất đồng, ngăn ngừa xung đột”, tăng cường hợp tác cùng phát triển, xây dựng lòng tin, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau. Đồng thời, tăng cường hợp tác trong các tổ chức đa phương như các cơ chế hợp tác Liên hợp quốc, những cấu trúc an ninh khu vực như ARF, EAS, ADMM, ADMM+… để giải quyết các tranh chấp, bất đồng, đẩy lùi nguy cơ xung đột. Việt Nam và một số nước ASEAN có tuyên bố về chủ quyền còn tồn tại những tranh chấp và khác biệt với Trung Quốc trên biển Đông. “Việt Nam chủ trương kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ an ninh, an toàn hàng hải, hàng không bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế”- Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định. Tại Đối thoại, Đoàn Việt Nam đã gặp gỡ song phương với quan chức các đoàn: Mỹ, Singapore, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, EU…

 

Trong tham luận của mình, Đô đốc Tôn Kiến Quốc cho biết, Trung Quốc đang tìm kiếm sự hiểu biết và nhượng bộ lẫn nhau trong tranh chấp với các nước, bao gồm tranh chấp biển Đông. Ông Tôn Kiến Quốc cho rằng, những năm qua, tình hình biển Đông tương đối ổn định và chỉ nóng lên khi Mỹ can dự sâu vào khu vực này. “Trong giải quyết các điểm nóng tại khu vực, các bên phải hết sức bình tĩnh, gìn giữ hòa bình, hòa hợp, lòng tin, giải quyết hoàn toàn bằng biện pháp chính trị” (?)- Đô đốc Tôn Kiến Quốc nhấn mạnh. Ông Tôn tỏ ra nhún nhường khi họp báo, tránh căng thẳng với các đại biểu khi bàn về biển Đông.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp J.Drian cho rằng, điều quan trọng nhất trong giải quyết tranh chấp biển Đông là cần phải nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 cần áp dụng ở tất cả các nơi trên thế giới; đồng thời phải sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC). Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ A.Carter tuyên bố: Mỹ không định gây Chiến tranh Lạnh với Trung Quốc trong tranh chấp ở biển Đông và cảnh báo, Bắc Kinh gây bất ổn khu vực nếu lập ADIZ trên vùng biển này.

 

Hà Ngọc

 

 

                                               


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ