A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trò chuyện cùng tác giả bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển”

 

QPTĐ-Trong chuyến công tác tại huyện đảo Trường Sa cuối tháng 4 đầu tháng 5 vừa qua, tôi được đồng hành cùng nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, tác giả của bài thơ nổi tiếng “Tổ quốc nhìn từ biển” mà nhiều độc  giả yêu mến từ lâu. Càng xúc động hơn khi ở đảo Trường Sa Lớn, tôi được nghe ông đọc bài thơ này tặng quân và dân trên đảo. Ngôn từ bài thơ giản dị mà sâu lắng, cộng với những rung động từ chính tác giả đã gợi nhiều suy nghĩ và tạo đồng cảm mạnh mẽ cho cả chủ và khách trong đêm giao lưu.

 

 

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến chụp ảnh lưu niệm cùng chiến sĩ đảo Tốc Tan A.

 

Tâm sự về hoàn cảnh ra đời của bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển”, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho biết, bài thơ được viết trong dịp ông đi dự trại sáng tác do Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Quân chủng Hải quân tổ chức vào tháng 4-2009. Nghĩa là bài thơ được viết trước khi xảy ra sự cố Trung Quốc gây hấn ở trên biển Đông vào tháng 5/2011 (Tàu Hải Giám của Trung Quốc cắt cáp tàu Bình  Minh 02). Với trực quan của một nhà thơ, những giả thiết, giả định về tình hình biển đảo của đất nước đã được đặt ra. Ông kể: “Khổ đầu của bài thơ khi tôi đặt bút viết nguyên văn như sau: "Nếu Tổ quốc bị xâm lăng từ biển/ Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa/Ngàn năm trước con theo cha xuống biển/ Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa". Nhưng sau khi cân nhắc, đắn đo nhiều lần, tôi bỏ 3 chữ "bị xâm lăng" ở câu thơ đầu, thay bằng 3 chữ "đang bão giông", và giữ nguyên như vậy đến khi công bố”.

 

Trong bài thơ, Nguyễn Việt Chiến đã chọn điểm nhìn “từ biển” để đưa ra những giả định: “Nếu Tổ quốc…”. Sau mỗi giả định, ông gợi mở cho người đọc  rất nhiều suy ngẫm về vấn đề chủ quyền của đất nước. Đặc biệt, có những câu như xoáy vào lịch sử, cả ngày qua và hôm nay: “Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển/ Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng/ Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/ Trong hồn người có ngọn sóng nào không?”. Nhiều người cho rằng, đó là những câu thơ hay nhất trong bài thơ.

 

Cái chất bi hùng khiến đọc lên ai cũng thấy cay cay nơi sống mũi. Đó là những câu hỏi lớn về trách nhiệm của chúng ta, của con Lạc cháu Hồng khi đất nước lâm nguy. Tác giả cho biết thêm: “Khổ thơ này so với bản thảo cũng có sự thay đổi. Dòng thứ ba trước đây tôi viết: “Sóng xâm lấn đè lên thềm lục địa”, sau khi đọc lại và cân nhắc kỹ, tôi quyết định thay 2 chữ "xâm lấn" bằng "lớp lớp", vừa gợi hơn, vừa đảm bảo luật hòa âm. Nói như thế để thấy rằng, với bài thơ, tôi đã cân nhắc, tính toán, sửa đi sửa lại từng câu, từng chữ một trước khi in trên báo”.

 

Khi bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” được công bố trên báo chí đã gây được sức cộng hưởng và sự lan tỏa nhanh chóng, rộng rãi trong cộng đồng những người Việt Nam yêu nước ở cả trong nước và nước ngoài, nhiều độc giả đề nghị đưa bài thơ này vào sách giáo khoa phổ thông. Nhiều nhạc sĩ đã nhanh chóng phổ nhạc bài thơ này.

 

Một trong số đó là nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp. Bài hát “Tổ Quốc nhìn từ biển” của chị ra mắt đúng thời điểm ở biển Đông đang căng thẳng, được thính giả đón nhận nồng nhiệt; đồng thời cũng khơi dậy và cổ vũ mạnh mẽ lòng yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam. Trao đổi với phóng viên chị chia sẻ: “Khi đọc bài thơ Tổ Quốc nhìn từ biển từ một đường link trên internet, trong tôi đã dâng trào một cảm xúc rất mạnh mẽ. Đó là tình yêu thiết tha với dải đất hình chữ S của mình với bao hiểm họa rình rập, lòng tự hào về truyền thống đánh giặc ngoại xâm từ ngàn đời nay của cha anh. Sau 2 ngày nghiền ngẫm bài thơ và trong khoảng 3 giờ tôi đã  hoàn thành bài hát với câu mở như một lời hiệu triệu "Tổ quốc đang bão giông từ biển".   

 

Đến năm 2015, tên bài thơ đã được lấy để đặt tên cho tập thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của tác giả Nguyễn Việt Chiến. Các độc giả yêu thơ có thể thấy trong tập thơ này, nhiều bài thơ ông viết về đề tài biển đảo và đề tài chiến tranh giữ nước với giọng thơ tráng ca - sử thi. Tập trường ca “Tổ quốc nhìn từ biển” gồm 10 chương và hơn 1000 câu thơ của ông được trao tặng giải thưởng Văn học - Nghệ thuật 5 năm 2010-2015 của Bộ Quốc phòng. Ông tâm sự: “Đất nước, quê hương và con người Việt Nam là mối quan tâm trong những sáng tác thi ca của  tôi từ khi cầm bút cách đây gần 40 năm. Và tôi nghĩ, nhà thơ không có hạnh phúc nào lớn hơn khi cảm hứng của mình hòa chung với nhịp đập của triệu triệu con tim, khơi dậy được tình yêu đất nước của cả dân tộc, nhất là khi Tổ quốc gặp nguy nan”.

 

Hữu Thu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ