A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tính toán của Nga, Mỹ-Hồi kết cuộc chiến ở Syria?

 

Tuần qua, quân đội Chính phủ Syria được Lực lượng không quân Nga hậu thuẫn đã bước đầu giành những thắng lợi to lớn trong chiến dịch giải phóng tỉnh Raqqa-“Thủ đô lâm thời”, thành trì cố thủ của phiến quân Hồi giáo IS. Cùng thời gian này, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được Mỹ hậu thuẫn, đẩy mạnh tấn công thành phố Manbij, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm được một số vị trí quan trọng khu vực ngoại ô phía Bắc thành thố Raqqa. Cả Nga và Mỹ đang hỗ trợ hỏa lực tối đa cho lực lượng bộ binh mặt đất tham chiến, như chứng tỏ quyết tâm phải giành thắng lợi- “cắm cờ” ở Raqqa? Phải chăng “Thủ đô lâm thời” của IS ở Raqqa là điểm hẹn để Nga, Mỹ kết thúc cuộc chiến chống khủng bố, tìm kiếm giải pháp hòa bình ở Syria?

 

 

Cái kết nào cho cuộc chiến ở Syria. (Ảnh Internet)

 

Sau hơn 5 tháng Lực lượng Không quân-Vũ trụ Nga tham gia không kích quân khủng bố ở Syria (từ 30-9-2015), quân đội Syria đã dần lấy lại thế chủ động, chiếm lại nhiều vùng đất đai rộng lớn. Chính phủ của Tổng thống Syria B.al-Assad đẩy phiến quân IS và quân nổi dậy ra xa Thủ đô Damass, thu hồi lại lãnh địa ở các tỉnh, thành phố: Homs, Hama, Latakia, Idlib. Nghi binh đánh chiếm Aleppo nhưng Nga và liên quân lại tập trung lực lượng mạnh giải phóng thành phố cổ Palmyra, bao vây Deir ez-Zor, khiến quân khủng bố chiếm đóng thành phố Aleppo như kiến nằm trên chảo lửa!

 

Alepo là thành phố lớn nhất Syria, trước đó đã bị chia cắt thành các khu vực do phe nổi dậy, phiến quân và quân Chính phủ kiểm soát. Đây là địa bàn chiến lược, đông dân, có tiềm lực về kinh tế, quốc phòng. Giao tranh ở Aleppo trong mấy tuần qua diễn ra khá ác liệt giữa quân đội Chính phủ, các tổ chức quân nổi dậy và phiến quân Hồi giáo IS. Phiến quân IS tập trung thêm hơn 2.000 tay súng về phía Bắc thành phố, chia cắt tuyến đường chính nối Marea và Azaz là 2 thành trì chính của lực lượng nổi dậy trong tỉnh này. Phiến quân dùng dân chúng làm bia sống đỡ đạn trong các vụ giao tranh.

 

Mỹ và liên quân Arab, phương Tây gia tăng hỗ trợ không kích, vũ khí, đạn dược, hậu cần, kể cả vũ khí chống tăng cho các phe phái nổi dậy trong đó có lực lượng người Kurd ở Marea. Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã đưa hàng trăm chiến binh đến tham chiến tại Aleppo, Raqqa, thị trấn Azaz, Marea, tỉnh al-Shahba. Không quân Nga và Syria triển khai trên dưới 50 vụ không kích/ngày, dội bão lửa vào phiến quân khủng bố cố thủ ở Aleppo, gây cho đối phương nhiều thiệt hại về người và trang bị vũ khí. Aleppo là địa bàn chiến lược quan trọng nên các bên cố gắng giành giật địa bàn từ tay đối thủ.

 

Nga và Mỹ đạt được thỏa thuận làm trung gian thỏa thuận ngừng bắn và tiến hành hòa giải chính trị ở Syria dưới sự bảo trợ của Liên hợp  quốc. Sự can thiệp của Nga vào xung đột ở Syria tiêu tốn ngân sách hàng tỷ USD trong khi kinh tế Nga đang gặp khó khăn nên Điện Kremlin cũng có ít sự lựa chọn. Tuy nhiên, để bảo vệ chính quyền của Tổng thống B.al-Assad, Nga không dễ dàng để cho quân khủng bố chiếm đóng Aleppo, Raqqa, nếu không muốn nói, hai thành phố này là con “Át chủ bài” để ông B.al-Assad thương thảo vị thế chính trị trong tương lai. Nga để ngỏ khả năng triển khai lực lượng đặc nhiệm chiến đấu trên mặt đất tới Syria để giúp Chính phủ của ông B.al-Assad kiểm soát ít nhất 70% lãnh thổ trong nước-Một quan chức cao cấp Nga khẳng định.

 

Từ đầu tuần qua, được lực lượng không quân hỗ trợ mạnh mẽ, quân đội Chính phủ Syria đã tiến vào phía Bắc tỉnh Raqqa, triển khai tấn công sang Hồ Assad và tuyến đường chính nối Raqqa với Aleppo. Quân Chính phủ hy vọng sẽ làm chủ Raqqa có vị trí chiến lược, đẩy phiến quân IS ra khỏi thành trì của chúng, tạo lợi thế đàm phán hòa bình với các phe phái; đồng nghĩa với sẽ tiếp nhận quản lý khu công nghiệp có những mỏ dầu khổng lồ phía Đông đất nước.

 

Cùng đó, Lực lượng đối lập Dân chủ (SDF) được Mỹ hậu thuẫn, có máy bay liên quân yểm trợ tấn công đồn lũy của IS ở thị trấn Manbij-thành trì của chúng ở miền Bắc Syria. Đây là tuyến đường huyết mạch quan trọng nối tỉnh Raqqa với Thổ Nhĩ Kỳ mà các tay súng nước ngoài đi lại, vận chuyển vũ khí và buôn lậu. Lực lượng người Kurd được Mỹ và phương Tây hậu thuẫn đã giành quyền kiểm soát ở một số nơi như al-Rus, al-Heizah, al-Mashi, al-Gharra. Ông G.Hassou, đại diện Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD, PDS) cho rằng, Raqqa được giải phóng khỏi IS, nơi đây sẽ trở thành một phần của hệ thống Dân chủ Liên bang Rojava-miền Bắc Syria.

 

Trên thực tế, Lực lượng người Kurd đang làm chủ một vùng đất đai rộng lớn biên giới Thổ nối thành một dải. Giới quan sát chính trị cho rằng, sau khi Syria được giải phóng khỏi sự kiểm soát của khủng bố, người Kurd sẽ tìm cách thỏa thuận với Damass để đạt đến một thỏa hiệp chính trị. Đây cũng là sự tiến bộ trong quan hệ nội tại phe phái ở Syria trong khi Mỹ thẳng thừng từ chối hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria theo đề nghị của Bộ Quốc phòng Nga dịp đầu tháng 6-2016.

 

Mỹ không chỉ sử dụng các sân bay trên đất Thổ, Bahrain, Arab và tàu sân bay đóng ở Vùng Vịnh, lần đầu tiên trong 2 năm qua, máy bay tiêm kích Mỹ xuất phát từ tàu sân bay USS Harry Truman ở Địa Trung Hải tấn công IS ở Aleppo, Raqqa. Mỹ hậu thuẫn cho các lực lượng nổi dậy hòng lật đổ chính quyền của Tổng thống B.al-Assad. Mỹ và Thổ bất đồng, khi Mỹ hậu thuẫn Lực lượng người Kurd ở Syria trong khi Thổ coi họ là khủng bố. Tình báo Nga và Dân quân người Kurd thường xuyên cảnh báo, Thổ tiếp tay cho IS buôn lậu vũ khí, dầu mỏ và đưa các phần tử thánh chiến vượt biên giới Thổ vào Syria.

 

Một câu hỏi được đặt ra, bao giờ phiến quân Hồi giáo IS bị đánh bại? Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nhận định, mối đe dọa toàn cầu từ IS vẫn cao và tiếp tục phức tạp, bất chấp sự bành trướng lãnh thổ của chúng đã bị ngăn chặn hoặc thậm chí bị đảo ngược ở Iraq và Syria. Hiện, IS đang bước vào giai đoạn hoạt động mới với việc ngày càng chú trọng tấn công các mục tiêu dân sự quốc tế. 

 

Đất nước Syria bước sang năm thứ 6 xung đột và chiến tranh, cướp đi sinh mạng hơn 280 ngàn người, hơn một nửa dân số (khoảng 11,5 triệu người) phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn. LHQ dự báo, có 4,6 triệu người dân Syria đang sống trong khu vực khó tiếp cận hàng cứu trợ và hơn 590 ngàn người khác phải sống trong cảnh bị cô lập. Đất nước Syria đang mong chờ cứu trợ nhân đạo quốc tế. Người dân Syria hy vọng, căng thẳng Nga-Mỹ có hồi kết ở Raqqa, sớm đem lại hòa bình cho quốc gia Trung Đông bất ổn nhất thế giới này.

 

Nhật Minh

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ