A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gian nan cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông

 

Vài thập kỷ nay, khu vực Trung Đông chưa bao giờ im tiếng súng. Xung đột biên giới, tranh chấp lãnh thổ, chiến tranh giáo phái và khủng bố đốt nóng lãnh thổ các quốc gia Trung Đông lan sang cả Bắc Phi. Hai chục năm gần đây, lực lượng khủng bố Al-Qaeda lớn mạnh, đe dọa an ninh khu vực và quốc tế, cùng với cuộc chiến do Mỹ và liên quân phát động ở Iraq, “thổi lửa đốt nóng” Syria, can thiệp vào Libya và sự ra đời của Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng đẩy các quốc gia Trung Đông lâm cảnh xung đột giáo phái “nồi da nấu thịt”! Cuộc chiến chống khủng bố của Nga, Mỹ, liên quân tham gia và xung đột phe phái những người Hồi giáo đã mang sắc thái mới, ảnh hưởng sâu rộng toàn cầu!

 

 

Khủng bố quốc tế IS. (Ảnh Internet)

 

Hai năm qua, từ năm 2014 Nhà nước Hồi giáo IS ra đời ở Iraq, là phân nhánh của tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qadea đã sớm chiếm đóng một phần lãnh thổ rộng lớn, và họ lớn mạnh nhanh chóng với hàng chục ngàn tay súng chiến binh, có nguồn tài chính dồi dào. Khoảng một năm sau đó, phiến quân IS đã tràn ngập 40% lãnh thổ Iraq, 50% lãnh thổ Syria, chiếm đóng một vùng đất đai rộng lớn suốt một dải cao nguyên, sa mạc Libya, phát triển lực lượng và xây dựng căn cứ ở Afghanistan, Ai Cập, Yemen.

 

Các nhóm khủng bố ở hàng chục các quốc gia khác khiếp đảm trước sức mạnh hủy diệt và sự tàn bạo của phiến quân hoặc bị thâu tóm, sẵn sàng tuyên thệ trung thành với Hồi giáo IS! Các chuyên gia cảnh báo, thế giới sẽ rơi vào thảm họa diệt chủng trước sự bành trướng của phiến quân IS; có người còn dự báo dễ xảy ra Thế chiến III khi quân Hồi giáo IS có trong tay vũ khí hóa học, sinh học, vũ khí hạt nhân tấn công các châu lục?! 

 

Hai năm qua, Mỹ đứng đầu liên minh hơn 60 nước sử dụng căn cứ quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Arab không kích phiến quân IS ở Iraq. Với lực lượng không quân đến 200 chiến đấu cơ, mạng lưới trinh sát điện tử, sử dụng kỹ thuật hiện đại, hậu cần hùng hậu, thế giới hy vọng chỉ một sớm một chiều, bất quá là một năm, Nhà nước Hồi giáo tự xưng sẽ chỉ là một bóng ma nơi âm phủ? Nhưng thực tế lại không hoàn toàn như vậy! Các chiến binh IS làm mưa, làm gió ở Iraq, có lúc đã tiến sát đến vùng ven thủ đô, đặt Baghdad trong tầm pháo kích. Các tay súng phiến quân IS đến từ hơn 80 nước, được huấn luyện kỹ càng, hưởng lương hậu hĩnh, có lúc lên đến hàng trăm ngàn (Mỹ dự báo 200 ngàn tay súng), thề tử vì đạo, gây ra biết bao thảm họa cho dân chúng. Mỹ và liên quân tiêu diệt 5.000 phiến quân ở Syria, trong khi phải chi cho cuộc chiến tốn kém này ở Iraq, Syria hơn 11 triệu USD/ngày. Hiện, IS vẫn kiểm soát 14% đất đai Iraq.

 

Sau cuộc biểu tình chống Chính phủ bùng phát tại Syria (3-2011), đất nước này rơi vào nội chiến. Xung đột của hàng trăm phe phái quân nổi dậy chống chính phủ của Tổng thống B.al-Assad là cơ hội để Hồi giáo IS tràn ngập Syria. Giữa năm 2015, chính quyền do ông B.al-Assad chỉ quản lý 25% đất đai, còn lại do IS và phe nổi dậy chiếm giữ. Đất nước Syria phải hứng chịu thiệt hại thảm khốc về kinh tế, lạm phát gia tăng, đồng tiền mất giá, sản lượng dầu mỏ giảm mạnh. Thủ đô Damass bị đe dọa tấn công.

 

Chính phủ B.al-Assad đứng bên bờ vực bị lật đổ. Xung đột cướp đi sinh mạng hơn 270 ngàn người (có số liệu ước gần 300 ngàn), hàng triệu người mất nhà cửa, hơn 4,6 triệu người di cư tự do, sống lưu vong ở nước khác. Nhằm giúp sức chống khủng bố, ngày 30-9-2015, Nga đưa lực lượng đến Syria tham gia không kích theo đề nghị của Chính phủ Syria.

 

Sau 5 tháng rưỡi tham chiến cùng quân đội Syria (đến 15-3-2016), lực lượng không quân Nga đã thực hiện hơn 9.000 vụ không kích, sử dụng vũ khí công nghệ cao tấn công mục tiêu của các nhóm khủng bố; phá hủy gần như toàn bộ cơ sở hạ tầng và cắt đứt hầu hết các tuyến đường vận chuyển dầu mỏ, đạn dược của chúng; phá hủy 209 cơ sở khai thác và vận chuyển dầu mỏ của nhóm Hồi giáo cực đoan; phá hủy hơn 2.000 phương tiện vận chuyển dầu mỏ; tiêu diệt 28.000 phần tử khủng bố IS và Mặt trận Al-Nusra (tương đương 35% quân số 80.000 tay súng của tổ chức này ở Syria); diệt 2.000 tên khủng bố có nguồn gốc từ Nga, trong đó có 17 tên chỉ huy.

 

Nga hỗ trợ Quân đội Syria giải phóng 400 cụm dân cư và hơn 10.000 km2 lãnh thổ khỏi tay phiến quân thuộc các tỉnh, TP Homs, Hama, Palmyra, Lattakia, Aleppo, Raqqa. Mặc dù kinh tế rất khó khăn do cấm vận và dầu mỏ sụt giá, Nga vẫn chi cho cuộc chiến này khoảng 3-4 triệu USD/ngày(?). Dư luận đánh giá, tác chiến của Nga đạt hiệu suất tối đa, đặc biệt là sử dụng vũ khí mới công nghệ cao, đẩy các tổ chức khủng bố vào tình trạng nguy kịch, có nguy cơ diệt vong! Phương Tây bình luận, chỉ sau 1 tháng rưỡi Nga không kích phiến quân IS ở Syria bằng nỗ lực của Mỹ và liên quân hơn 1 năm rưỡi căng sức chống tổ chức này? Nói vậy, không có nghĩa dư luận coi thường sức mạnh của Mỹ nhưng “Chú Sam” có tính toán riêng. Washington vừa muốn kìm chế sức mạnh của chiến binh IS, vừa lợi dụng IS hòng lật đổ chính quyền của Tổng thống Syria B.al-Assad, thân Nga?

 

Sức mạnh và hiệu quả của Nga trong cuộc chiến chống khủng bố, ủng hộ Chính phủ của Tổng thống B.al-Assad thành công, không chỉ nâng cao vị thế của Điện Kremlin ở khu vực Trung Đông mà một số nước châu Âu, Vùng Vịnh, Arab ngỏ ý muốn hợp tác với Nga chống khủng bố. Chính phủ Iraq, Libya mời Nga đưa lực lượng Không quân-Vũ trụ vào nước mình hợp tác chống khủng bố!

 

Từ chỗ đang bị cô lập sau sự kiện Crimea, khủng hoảng Donbass, Nga có tăng uy lực quyết định số phận cuộc chiến chống khủng bố ở Syria và Trung Đông. Dưới sự bảo trợ của Hội đồng Bảo an Liên hợp  quốc, rất khó khăn Nga-Mỹ mới hiếm hoi đạt được thỏa thuận hòa bình ở Syria về ngừng bắn, thực thi tiến trình hòa bình, bầu cử tự do dân chủ. Mâu mắc chủ yếu vẫn là quan điểm của Mỹ: Ông B.al-Asaad phải ra đi, trong khi Nga cho rằng, số phận của Tổng thống B.al-Assad do nhân dân Syria quyết định thông qua bầu cử!

 

Tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nga S.Shoigu đưa đề nghị, phối hợp với Mỹ bắt đầu từ 25-5 lên kế hoạch tiến hành không kích chống lại khủng bố Hồi giáo IS và Mặt trận Al-Nusra cũng như ngăn chặn vũ khí và các tay súng qua lại biên giới giữa Syria và Thổ. Nhưng Mỹ đã thẳng thừng từ chối. “Ngày mục tiêu cho quá trình chuyển tiếp là 1-8-2016. Nếu ông Assad không tuân thủ điều kiện này, chắc chắn sẽ có những hệ quả không như mong muốn”- Ngoại trưởng Mỹ J.Kerry khẳng định. Mỹ đang gửi đi thông điệp “sẽ có kế hoạch B” ở Syria, để lực lượng nổi dậy đủ sức chống lại Nga và quân Chính phủ! Trong khi Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố, sẽ tiếp tục hỗ trợ Syria trong cuộc chiến chống khủng bố! Đồng thời, Nga để ngỏ khả năng nối lại quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ; không muốn châu Âu theo sự điều khiển của Mỹ kéo dài cấm vận Nga.

 

Trong những ngày này, cuộc tấn công thành trì của phiến quân IS diễn ra ác liệt ở Aleppo và Raqqa. Nga hỗ trợ không kích giúp Quân đội Syria, Hezbola-Liban chiếm các vị trí chiến lược. Mỹ sử dụng lực lượng đặc nhiệm, điều hành người Kurd-PYD, NDF giành đất đai, lập căn cứ. Quân đội Iraq chiếm lại Falluja- một trong hai thành phố cuối cùng của IS. Xem ra quân khủng bố vẫn còn đất sống khi các ông lớn: Nga, Mỹ có quyền lợi rất khác nhau!

 

Minh Ngọc

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ