A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trung Quốc tăng cường đầu tư vào khu vực Trung Đông

 

QPTĐ- Trung Quốc vừa kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt 4 ngày (từ ngày 30-11 đến 3-12) với sự tham gia của các đảng phái chính trị hơn 100 nước trên toàn thế giới do Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức. Dường như ý nghĩa chính trị của sự kiện này không được đề cao như các cuộc gặp mặt các tổ chức đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động mà Trung Quốc, Liên Xô đã nhiều năm đăng cai tổ chức, thay vào đó là thắng lợi trên mặt trận kinh tế-ngoại giao mà Chính phủ Bắc Kinh đã xác lập trong những năm qua được Đại hội XIX, Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa tổng kết. Dư luận tập trung sự chú ý vào chính sách hợp tác đầu tư của Trung Quốc với Sáng kiến “Một Vành đai-Một Con đường” do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng, trong đó có khu vực nóng bỏng và nhạy cảm: Trung Đông? 

 

 

UAE là một trong các trọng điểm đầu tư của Trung Quốc ở Trung Đông. 


Cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng ở Iraq, Syria đã đến hồi kết. Thủ tướng Iraq H.Abadi tuyên bố, sẽ quyét sạch tổ chức khủng bố trên lãnh thổ trong năm 2017. Tổng thống Syria B.al-Assad cho hay, Chính phủ đã kiểm soát hơn 80% lãnh thổ, khủng bố IS chỉ còn chiếm khoảng 3-4% đất đai khu vực biên giới với Iraq. Nếu nhìn lại năm 2014-2015, Hồi giáo IS chiếm 50% lãnh thổ Syria và 30% lãnh thổ Iraq thì mới thấy, hiệu quả của cuộc chiến chống khủng bố ở Iraq, Syria và khu vực Trung Đông là rất đáng kể. Sau chiến tranh, vấn đề tái thiết đất nước được đặt ra như một nhu cầu cấp bách ở Syria? 


Dư luận thế giới đang trông chờ một thỏa thuận về hòa bình nhóm họp tại Geneva (Thụy Sĩ), giữa các phe phái ở Syria được Liên hợp quốc bảo trợ nhưng xem ra, phe đối lập-Lực lượng Dân chủ (SDF) do Mỹ hậu thuẫn lại có tiếng nói lạc lõng, “Tổng thống Syria B.al-Assad phải ra đi”, điều mà Chính phủ Syria và Nga không bao giờ chấp nhận. Bên cạnh đó, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ-Lực lượng chống Hồi giáo IS hiệu quả nhất ở Syria đang bảo trợ cho việc lập các vùng ngừng bắn, tập trung vào mục tiêu duy nhất là tiêu diệt khủng bố, đề ra 3 nhiệm vụ chính tại quốc gia này là chống khủng bố, đối thoại và tái thiết đất nước. Đối thoại giữa các phe phái, thành lập Chính phủ liên hợp là lối thoát duy nhất cho vấn đề Syria. 


Tuy nhiên, Nga đang trong tình trạng lực bất đồng tâm. Kinh tế Nga gặp cảnh lao đao sau đòn cấm vận của Mỹ, phương Tây và giá dầu mỏ lao dốc, nên không dễ gì có thể bỏ ra 200 tỷ USD tái thiết Syria-Theo điều tra của Ngân hàng Thế giới (WB). Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Syria B.al-Assad vẫn đang bị Mỹ và phương Tây cấm vận khiến việc tiếp cận các nguồn lực của phương Tây gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc được xem là đối tác có đủ những điều kiện đóng vai trò chính tái thiết Syria sau hậu chiến. Vấn đề là thái độ của Nga ra sao, khi trở thành “vai phụ” sau khi Syria im tiếng súng chống khủng bố? Nhưng thực tế sẽ quyết định tất cả, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người, bởi Trung Quốc đang “mạnh về gạo, bạo về tiền”. Hơn nữa, Nga và Trung Quốc là đồng minh chiến lược nên vai trò của Bắc Kinh có nổi trội ở Trung Đông thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến vị thế của Moskva thời hậu chiến trong khu vực này. 


Từ giữa năm 2017, các chính khách Trung Quốc và Syria đã tìm đến nhau như một nhu cầu tất yếu. Tháng qua, Ngoại trưởng Syria W.Muallem và Cố vấn của Tổng thống Syria B.Shaaban đã đến Bắc Kinh hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, thảo luận, gia nhập Sáng kiến “Một Vành đai-Một Con đường”, tranh thủ nguồn vốn Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Trung Quốc đang điều hành Ngân hàng AIIB với số vốn ban đầu 100 tỷ USD, trong khi lại có sẵn lao động, vật tư, hàng hóa giá rẻ, thứ mà Syria đang thiếu. Trong khi Bắc Kinh đang tiêu thụ nhiên liệu hàng đầu thế giới, khát dầu mỏ-Thứ nguyên liệu mà Damass đang muốn trao đổi. Hai bên thỏa thuận, sẵn sàng hợp tác, kể cả đổi dầu lấy nợ vay ưu đãi và cho phép giao dịch và đầu tư bằng đồng Nhân dân tệ. 


Khởi đầu cho các mối quan hệ kinh tế với Syria, Bắc Kinh hỗ trợ Damass 1.000 tấn gạo cứu trợ, hai nước ký 3 thỏa thuận cung cấp viện trợ nhân đạo trị giá 40 triệu USD. Tại Bắc Kinh đã diễn ra chương trình gặp mặt 1.000 đại diện các công ty Trung Quốc tái thiết Syria do Hiệp hội Trao đổi Trung Quốc-Arab và Đại sứ quán Syria tổ chức. Lập tức, Bắc Kinh lên kế hoạch xây dựng một công viên công nghiệp ở Syria cho 150 doanh nghiệp Trung Quốc đứng chân. Hai nước đã tổ chức Hội chợ Quốc tế tại Damass và Bắc Kinh khá rầm rộ, thu hút đầu tư và tìm thị trường tiêu thụ hàng hóa. 


Hai năm qua, sau khi Iran ký thỏa thuận hạt nhân với Nhóm P5+1 (năm 2015), Trung Quốc nhanh chân đổ hàng tỷ USD vào các dự án tại quốc gia Hồi giáo này từ xây dựng bệnh viện đến làm đường sắt, bến cảng, điện năng. Theo đó, các công ty của Trung Quốc đổ 124 tỷ USD vào xây dựng cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ Sáng kiến “Một Vành đai-Một Con đường”, trong đó Tập đoàn CITIC đầu tư 10 tỷ USD, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc dự chi 15 tỷ USD và được cấp bằng tiền euro hoặc Nhân dân tệ. Mặc dù Italy, Hàn Quốc, Áo sớm đặt chân đến Tehran đầu tư và kinh doanh nhưng giới kinh doanh phương Tây nhận xét, Trung Quốc đang chiếm hơn gấp đôi thị trường thương mại của Iran với EU. 


Trên đà này, sau Iran, Syria đến Libya, Yemen, các nước Trung Đông và châu Phi sẽ là những mảnh đất tiếp theo mà người Trung Quốc tìm đến. Nguồn lực tài chính dồi dào, thiết bị kỹ thuật trung bình tiên tiến, lao động giá rẻ và hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc khá hấp dẫn các nước nghèo và nước đang phát triển. Tuy vậy, thế giới không ngừng cảnh báo những vấn đề về quốc phòng, an ninh khi có các dự án đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc. 


Hà Ngọc


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ