A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiến công thầm lặng của lực lượng trinh sát nhiễu

 

QPTĐ-Nhân kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” (12/1972-12/2017), chúng tôi đã có dịp gặp Trung tướng Phan Thu, Nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Trinh sát nhiễu; nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nghe ông kể về vai trò của người lính trinh sát nhiễu trong kháng chiến chống Mỹ.

 

 

Trung tướng Phan Thu

 

Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc, đế quốc Mỹ sử dụng máy bay B-52 với hệ thống gây nhiễu điện tử rất mạnh. Tất cả các loại ra-đa cảnh giới, cao xạ, tên lửa của ta đều bị nhiễu nặng, rất khó phát hiện máy bay địch. Trước yêu cầu của cuộc chiến đấu, ngày 10/1/1967, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân ký Quyết định thành lập Đội Trinh sát Nhiễu (thuộc Bộ Tham mưu Quân chủng) do đồng chí Phan Thu làm Đội trưởng. Đội Trinh sát Nhiễu ban đầu chỉ có 34 đồng chí là các cán bộ, trắc thủ, thợ sửa chữa ra-đa từ các đơn vị quân chủng điều về, có nhiệm vụ nắm tình hình gây nhiễu của địch, nghiên cứu tìm ra biện pháp chống và phổ biến kinh nghiệm chống nhiễu cho các đơn vị trong toàn Quân chủng.  Ngày 16/01/1970, Đội Trinh sát được phát triển thành Tiểu đoàn Trinh sát Nhiễu, lấy phiên hiệu là Tiểu đoàn 8 (d8), đồng chí Phan Thu khi ấy được bổ nhiệm làm Tiểu đoàn trưởng.


Trung tướng Phan Thu nay đã gần 90 tuổi. Mặc dù tuổi cao nhưng khi chúng tôi hỏi về quá trình nghiên cứu nhiễu của địch, tìm biện pháp đánh B-52, ông vẫn nhớ như in. Ánh mắt “vị tướng già” bừng lên niềm tự hào. Ông kể: “Năm 1971, Tiểu đoàn được Quân chủng Phòng không-không quân bố trí đến các trận địa ra-đa, đài điều khiển tên lửa bám sát chiến đấu để nghiên cứu nhiễu trên màn hiện sóng. Chúng tôi có nhiệm vụ chụp, ghi lại hình ảnh của chúng. Dạng nhiễu có đủ kiểu, loại, với các tên gọi khác nhau. Các trắc thủ thường đặt tên theo hình dáng của chúng: “Nhiễu quét”, “nhiễu giọt mưa”, “nhiễu cỏ may”, “nhiễu xoắn thừng”…

 

Ngoài việc chụp những tấm ảnh chân thực, còn phải nghiên cứu tìm ra bản chất của chúng. Cùng với đó, còn phải phân biệt nhiễu tích cực và ngụy trang, nhiễu ngoài đội hình và trong đội hình. Việc làm rõ các câu hỏi, yêu cầu của trên rất quan trọng vì nó quyết định việc chọn phương pháp bắn, điểm bám sát dải nhiễu để đánh bằng phương pháp “3 điểm”.


Bên cạnh tài liệu phân tích bản chất các dạng trên màn hiện sóng ra-đa tên lửa, Tiểu đoàn còn xây dựng tập ảnh nhiễu trên màn hiện sóng các loại ra-đa:  Cảnh giới, cao xạ, tên lửa. Tập ảnh được sử dụng tại các hội nghị rút kinh nghiệm chiến đấu, đồng thời được in ra nhiều bản gửi đến các đơn vị trong toàn quân chủng làm tài liệu huấn luyện chiến đấu”. 


Trong hồi ký “Bảo vệ bầu trời” do Nhà xuất bản báo Quân đội nhân dân phát hành năm 1982, Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, nguyên Chính ủy Quân chủng Phòng không-Không quân đã viết: “Rõ ràng, dù phương tiện chiến tranh có phát triển hiện đại đến đâu, đôi khi một biện pháp thô sơ cũng góp phần làm nên chiến thắng. Xuất phát từ suy nghĩ như thế, đồng chí Phan Thu đã mạnh dạn đề xuất với Bộ Tư lệnh Quân chủng cho sử dụng loại ra-đa thuộc thế hệ sắp đưa vào bảo tàng, dùng để bắt B-52. Và kết quả thật bất ngờ! Trong chiến dịch 12 ngày đêm, chính loại máy này đã bắt được B-52 dễ dàng hơn các loại máy khác…”.


Vậy Đài ra-đa đó tên gọi là gì? Thưa Anh hùng? Chúng tôi hỏi.


Ông cho biết: “Đài ra đa đó, có tên là ra đa K8-60 trang bị cho pháo phòng không 57mm. Phó Chính ủy Quân chủng Nguyễn Xuân Mậu khi ấy thi vị hóa gọi nó là anh chàng “cổ lỗ sĩ” chứ thực ra nó là loại ra-đa hiện đại thời bấy giờ, nó còn hiện đại hơn cả ra-đa COH-9A vì có thêm tần số làm việc ở dải sóng 3cm. Trong 12 ngày đêm B-52 vào đánh Hà Nội, các ra-đa K8-60 trang bị cho Tiểu đoàn 57 và Tiểu đoàn 79 đã nhiều lần bắt được B-52 và đóng vai trò quan trọng chỉ dẫn chính xác vị trí của chúng cho đài điều khiển tên lửa bắt và đánh B-52…Trong Hội nghị rút kinh nghiệm đánh B-52 đêm Noel 24/12/1972, tại sở Chỉ huy Quân chủng ở trong hầm núi chùa Trầm, đồng chí Lê Văn Tri đã lệnh cho tất cả các ra-đa K8-60 nằm trên địa bàn Hà Nội, từ ngày 25/12/1972 phải mở máy bắt B-52. Nếu phát hiện được thì phải thông báo ngược về sở chỉ huy Trung đoàn, Sư đoàn và Quân chủng”.


Trung tướng Phan Thu sinh năm 1931, tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Năm 1950, ông nhập ngũ và được cử đi học tại Trường Lục quân khóa VI  về Pháo binh ở Trung Quốc. Từ 1954-1967, ông làm Trợ lý ra-đa Phòng huấn luyện, Sư đoàn Phòng không 367. Năm 1967, ông được bổ nhiệm làm Phó phòng Khoa học Quân sự,  rồi Đội trưởng Đội trinh sát Nhiễu kiêm Phó phòng Quân báo. Ngày 25/8/1970, ông được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Khi đó, ông đang là Phó phòng Quân báo, kiêm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Trinh sát Nhiễu…Cuộc trò chuyện với Trung tướng Phan Thu tuy không dài, nhưng chúng tôi được hiểu thêm về những đóng góp "thầm lặng" của lực lượng Trinh sát nhiễu để có được chiến thắng vang dội trên bầu trời Hà Nội cuối năm 1972.


Hữu Thu 
(Ghi theo lời kể của Trung tướng, PGS Phan Thu- Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng)

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ