A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cháy mãi ngọn lửa Quyết tử

 

QPTĐ-Tháng 12, khi phố phường Hà Nội bừng lên sắc cờ đỏ kỷ niệm ngày Toàn quốc Kháng chiến thì bà Vũ Thị Nhâm-một thiếu niên tình nguyện ở lại bảo vệ Thủ đô ngày ấy lại ngập tràn xúc động. Hơn 70 năm sau những ngày “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, ký ức của một thời bom đạn ác liệt nhưng tràn đầy niềm kiêu hãnh lại ùa về...

 

 

 

Thiếu niên quyết tử Vũ Thị Nhâm năm 1950 và bây giờ.

 

Trong căn phòng nhỏ của khu tập thể 34A Trần Phú (phường Điện Biên, quận Ba Đình), những câu chuyện của bà Nhâm làm ấm cả mùa Đông. Đó là những ngày tháng 12-1946, trước ngày toàn quốc kháng chiến, Vũ Thị Nhâm chỉ mới 13 tuổi. Trốn không theo gia đình về Từ Liêm tản cư, Nhâm ở lại Long Biên cùng anh chị. Anh trai của Nhâm là chiến sĩ biệt động nội thành 17 tuổi Vũ Đình Lân. Anh bị Pháp bắt và đem bắn giữa rạp Chuông Vàng. Chị gái và anh rể đều tham gia lực lượng Quyết tử vì Thủ đô. Nhâm theo anh chị giữ thành như một điều đương nhiên. Cũng như những thiếu niên khác, công việc của Nhâm là đưa cơm cho các chiến sĩ giữ chốt, liên lạc, truyền tin, dẫn đường...


“Chúng tôi bé nhỏ, luồn lách qua các lỗ tường, chạy thật nhanh qua các dãy phố. Trên sân gác cao là bọn Việt gian cầm súng nhắm sẵn, nếu không đủ nhanh nhẹn, sẽ bị bắn gục trên phố”-bà Nhâm kể.


 Trong số 175 giao liên, duy nhất Nhâm là con gái. 13 tuổi, coi như chị cả, Nhâm được phân công ở Tiểu đội Trường Ke. Điểm chốt này là cửa ngõ huyết mạch để nhận lệnh chỉ đạo, lương thực, vũ khí chuyển từ ngoại thành vào qua cầu Long Biên. Vũ khí của điểm chốt Trường Ke chỉ vài khẩu súng thô sơ, dăm quả lựu đạn, chai xăng... Do vậy mới có câu ca rằng “Súng là vợ, đạn là con, nhằm thẳng quân thù mà bắn”. Và đó là hoàn cảnh “khí tài” chung của lực lượng tự vệ Thủ đô. Đối nghịch lại, phía Pháp là vũ khí hạng nặng và đội quân tinh nhuệ.


“Vào tối 14-1-1947, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô làm Lễ quyết tử tại rạp Chuông Vàng. Chúng tôi cũng làm Lễ thề hy sinh đến giọt máu cuối cùng không rời Hà Nội”-bà Nhâm nhớ lại.


Một trong những chiến công mà vệ út Vũ Thị Nhâm nhớ nhất là trận đánh tiêu diệt địch vào sáng ngày 7-2-1947 tại chốt Trường Ke, khu Đông Kinh Nghĩa Thục. “Hôm đó, đứng nhìn lên cầu Long Biên, tôi thấy giặc Pháp tập trung đông một cách bất thường. Vừa kịp băng qua giao thông hào cấp báo thì chúng đã bao vây 3 mặt để đánh úp chiến lũy Trường Ke: Xe tăng và xe thiết giáp tiến vào đường Trần Nhật Duật và Đào Duy Từ, còn bộ binh từ Hàng Chiếu thọc vào bên sườn, nổ súng bắn như vãi đạn. Lúc này, chúng tôi chỉ có 15 chiến sĩ và mấy khẩu tiểu liên. Chúng tôi phải xin cứu viện. Ban chỉ huy Tiểu đoàn ở bên kia phố thôi nhưng phải đi xuyên qua làn lửa đạn của địch mới tới. Trần Ngọc Lai, một vệ út cùng đơn vị mới 12 tuổi đã xung phong nhận nhiệm vụ. Chưa dứt lời, Lai đã thoăn thoắt bám vào đường máng dẫn nước tụt nhanh xuống vượt qua làn đạn, chạy nhanh về phía ban chỉ huy Tiểu đoàn. Khoảng 10 phút sau, Lai trở về cùng đoàn quân cứu viện. Chúng tôi leo lên gác, ném lựu đạn xuống. Giặc Pháp thất bại với kế hoạch đánh úp Trường Ke, trong khi ta không có thương vong nào lớn.


 Tuy nhiên, sau đợt tấn công này, quân Pháp biết có một thiếu niên làm giao liên đã dũng cảm cắt làn đạn đi xin quân cứu viện, chỉ huy của giặc ra lệnh binh lính phải bao vây bắt sống. Trong một lần khác, Lai lọt vào vòng vây của lính Pháp. Giặc quyết bắt sống nên tràn tới. Lai không hề nao núng, tháo ngay ngòi nổ quả lựu đạn và ném về phía quân Pháp. Em bị bắn ngã xuống đống gạch, vĩnh biệt cuộc đời ngay trước mắt chúng tôi. Ngay sau đó Trung đội tiếp viện đến, tất cả chúng tôi chiến đấu trong đau xót và hờn căm với tiếng hét xung trận “trả thù cho em Lai”. Trận Trường Ke đã thắng lợi trên mất mát như thế, em Lai vẫn sống mãi trong nỗi nhớ của tôi...”-bà Nhâm xúc động hồi tưởng.


Đau thương, mất mát là vậy nhưng cũng đầy hạnh phúc và tự hào khi đơn vị nhận được thư chúc Tết của Bác Hồ. Bác viết, “Ngoài kháng chiến, Bác-Chính phủ và nhân dân không nỡ ăn Tết. Biết các em trong đó gian khổ vất vả. Các em là đội cảm tử. Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh...”. Đọc thư Bác xong mà chúng tôi òa khóc-giọng bà Nhâm như nghẹn lại vì xúc động.


Đầu tháng 2-1947, Bộ chỉ huy quyết định đưa Trung đoàn Thủ đô ra ngoại thành Hà Nội để bảo toàn lực lượng cho kháng chiến lâu dài. “Chúng tôi chỉ được biết lệnh rút ngay trước giờ khởi sự, mỗi người mang theo một ruột tượng đựng gạo, hai bộ quần áo, hai quả lựu đạn. Hà Nội mưa và rét buốt, 10 giờ đêm 17-2-1947, 1.200 con người tập trung ở bãi bồi dưới gầm cầu Long Biên. Trên cầu lính Pháp đi tuần, đèn pha quét loang loáng, đoàn người dưới gầm cầu buộc dây thừng vào tay nhau, thấy di chuyển được thì người đi trước giật dây, còn không thì ngả lưng trên ruột tượng đựng gạo để ngủ, cứ thế tiến trong đêm đen không một tiếng động.


Sau này, nhiều vệ út tiếp tục chiến đấu trong lực lượng của Trung đoàn Thủ đô cho đến ngày Hà Nội hoàn toàn giải phóng. Vũ Thị Nhâm được cử đi học y tá, cô theo Chiến dịch Điện Biên Phủ, làm nhiệm vụ sơ cứu thương binh tại chiến trường. “Ngày tiếp quản Hà Nội, tôi không có mặt, nhưng tất cả nỗi vui mừng và xúc động lớn lao về sự kiện ấy thì mãi mãi thiêng liêng và âm vang trong cuộc đời tôi”. 

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ