A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gặp Anh hùng đưa lá cờ Tổ quốc vào vũ trụ

 

QPTĐ-Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” là dấu son chói lọi trong truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Ngay cả khi bị bắt giam, một số phi công Mỹ vẫn không thể lý giải được tại sao quân và dân ta có thể bắn rơi B-52. Một trong những người làm nên kỳ tích đó là Trung tướng-Anh hùng LLVTND Phạm Tuân. Đây cũng là người Việt Nam, người châu Á đầu tiên mang ảnh Bác Hồ, cờ Việt Nam vào vũ trụ (1980). Trong không khí chào mừng kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Anh hùng Phạm Tuân, nghe ông kể về những kỷ niệm không bao giờ quên. 

 

 

Phóng viên: Thưa Trung tướng-Anh hùng LLVTND Phạm Tuân, xin ông cho biết cơ duyên gắn bó với quân đội nói chung và phi công Mic-21 nói riêng?


Anh hùng LLVTND Phạm Tuân: Năm 1965, khi cuộc đấu tranh chống Mỹ đang lên cao, lớp lớp thanh niên Việt Nam hăng hái lên đường nhập ngũ vào chiến trường. Mặc dù đang học cấp 3 tại Tiền Hải, Thái Bình nhưng cũng như thế hệ trẻ thời đó, tôi rất mong muốn lên đường nhập ngũ. Song nhiều lần, tôi cứ được gọi nhập ngũ rồi lại bị trả về; sau này mới biết, quân đội dành tuyển tôi vào Binh chủng Không quân. Sau khi khám tuyển, rất tiếc sức khoẻ của tôi không tốt nên trên cho tôi đi học Thợ máy tại Trường Sỹ quan Kỹ thuật (Liên Xô, năm 1965). Từ chỗ không đủ sức khoẻ nhưng thời điểm đó, người trúng tuyển phi công bị loại nhiều vì sức khỏe yếu, tâm lý không tốt nên trên phải tổ chức thi tuyển lại từ số 300 thợ máy đang được đào tạo tại đây; run rủi thế nào, tôi được tuyển làm phi công, sau đó lái máy bay Mic-17, rồi tiếp tục lái Mic-21, đặc biệt sau này còn được chọn là phi công của Việt Nam đủ sức khoẻ bay vào vũ trụ cùng một người Nga. Đó chính là sự phấn đấu không ngừng nghỉ của bản thân, đồng thời cũng là sự may mắn.


Phóng viên: Để trở thành Anh hùng LLVTND không hề đơn giản nhưng ông có tới 3 lần được phong tặng danh hiệu cao quý này, ông có thể chia sẻ những kỷ niệm gắn với các danh hiệu này?

 

 

Anh hùng LLVTND Phạm Tuân với cuộc sống đời thường.


Anh hùng LLVTND Phạm Tuân: Anh hùng là danh hiệu cao quý mà Đảng và Nhà nước dành tặng cho những cá nhân có công lao trong kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tôi rất vinh dự được 3 lần nhận Danh hiệu Anh hùng: Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động và Anh hùng Liên Xô.


Mỗi danh hiệu đều gắn với sự kiện nhất định. Năm 1973, lần đầu tiên tôi nhận danh hiệu Anh hùng khi là phi công Mic-21 bắn rơi B-52 trong Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. Năm 1980, sau khi là người châu Á đầu tiên thực hiện nhiệm vụ bay vào vũ trụ, tôi được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam và Anh hùng Liên Xô… Tôi nghĩ, danh hiệu này là vinh dự nhưng nó thuộc về cả tập thể, của các ngành, vì tôi không thể 1 mình cất cánh lên trời lập công mà phải có bộ phận thợ máy, dẫn đường, chỉ huy, cán bộ chính trị, hậu cần…Chính sự đoàn kết đã tạo nên khối thống nhất, chiến thắng mọi kẻ thù, tôi chỉ là người đại diện được tuyên dương Anh hùng. Tôi luôn biết ơn đồng chí, đồng đội, gia đình, quê hương nơi tôi đóng quân đã giúp đỡ để hoàn thành tốt nhiệm vụ vinh quang Tổ quốc giao.


Phóng viên: Ngay cả phi công Mỹ thời điểm đó và thậm chí tới tận bây giờ, nhiều người vẫn không thể hiểu vì sao khi ấy, Việt Nam có thể bắn rơi được B-52. Vậy theo Anh hùng, điều gì làm nên kỳ tích như vậy?


Anh hùng LLVTND Phạm Tuân: Cho đến bây giờ, nhiều học giả trên thế giới, đặc biệt phía Mỹ vẫn tiếp tục nghiên cứu câu hỏi: Tại sao Việt Nam có thể giành thắng lợi như vậy? Trong khi sự tương quan lực lượng không hề nghiêng về Việt Nam mà thuộc phía Mỹ. Ngay bức ảnh chụp năm 1972, giữa tôi và một phi công Mỹ bị bắt giam, hiện vẫn lưu tại nhà, khi tôi hỏi: Giờ vào Hoả Lò, ông suy nghĩ gì? Ông ta trả lời: Tôi đinh ninh, chúng tôi bay vào, rồi ra, chứ không ngờ bị bắn rơi. Đến bây giờ, chúng tôi chưa hiểu vì sao bị hạ như vậy. 


Đấy chính là bí ẩn mà người Việt Nam chúng ta có thể trở nên vĩ đại. Là người trực tiếp tham gia chiến dịch, tôi cho rằng, điều đầu tiên tạo nên chiến công này chính là sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, Bác Hồ. Bởi ngay từ rất sớm, Bác đã tiên lượng được ý định, cách đánh của Mỹ vào Hà Nội. Người khẳng định, dù Mỹ có B-57, B-52 hay “bê” gì đi nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng. Từ cội nguồn sâu xa ấy mà ta có sự chủ động trong việc chuẩn bị chu đáo về con người, ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, Thủ đô đến cùng. Tất nhiên để đánh thắng B-52 cũng rất gian nan, ta đưa quân vào tận Vĩnh Linh, Quảng Bình, bị máy bay của chúng đánh xuống; rồi từ Hải Phòng, Vinh, đến Nghệ An đều nếm trải việc đánh phá ác liệt của B-52. Nhưng từ những lần chưa thắng, chúng ta đã tìm được cốt lõi vấn đề, biết mình, biết ta; tìm ra đường lối nghệ thuật chiến tranh phù hợp. Vì Mỹ là nước lớn, chúng ta không chỉ đem lòng dũng cảm để so với nó mà phải nghiên cứu, tìm được chỗ yếu của địch. Có nghĩa, trong khó khăn nhất thì trí tuệ, bản lĩnh của người Việt Nam sẽ kết tinh lại và trở thành sức mạnh vô giá. 


Phóng viên: Kỷ niệm đối với một Anh hùng trong chiến đấu; mang cờ của Việt Nam vào trong vũ trụ rất nhiều nhưng xin ông cho biết điều ấn tượng nhất của mình?


Anh hùng LLVTND Phạm Tuân: Dưới góc độ của người chiến sĩ, ở bất cứ trận chiến đấu nào, dù chiến thắng oanh liệt hay tổn thất thì đều là kỷ niệm sâu sắc. Hoặc khi ngồi vào tàu vũ trụ, chuẩn bị phóng, rồi lúc bay lơ lửng trên không trung là những kỷ niệm không bao giờ quên nhưng ấn tượng sâu sắc nhất đó là trong chuyến bay vũ trụ, khi qua đất nước Việt Nam, vừa ngắm nhìn Tổ quốc, vừa được gửi điện về Hà Nội, cảm ơn Đảng, nhân dân đã chắp cánh cho tôi bay. Mình từng chứng kiến bao đồng đội hy sinh trên mảnh đất quê hương, giờ được Đảng, Nhà nước, nhân dân nuôi dưỡng, cho mình bay ở tầm cao mới, rồi từ tầm cao đó nhìn về Tổ quốc, dáng hình đất nước Việt Nam thân yêu lờ mờ phía xa. Cảm động vô cùng! 


Phóng viên: Là một Trung tướng-Anh hùng LLVTND, ông có điều gì chia sẻ với thế hệ trẻ hôm nay?


Anh hùng LLVTND Phạm Tuân: Tôi đã gặp và nói chuyện trên tư cách là nhân chứng lịch sử với rất nhiều đối tượng, trong đó có học sinh, sinh viên, thanh niên. Có lần, một người nói với tôi rằng, thế hệ trẻ các anh ngày xưa rất oanh liệt, còn thế hệ trẻ hôm nay, khi bước vào những cuộc chiến không biết sẽ ra sao? Tôi thì suy nghĩ hoàn toàn khác, các cháu ngày nay có trí tuệ, được học tập và thông tin phong phú về thế giới và suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, với truyền thống anh dũng chống giặc ngoại xâm của lớp lớp cha, ông. Trong thời bình, có thể các cháu còn lơ đãng nhưng khi Tổ quốc cần, tôi tin các em, các cháu sẽ làm tốt, mà còn tốt hơn chúng tôi ngày ấy, không có cớ gì chúng ta không tin tưởng điều đó. Tôi nghĩ, trong điều kiện đất nước hoà bình và công cuộc đổi mới, đòi hỏi mỗi con người Việt Nam phải luôn sẵn sàng, vừa bảo vệ, vừa xây dựng Tổ quốc, hai nhiệm vụ này phải đi sát với nhau, vì vậy nhân các sự kiện chính trị, dịp lễ lớn của dân tộc, chúng ta phải làm sao tuyên truyền cho các cháu hiểu rõ hơn truyền thống oanh liệt của Đảng, quân và dân ta, từ đó không ngừng phấn đấu rèn luyện, xây dựng đất nước ngày càng to đẹp hơn.


Phóng viên: Vâng xin cảm ơn Anh hùng!

Trần Hiền-Phạm Luân (thực hiện)

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ