A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả khi các trường THPT chăm lo ươm trồng “hạt giống đỏ” cho Đảng

​​​​​​​Bài 1: Tích cực khắc phục tình trạng nguồn nhiều nhưng vẫn khó kết nạp

Bồi dưỡng, tạo nguồn, kết nạp đảng viên cho học sinh các trường trung học phổ thông (THPT) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tính quy luật trong công tác xây dựng Đảng, góp phần làm cho tổ chức đảng ngày càng lớn mạnh, tạo nguồn cán bộ trẻ kế cận, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, đảng viên và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Sau 1 năm thực hiện Đề án số 20-ĐA/TU ngày 24/10/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên ở Đảng bộ thành phố Hà Nội trong giai đoạn mới”, kết quả kết nạp học sinh các trường THPT vào đảng đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận, góp phần vun trồng, ươm mầm “hạt giống đỏ” cho Đảng từ rất sớm.

 

QPTĐ-Kết nạp đảng viên là học sinh trường các THPT theo Đề án số 20-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội không chỉ thiết thực, hiệu quả cả trước mắt và lâu dài, mà còn là tiền đề xây dựng bồi đắp cho thanh niên có lý tưởng, niềm tin, giàu tình yêu đất nước, lòng tự hào dân tộc, giúp đảng viên trẻ rèn luyện, phấn đấu trong học tập, cống hiến và trưởng thành; đồng thời khắc phục được tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị” của đoàn viên thanh niên hiện nay. Tuy nhiên, việc này đang gặp những khó khăn, trăn trở đặt ra cho các tổ chức đảng cần phải khắc phục.

 

Những “điểm nghẽn” nảy sinh từ thực tiễn

Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục & Đào tạo và Ban Tổ chức Thành ủy, hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có 281 trường THPT, 29 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên với tổng số 299.167 học sinh, trong đó số học sinh lớp 12 là hơn 100.000 em. Qua 1 năm thực hiện Đề án số 20, có 19 đảng bộ quận, huyện, thị xã đã kết nạp được 82 đảng viên là học sinh THPT. Tiêu biểu là Quận ủy Thanh Xuân, đến nay Đảng bộ quận đã hoàn thành 150% chỉ tiêu năm 2023 về kết nạp đảng viên là học sinh THPT. Nhưng bên cạnh đó, nhiều quận, huyện chưa kết nạp được em nào, “nguồn dồi dào tại sao không kết nạp được”, đây chính là câu hỏi chúng tôi nêu ra khi tìm hiểu tại một số trường THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội. Lý giải vấn đề này, thầy Trần Nguyên Hạnh, Bí thư chi bộ, Phó hiệu trưởng Trường THPT Vạn Xuân, huyện Hoài Đức cho biết: “Hiện nay nhà trường có 1.769 học sinh là đoàn viên, thanh niên, tỉ lệ các em là học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt chiếm tới 80%. Trong Nghị quyết của chi bộ nhà trường hàng năm đều có xác định chỉ tiêu phát triển đảng cho đối tượng học sinh; có chủ trương đúng, nguồn rất dồi dào, nhưng sao vẫn khó phát triển, kết nạp đảng cho các em, theo tôi có mấy nguyên nhân khó khăn cơ bản: Một là, theo quy định của Điều lệ Đảng khi kết nạp đảng viên phải đủ 18 tuổi, trong khi các em học sinh của nhà trường cơ bản là dưới 18 tuổi, nhiều em học lớp 12 đã được tạo nguồn học lớp đối tượng Đảng, được rèn luyện thử thách, học sinh xuất sắc, hạnh kiểm tốt, lý lịch gia đình tốt, nhưng do tháng sinh vào cuối năm, nên cũng không đủ tuổi kết nạp trong năm học. Hai là, nhiều gia đình phụ huynh học sinh không thiết tha, mặn mà với việc con phát triển đảng, vì sợ chi phối nhiều đến kết quả học tập, muốn các em tập trung vào thi tốt nghiệp và đại học, nên dẫn đến khó khăn trong công tác phát triển Đảng của nhà trường”.

Học sinh Trường THPT Vạn Xuân, huyện Hoài Đức trong giờ học về lịch sử Đảng.

Cùng chung quan điểm với thầy Trần Nguyên Hạnh, cô Nguyễn Phương Lan, Phó Bí thư chi bộ, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Nhân Chính, quận Thanh Xuân chia sẻ: “Nhà trường là một trong 10 trường dẫn đầu Thành phố về chất lượng giáo dục, đào tạo, nên tỷ lệ các em đạt học sinh giỏi chiếm tới 90%, 99,5% hạnh kiểm tốt. Nguồn bảo đảm theo tiêu chí kết nạp Đảng cho học sinh là học sinh giỏi, xuất sắc, hạnh kiểm tốt, tích cực tham gia các hoạt động đoàn, đội của trường rất nhiều, nhưng vẫn khó kết nạp, bởi vì sau khi tốt nghiệp cơ bản các em được gia đình cho đi du học, nhiều nước chưa có chi bộ, tổ chức đảng dành cho sinh viên sinh hoạt, nên chưa muốn con phát triển đảng khi đang học THPT. Hơn nữa, một năm nhà trường có hai đợt kết nạp đảng là vào dịp 26/3 và 19/5, các em sinh sau ngày đó sẽ không kết nạp được vì chưa đủ tuổi, nhưng lại tốt nghiệp xong cấp học, làm cho những “hạt giống đỏ” lỡ cơ hội “nảy mầm””.

Qua tìm hiểu thực tế việc phát triển đảng cho học sinh các trường THPT của các quận, huyện như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Gia Lâm, Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng chúng tôi thấy, những khó khăn, vướng mắc lớn nhất mà các trường đang gặp phải, chính là độ tuổi kết nạp đảng, theo quy định Điều lệ Đảng. Để đủ điều kiện kết nạp được thì tại thời điểm chi bộ xét kết nạp, người vào Đảng phải đủ 18 tuổi (tính theo tháng) trở lên. Vậy nên, nhiều học sinh được bồi dưỡng trong thời gian dài, có đủ điều kiện về phẩm chất đạo đức, nhận thức và kết quả học tập tốt để phát triển đảng, nhưng sau khi hoàn tất các quy trình, thủ tục phát triển đảng thì thường rơi vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6, lúc này học sinh lớp 12 đã tốt nghiệp ra trường. Đồng chí Trần Quyết Thắng, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hai Bà Trưng cho biết, năm 2023 quận kết nạp được 7 đảng viên là học sinh THPT: “Quá trình triển khai, quận còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Nhiều học sinh tiêu biểu, xuất sắc nhưng không đủ điều kiện để làm hồ sơ kết nạp Đảng trong trường THPT vì chưa đủ 18 tuổi trước khi kết thúc năm học là tháng 6/2023”. Vậy nên, các em học sinh có tháng sinh từ tháng 6 trở đi sẽ bị thiệt thòi trong việc xét kết nạp đảng so với các em sinh từ tháng 1 đến cuối tháng 5.

Lễ kết nạp Đảng cho học sinh Trường THPT Nhân Chính, quận Thanh Xuân.
 

Đồng bộ các giải pháp để khơi dậy khát vọng

Thực tiễn qua 1 năm thực hiện Đề án số 20 của Thành ủy, tuy gặp phải một số khó khăn vướng mắc nhất định, song nhờ sự tích cực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên của các trường THPT trên địa bàn Thành phố đã có những kết quả tích cực. Theo thầy Vũ Đình Hà, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Thanh Xuân cho biết; “Để tạo nguồn phát triển đảng cho các em học sinh, ngay từ khi học sinh bước vào lớp 10, nhà trường đã rất chú trọng đến công tác tạo nguồn, bồi dưỡng giáo dục lý tưởng cách mạng, nhận thức về Đảng, lựa chọn những học sinh phẩm chất đạo đức tốt, có tố chất tốt, nổi trội, xuất sắc, tiêu biểu, gương mẫu trong các phong trào thi đua, học tập, để đưa vào nguồn phát triển Đảng”. Được biết, sau khi xác định được nguồn đối tượng kết nạp Đảng, Đoàn trường sẽ tiếp tục bồi dưỡng, rèn luyện thông qua các phong trào thi đua để lựa chọn đoàn viên ưu tú giới thiệu cho Đảng. Cô Nguyễn Thị Dung, Bí thư Đoàn trường THPT Vạn Xuân, Hoài Đức cho biết: “Trong hoạt động Đoàn, chúng tôi tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Đảng cho các em thông qua các hình thức tọa đàm, diễn đàn, mời chuyên gia kể chuyện, xây dựng lý tưởng và động cơ phấn đấu vào Đảng cho học sinh. Cùng với đó, Đoàn trường còn duy trì hiệu quả hoạt động các câu lạc bộ, như “Tuổi trẻ tình nguyện”, “Học tập và làm theo lời Bác”. Thông qua các hoạt động của câu lạc bộ giúp Đoàn trường phát hiện nhân tố tích cực tạo nguồn cho công tác phát triển đảng”. Chính vì vậy, năm qua Trường THPT Vạn Xuân đã có 22 em được học lớp nhận thức về Đảng, quyết tâm trong quý 1 năm 2024, chi bộ, Ban Giám hiệu nhà trường sẽ kết nạp được 2 em học sinh vào Đảng.

 
Đồng chí Bùi Huyền Mai, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân trao Quyết định kết nạp đảng cho học sinh Trường THPT Nhân Chính.

Nói về kết quả phát triển đảng của nhà trường, cô Nguyễn Phương Lan, Phó Bí thư chi bộ, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Nhân Chính cho biết: “Để đạt được chỉ tiêu đề ra, chúng tôi đã vận dụng linh hoạt, bám sát vào từng đối tượng, cụ thể: Thứ nhất, xác định rõ chi đoàn là nòng cốt trong việc phối hợp với giáo viên chủ nhiệm xác định đối tượng, xây dựng kế hoạch hoạt động, đến việc tuyên truyền, định hướng, bồi dưỡng phẩm chất chính trị và ghi nhận thành tích trong quá trình phấn đấu, phát triển đảng cho học sinh. Thứ hai, giáo viên chủ nhiệm phải chịu trách nhiệm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, trao đổi với cha mẹ học sinh để có sự thống nhất về tư tưởng, tạo ra sự đồng thuận, ủng hộ từ phía gia đình học sinh. Như thế việc phát triển đảng mới tiến hành thuận lợi”. Qua tìm hiểu thực tế quy trình xét kết nạp đảng đối với học sinh tại trường THPT Trần Hưng Đạo, Nhân Chính quận Thanh Xuân, THPT Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, chúng tôi nhận thấy đều rất chặt chẽ, đúng quy định theo Điều lệ Đảng. Chi bộ xem xét cho ý kiến việc phát triển đảng thông qua báo cáo đánh giá của tổ chức Đoàn và giáo viên chủ nhiệm lớp, sau đó chi bộ lập danh sách học sinh đề nghị tham gia lớp nhận thức về Đảng báo cáo Đảng ủy cấp trên. Khi đủ điều kiện xét kết nạp, chi bộ sẽ xem xét điều kiện, tiêu chuẩn và quá trình phấn đấu của học sinh, nhận xét và quyết định đồng ý thực hiện quy trình thủ tục phát triển đảng cho học sinh, rồi hoàn thiện hồ sơ nộp lên cấp trên. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay đã có nhiều học sinh được học tập, bồi dưỡng, rèn luyện, trưởng thành và nhiều em thể hiện tinh thần phấn đấu nghiêm túc, xung kích đi đầu trong các phong trào đã được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Nguyễn Văn Tuân

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ