A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị

Bài 2: Văn hóa-Nguồn lực phát triển mới của Thủ đô

QPTĐ-Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: Tập trung phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long-Hà Nội; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô.

Hà Nội tập trung phát triển văn hóa xứng tầm với truyền thống nghìn năm văn hiến của Thủ đô.

Truyền thống nghìn năm văn hiến

Có thể nói, văn hóa Hà Nội được hình thành từ khi Vua Lý Công Uẩn lấy Thăng Long làm nơi định đô, kết hợp từ văn hóa bản địa với văn hóa các vùng miền theo người dân các nơi mang về, được tiếp thu, tiếp biến tạo ra bản sắc riêng, mang đậm chất Kinh kỳ. Sau này, nét văn hóa đó được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tiếp tục được phát huy trong cuộc sống hiện nay. Khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, văn hóa Thăng Long kết hợp với văn hóa xứ Đoài tạo ra tính đa dạng, xong vẫn giữ được đặc trưng riêng. Văn hóa Thăng Long vẫn tiếp tục được gìn giữ, phát huy. 

Điều đó được thể hiện ở việc Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Các di sản văn hóa vật thể với 5.922 di tích, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 1 di sản tư liệu thế giới, 16 di tích quốc gia đặc biệt cùng hàng nghìn di tích cấp quốc gia và di tích cấp Thành phố. Hà Nội cũng là địa phương nắm giữ số lượng di sản văn hóa phi vật thể lớn, tới 1.793 di sản, trong đó có 3 di sản được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 16 di sản thuộc danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các di sản vật thể, phi vật thể luôn được Thành phố bảo tồn, phát huy tốt các giá trị trong những qua. Trong giai đoạn 2016-2020, 431 di tích xuống cấp được Thành phố đầu tư kinh phí, tu bổ để gìn giữ các giá trị trân quý cho các thế hệ sau.

Với bề dày lịch sử và nền tảng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, nơi hội tụ, kết tinh, tỏa sáng, nơi nuôi dưỡng, thúc đẩy sự sáng tạo văn hóa, nơi tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa chất lượng, thời gian qua Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển văn hóa. Hà Nội là địa phương đầu tiên của Việt Nam chính thức trở thành thành viên mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO-Một động lực quan trọng cho đổi mới sáng tạo, xây dựng một thành phố thông minh, năng động và bền vững, nâng cao vị thế, tạo dựng hình ảnh hấp dẫn mới cho Thủ đô. Hà Nội cũng tổ chức, khai thác có hiệu quả các không gian văn hóa sáng tạo cộng đồng (phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, phố Bích họa Phùng Hưng, phố Sách Hà Nội…) được dư luận xã hội và nhân dân đánh giá cao, trở thành sản phẩm văn hóa-du lịch nổi bật.

Ngoài ra, để tạo nếp sống văn hóa mới trên cơ sở kế thừa các giá trị truyền thống, thành phố Hà Nội đã xây dựng nhiều mô hình văn hóa, các phong trào văn hóa để nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Bên cạnh các mô hình: Làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa, nhiều nơi còn thực hiện phong trào làm sạch ngõ xóm vào sáng thứ 7, hình thành con đường bích họa, con đường nở hoa... Cũng để định hướng các chuẩn mực ứng xử, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh phù hợp với tình hình mới, thành phố Hà Nội đã ban hành Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Từ khi ra đời, hai bộ Quy tắc ứng xử đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc và sự ủng hộ nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân.

Phát triển văn hóa xứng tầm Thủ đô

Quyết tâm đưa Nghị quyết số 15-NQ/TW đi vào cuộc sống, tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá của Thủ đô, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Đảng bộ Thành phố thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó, về phương hướng, nhiệm vụ phát triển văn hóa, Chương trình hành động số 16-CTr/TU nêu rõ: Thành phố tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các di tích, công trình kiến trúc có giá trị, trọng tâm là các di sản thế giới, di tích quốc gia như Hoàng thành Thăng Long, Điện Kính Thiên, Cổ Loa, Đền thờ Ngô Quyền,... và 5.922 di tích đã được xếp hạng. Hà Nội cũng sẽ đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa, thể thao mới, tiêu biểu của Thủ đô (hệ thống nhà hát, quảng trường, tượng đài, công viên, tổ hợp thể thao, trung tâm hội chợ triển lãm). Thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.

Trước đó, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố, Thành ủy đã ban hành Chương trình 06-Ctr/TU về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”. Trong Chương trình, Thành ủy Hà Nội xác định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước và Thủ đô. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm văn hiến, là trung tâm văn hóa lớn của cả nước. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống đẹp, với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, thanh lịch, văn minh. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; chú ý đầy đủ đến yếu tố phát triển văn hóa và xây dựng con người trong quá trình phát triển kinh tế... Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô là sự nghiệp của toàn dân, do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức và văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng.

Như vậy, với quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô, sự quan tâm sâu sắc của Trung ương và các địa phương với tinh thần “cả nước vì Hà Nội-Hà Nội vì cả nước” là cơ sở, động lực để phát triển văn hoá Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long-Hà Nội.

Đức Minh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ