A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trên quê hương cách mạng Thủy Xuân Tiên

 

Về thăm xã Thủy Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội), chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên trước sự “thay da, đổi thịt” của một vùng đất từng bị chiến tranh tàn phá. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ,  Đảng bộ, chính quyền và nhân dân  xã Thủy Xuân Tiên đã anh dũng đánh giặc, lập nên những chiến công, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Phát huy truyền thống đó, ngày nay Thủy Xuân Tiên đang từng bước đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn.

 

 

Diện mạo nông thôn ở Thủy Xuân Tiên đang đổi thay từng ngày.

 

Bên cầu Tiên Trượng, một địa danh thuộc xã Thủy Xuân Tiên, trong chiến tranh bị đế quốc Mỹ bắn phá, chúng tôi may mắn gặp được cụ Nguyễn Quốc Sinh (84 tuổi), một trong những dân quân của xã lúc bấy giờ. Nhớ lại những ngày tháng oanh liệt ấy, đôi mắt của cụ Sinh ánh lên niềm tự hào, xúc động. Cụ kể: Đầu năm 1972, máy bay Mỹ tập trung bắn phá khu cầu Tiên Trượng, cầu sắt, các đường giao thông, hàng chục tấn bom đạn chúng đã dội xuống làm làng mạc bị tàn phá, ảnh hưởng cuộc sống người dân. Với tinh thần dũng cảm, các trận địa phòng không xã Thủy Xuân Tiên phối hợp với pháo cao xạ, tên lửa của bộ đội đồng loạt nhả đạn. Ngày 22/6/1972, trận địa trực chiến xã Thủy Xuân Tiên đã bắn rơi máy bay F4H đến gây tội ác.

 

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1998 xã Thủy Xuân Tiên vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Hiện nay, xã Thủy Xuân Tiên có 11 thôn với hơn 18.000 nhân khẩu. Vùng quê cách mạng ngày càng khởi sắc. Nhân dân có cuộc sống ổn định và từng bước được cải thiện. Hàng trăm hộ gia đình xây dựng được nhà cao tầng, có nhiều trang, thiết bị hiện đại phục vụ sinh hoạt. Các công trình điện, đường, trường, trạm đều được nâng cấp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Xã đã hoàn thành 18/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

 

Trên cơ sở xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, lựa chọn bước đi phù hợp và phát huy lợi thế của địa phương. Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa vào các giống lúa mới năng suất cao như: Lúa lai hai dòng, Thiên Ưu 8… nên sản lượng thóc luôn đạt gần 4.000 tấn/năm. Sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ngày càng phát triển. Thu nhập bình quân đạt trên 30 triệu đồng/người/năm. Công tác giáo dục, y tế, văn hóa được quan tâm đầu tư đúng mức và không ngừng được nâng cao.

 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Quý Long, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Đảng bộ xã đã tập trung lãnh đạo nhân dân đoàn kết, phát huy nội lực, năng động, sáng tạo, tranh thủ hiệu quả nguồn vốn của các chương trình, dự án đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên. Trong thời gian tới, xã tiếp tục tập trung chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

 

Công tác quốc phòng, quân sự địa phương của xã luôn được chú trọng. Lực lượng dân quân xã được xây dựng theo hướng vững mạnh, rộng khắp, thực hiện tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Hàng năm, xã luôn hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân, bảo đảm chất lượng cao. Năm 2016, tỷ lệ thanh niên nhập ngũ có trình độ đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đạt 60%.

 

Văn Đạt


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ