A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Địa chỉ tin cậy để giáo dục quốc phòng-an ninh cho thế hệ trẻ

QPTĐ-Phát huy kết quả, kinh nghiệm đạt được gần 30 năm xây dựng, phát triển, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh (QP-AN), Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao (SPTDTT) Hà Nội tiếp tục đổi mới, sáng tạo, phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng môi trường sư phạm quân sự chính quy, mẫu mực, thân thiện, xứng đáng là địa chỉ tin cậy, là “cái nôi” ươm mầm, bồi dưỡng lòng yêu nước cho thế hệ trẻ để họ sẵn sàng tham gia vào sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Sinh viên học môn giáo dục quốc phòng-an ninh tại Trung tâm.

Dưới cái nắng hè thu chói chang và oi bức, giờ luyện tập bắn súng tiểu liên AK tư thế nằm bắn của sinh viên Đại học Ngoại ngữ Hà Nội đang học tập tại Trung tâm Giáo dục QP-AN, Đại học SPTDTT Hà Nội vẫn rất nhiệt huyết. Giáo viên phổ biến ý định luyện tập, nhắc lại những điểm cần chú ý khi thực hiện rồi triển khai đội hình theo khẩu lệnh. Sinh viên chú ý lắng nghe, tập trung thay vòng đổi tập, dường như không em nào để ý đến những giọt mồ hôi đang chảy dài trên trán và ướt đẫm lưng áo. Trên giảng đường, không khí học tập cũng sôi nổi không kém. Hàng trăm sinh viên ngồi ngay ngắn, lắng nghe và ghi chép các ý chính trong bài giảng về các loại bản đồ. Cũng như các nội dung lý luận khác, đội ngũ giáo viên Khoa Khoa học xã hội và nhân văn cũng bám sát tinh thần đổi mới, giảng dạy những nội dung thiết thực, cô đọng, có trọng tâm, trọng điểm. Khi lên lớp đều sử dụng thiết bị công nghệ thông tin hỗ trợ, có hình ảnh, tư liệu, video minh họa sinh động; lấy ví dụ thực tiễn và liên hệ gần gũi với nhận thức của học viên. Trước những câu hỏi vừa thú vị vừa sát bài giảng mà giáo viên đặt ra, các em sinh viên hồ hởi giơ tay phát biểu ý kiến, nhờ đó hiểu và nhớ kiến thức nhanh hơn. Trần Lan Anh, sinh viên Đại học Ngoại ngữ Hà Nội chia sẻ: “Em và các bạn thường nghĩ môn Giáo dục QPAN rất khó học và khô khan vì nó khác tất cả các môn mà em từng học ở trường đại học nhưng sau khoảng 2 tuần học ở đây em cũng như các bạn đã được các thầy giảng dạy bằng phương pháp sống động, ví dụ dễ nhớ và gần gũi với lớp trẻ nên chúng em hứng thú và háo hức với bài giảng của các thầy hơn". Sinh viên Nguyễn Thị Khánh Ly (Đại học Ngoại ngữ Hà Nội) thì tâm sự về nếp sinh hoạt “đậm chất lính” ở đây: Những ngày đầu chúng em rất khó khăn để quen với nếp sinh hoạt giờ nào việc nấy nghiêm ngặt, nhất là việc dậy sớm nhưng sau một thời gian được các thầy bảo ban, hướng dẫn và bạn bè động viên nhau hoàn thành thời gian biểu, em cảm thấy khỏe hơn, vui hơn và yêu thích khoảng thời gian học môn Giáo dục QP-AN ở Trung tâm.

Cán bộ, giảng viên Trung tâm tích cực nghiên cứu, đổi mới phương pháp giảng dạy môn học giáo dục quốc phòng-an ninh.

 Để có được kết quả trên, Thượng tá Chu Văn Hạc, Cán bộ quản lý sinh viên K296 (Trung tâm Giáo dục QP-AN, Đại học SPTDTT Hà Nội) cho biết, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch giáo dục chính trị cho sinh viên trong từng khóa học, tổ chức duy trì nền nếp chính quy theo các chế độ trong ngày, trong tuần theo nếp sống quân đội. Ngoài việc giáo dục kiến thức cơ bản của môn học, Trung tâm còn giáo dục truyền thống của Quân đội, Thủ đô và đất nước; tổ chức cho sinh viên “ra quân” trong Ngày Chủ nhật xanh dọn dẹp nghĩa trang liệt sĩ và khuôn viên trường; phối hợp chặt chẽ với Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Hội Cựu chiến binh để tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, kể chuyện truyền thống. Thông qua đó tạo nên không khí học tập khoa học, lành mạnh, hào hứng trong Trung tâm.

Giáo dục quốc phòng và an ninh là môn học đặc thù. Do đó, để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu giáo dục và đào tạo, Trung tâm yêu cầu đội ngũ giảng viên nghiên cứu, tìm hiểu kỹ đối tượng để có phương pháp giảng dạy phù hợp, thu hút, lôi cuốn người học. Những năm gần đây, Trung tâm phối hợp chặt chẽ với các trường liên kết để nắm trình độ, nhận thức của sinh viên theo chuyên ngành đào tạo, từ đó có phương pháp giảng dạy, quản lý phù hợp, hiệu quả với từng đối tượng và thường xuyên trao đổi kết quả học tập, rèn luyện của từng sinh viên; bổ sung giáo viên và kiện toàn, ổn định tổ chức, biên chế bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Năm học 2022-2023, Trung tâm đã tổ chức đào tạo 12 khóa học (từ khóa 280 đến khóa 291), trong đó 17.110 sinh viên hệ đại học, cao đẳng và 10.958 sinh viên hệ cao đẳng nghề. Với những kết quả và thành tích đạt được, năm 2022 Trung tâm đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục QP-AN. Đại tá Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm nhấn mạnh: Mục tiêu của môn Giáo dục QP-AN mà Trung tâm hướng tới là trang bị cho các em sinh viên có kỹ năng, nhận thức, nắm vững được đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng về QP-AN, đồng thời có thể phục vụ chiến đấu được ngay khi Tổ quốc cần, bên cạnh đó các em có kỹ năng sống, sinh hoạt tập thể, làm việc nhóm, nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và trách nhiệm của bản thân, sẵn sàng học tập để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trang Anh-Hữu Thu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ