A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh nghiệm trong huấn luyện và quản lý tư tưởng bộ đội 

Bài 3: Đề cao giáo dục, khắc phục biểu hiện quân phiệt

QPTĐ-Biểu hiện quân phiệt, gia trưởng gây ra nhiều hệ lụy, như mất dân chủ, mất đoàn kết nội bộ, tạo tâm lý hoang mang, ảnh hưởng đến chất lượng công tác và chấp hành kỷ luật của bộ đội. Để loại bỏ những biểu hiện này, những năm qua, Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết lãnh, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, trong đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục dứt điểm những yếu kém, bảo đảm giữ nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, chống quân phiệt, phân biệt đối xử giữa cán bộ với chiến sĩ (CB, CS), góp phần xây dựng đơn vị VMTD, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Khẩu đội cối 82mm, Trung đoàn 692, Sư đoàn Bộ binh 301 trong giờ huấn luyện.

Mềm hóa để không “mệnh lệnh hành chính hóa”

Qua tìm hiểu thực tiễn thực hiện nhiệm vụ, sinh hoạt, công tác của đội ngũ cán bộ cấp phân đội trực tiếp quản lý bộ đội của các đơn vị trong Bộ Tư lệnh, chúng tôi thấy, tình trạng cán bộ gia trưởng, quân phiệt với bộ đội cơ bản không có; nhưng cán bộ tính tình nóng nảy, thiên về “mệnh lệnh hành chính hóa”, thiếu tính giáo dục, thuyết phục trong quản lý bộ đội thì đâu đó vẫn còn. Biểu hiện cụ thể là, trong quan hệ ứng xử giao tiếp hàng ngày với CB, CS hay tỏ thái độ “mệnh lệnh”, bề trên, thậm chí khi có việc nhờ vả cấp dưới dùng những câu từ như ra lệnh, hoặc khi không vừa lòng việc gì là gắt gỏng, quát tháo. Những cán bộ có biểu hiện này, thường ít quan tâm, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bộ đội để có biện pháp giáo dục, thuyết phục, mà chỉ dựa vào mệnh lệnh là chủ yếu. Bàn về vấn đề này, Đại úy Nguyễn Mạnh Cường, Chính trị viên Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 692 cho biết: “Mệnh lệnh hành chính hóa” trong quản lý, giáo dục bộ đội không nguy hại như gia trưởng, quân phiệt, nhưng nó cũng là nguyên nhân dẫn đến cán bộ thiếu gần gũi, sâu sát với chiến sĩ, thiếu tình cảm đoàn kết gắn bó cán-binh, xa hơn là mất dân chủ vì CB, CS thuộc quyền ngại góp ý với người chỉ huy, vì cảm thấy cấp trên không tin tưởng mình, dẫn đến căng thẳng, áp lực, sẽ nảy sinh suy nghĩ tiêu cực. Vì vậy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi luôn linh hoạt, mềm hóa mệnh lệnh bằng “mệnh lệnh không lời” là nêu gương, để giáo dục, thuyết phục bộ đội nhiều hơn, chứ không làm việc theo kiểu áp đặt, chủ quan; đồng thời, luôn gần gũi lắng nghe những tâm tư, tình cảm của bộ đội và tôn trọng ý kiến đóng góp của CB, CS thuộc quyền, nhờ đó đơn vị phát huy tốt trí tuệ tập thể, hoàn thành tốt các nhiệm vụ cả thường xuyên, đột xuất  mà Trung đoàn và Sư đoàn giao.

Vẫn biết đặc thù cấp phân đội, ngoài huấn luyện, rèn luyện, quản lý bộ đội, thì đây là cấp trực tiếp thực hiện mọi nhiệm vụ, đơn vị có hoàn thành được nhiệm vụ, có VMTD không cũng bắt đầu từ đây. Do đó, cán bộ phân đội luôn đặt ra yêu cầu cao về chất lượng hoàn thành nhiệm vụ cho bộ đội là việc cần thiết, để cho CB, CS luôn nỗ lực cố gắng, tận tâm, tận lực hết mình khi thực hiện là điều dễ hiểu. Nhưng nếu cán bộ lạm dụng “mệnh lệnh hành chính hóa”, thì sẽ phản tác dụng, tạo áp lực cho bộ đội, dẫn đến bi quan, chán nản. Hậu quả là môi trường làm việc căng thẳng, gò bó, cấp dưới sợ cấp trên, thực hiện nhiệm vụ đối phó. Để khắc phục, Thiếu tá Nguyễn Huy Nghĩa, Chính trị viên Tiểu đoàn Kiểm soát quân sự 103, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chia sẻ: “Ngoài việc duy trì nghiêm thời gian, nội dung huấn luyện theo giáo trình, các chế độ nền nếp trong ngày, trong tuần, thì theo tôi, cán bộ phải tích cực bám nắm, gần gũi, hòa đồng với bộ đội, trao đổi, nắm bắt tâm tư, tình cảm của từng chiến sĩ, nhất là tạo điều kiện kịp thời giải quyết những nguyện vọng chính đáng của bộ đội. Trong sinh hoạt, cần thể hiện sự cởi mở, chân thành, tạo điều kiện để anh em được thoải mái bộc lộ, trao đổi ý kiến cá nhân của mình. Đơn vị chúng tôi thường xuyên sử dụng hiệu quả phiếu khảo sát, lấy ý kiến của chiến sĩ, tạo ra môi trường dân chủ thực sự, kịp thời khắc phục những biểu hiện gia trưởng, độc đoán. Cùng với đó, chúng tôi còn tổ chức tốt các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, xây dựng môi trường văn hóa phong phú, lành mạnh, tạo ấn tượng tốt đẹp, để chiến sĩ yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị”.

Rèn tác phong làm việc khoa học, kỷ luật

Trong huấn luyện và quản lý bộ đội, ngoài thực hiện theo kế hoạch là huấn luyện, SSCĐ, các đơn vị của Bộ Tư lệnh còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ đột xuất khác, như phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng chống dịch bệnh, cháy nổ, cháy rừng…thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện khắc nghiệt, thời gian gấp, nhiều tình huống phức tạp, diễn ra mau lẹ. Nếu đội ngũ cán bộ mà có lối làm việc theo cảm tính, không có kế hoạch, thiếu tính chủ động, hoặc là làm việc theo cảm hứng, như thích là báo động bộ đội, muốn là cho bộ đội sinh hoạt, tăng gia… sẽ làm cho kế hoạch công tác của đơn vị bị đảo lộn, gây ức chế đến tư tưởng, tâm lý bộ đội, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công việc. Do đó, đội ngũ cán bộ trực tiếp huấn luyện và quản lý bộ đội phải xây dựng cho mình tác phong làm việc khoa học và kỷ luật. Thiếu tá Phạm Tiến Trung, Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn  4, Trung đoàn 692 cho biết: “Để tránh lối làm việc trên, chúng tôi thường xuyên trao đổi trong ban chỉ huy để thống nhất kế hoạch của đơn vị, xem việc nào cần làm trước, việc nào sẽ làm sau để tránh chồng chéo; đặc biệt là chúng tôi chủ động triển khai sớm kế hoạch, ít nhất là trước giờ giao ban hàng ngày hoặc trước giờ đi ngủ buổi tối để cho CB, CS biết ngày mai mình sẽ làm gì. Đây là bước rất quan trọng, làm cho CB, CS không những nắm rõ được nhiệm vụ của mình phải thực hiện, mà còn đóng góp, hiến kế để thực hiện tốt hơn; đồng thời, khắc phục được việc CB, CS bị động hoặc ức chế vì đang làm dở dang việc này lại chuyển sang làm việc khác. Như vậy bộ đội mới tin tưởng chỉ huy đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị”. 

Kinh nghiệm cho thấy, đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ cả thường xuyên và đột xuất được giao, đều bắt nguồn từ người cán bộ có phương pháp, tác phong công tác khoa học, cụ thể, tỉ mỉ, chu đáo, cẩn trọng, sâu sát, làm việc chính quy, kỷ luật, thực hiện lối sống giản dị, khiêm tốn, gắn bó với bộ đội, tôn trọng cấp dưới, tôn trọng tập thể, phát huy tốt dân chủ, gương mẫu nói phải đi đôi với làm. Đây cũng là yêu cầu mà Thiếu tướng Bùi Trọng Quỳnh, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã nhấn mạnh khi phát biểu kết luận hội nghị rút kinh nghiệm công tác huấn luyện và quản lý bộ đội của Bộ Tư lệnh: Từng cán bộ cần làm thật tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, phải có tích lũy, phát huy tốt phẩm chất năng lực của người cán bộ; mẫu mực về tác phong, tích cực chủ động rèn luyện khẩu khí, bản lĩnh để đứng trước hàng quân thể hiện được sự uy nghiêm, uy tín của người cán bộ chỉ huy; làm việc phải có tính khoa học kế hoạch, xây dựng chương trình huấn luyện cho các đối tượng phù hợp; nội dung, phương pháp sát với thực tế, truyền đạt những kiến thức mà người học cần, tránh dập khuôn máy móc; cần có nhiều hoạt động bổ trợ tránh nhàm chán; mỗi lần huấn luyện phải tự rút kinh nghiệm. Trong công tác quản lý bộ đội phải có tính dự báo tình hình tư tưởng của bộ đội; có các biện pháp gần gũi gắn bó với bộ đội, tránh gia trưởng, hách dịch, quân phiệt với bộ đội.

NGUYỄN VĂN TUÂN
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ