A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh nghiệm trong huấn luyện và quản lý tư tưởng bộ đội 

Bài 2: Tích cực bồi dưỡng kỹ năng và tăng cường dự báo

QPTĐ-Tăng cường bồi dưỡng kỹ năng, truyền thụ kinh nghiệm, để cán bộ các cấp bám sát bộ đội, tích cực nắm, dự báo kịp thời diễn biến tư tưởng, khả năng, trình độ của từng cán bộ, chiến sĩ, chủ động phân loại đối tượng để có phương pháp huấn luyện, bồi dưỡng phù hợp. Đó là những kinh nghiệm, giải pháp thiết thực nâng cao chất lượng huấn luyện, quản lý tư tưởng bộ đội, được cấp ủy, chỉ huy các đơn vị trong toàn Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội quan tâm, chú trọng thực hiện hiệu quả vào điều kiện thực tế tại đơn vị.

Huấn luyện chiến sĩ mới ở Trung đoàn 692, Sư đoàn Bộ binh 301.

Rèn cán rồi mới rèn quân

Rút kinh nghiệm về việc mất an toàn trong huấn luyện, diễn tập, học bơi, rèn thể lực và các vụ vi phạm kỷ luật của một số đơn vị trong toàn quân cho thấy, hầu hết nguyên nhân xuất phát từ năng lực quản lý bộ đội còn hạn chế; sự chủ quan trong chấp hành nguyên tắc của đội ngũ cán bộ trực tiếp huấn luyện, cụ thể là: Nóng vội “đốt cháy giai đoạn”, thao trường chưa bảo đảm điều kiện an toàn như độ cao ụ chắn đạn, cự ly các tuyến bắn, dải bắn, đường cơ động khi đánh, ném thuốc nổ, lựu đạn, nhưng do cán bộ còn đơn giản, thiếu sâu sát trong kiểm tra, giám sát, nên vẫn cho bộ đội thực hiện, dẫn đến mất an toàn. 

Để khắc phục hạn chế trên, những năm qua, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị của Bộ Tư lệnh đã đặc biệt quan tâm, chú trọng rèn luyện đội ngũ cán bộ toàn diện cả về phẩm chất lẫn năng lực, nhất là đội ngũ cán bộ trung đội, tiểu đội lần đầu tham gia huấn luyện, kinh nghiệm công tác còn yếu. Trong đó, chú trọng vào việc bám thao trường, tăng cường kiểm tra luyện tập, sửa tập ở cấp tiểu đội, trung đội, rút kinh nghiệm ngay trong từng buổi học, kịp thời bồi dưỡng, huấn luyện bổ sung những nội dung còn yếu. Đề cập vấn đề này, Thiếu tá Nguyễn Văn Quý, Phó Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn Đặc công 18, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết: “Muốn công tác huấn luyện được tổ chức cơ bản, thiết thực, vững chắc, đạt chất lượng tốt, thì ngoài làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, chỉ huy đơn vị phải thường xuyên bám nắm thao trường, hằng ngày có nhận xét, hằng tuần phải đánh giá từng mặt mạnh, yếu để rút kinh nghiệm, từ đó khắc phục được những hạn chế, nâng cao chất lượng huấn luyện và quản lý bộ đội”. Đây là giải pháp hiệu quả khắc phục được hiện tượng cán bộ thiếu bám nắm bộ đội, đánh giá không chính xác kết quả học tập, rèn luyện của đơn vị, giúp chỉ huy đơn vị nắm chắc tâm tư của bộ đội, kịp thời có biện pháp giáo dục, quản lý phù hợp.

Còn đối với Trung đoàn 692, Sư đoàn Bộ binh 301, để nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ huấn luyện, thì ngoài các giải pháp, như: Ra nghị quyết chuyên đề về công tác huấn luyện; tổ chức phát động thi đua; tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng quản lý, nắm và giải quyết tư tưởng, phương pháp duy trì luyện tập, sửa tập cho trung đội, tiểu đội trưởng. Trung đoàn còn yêu cầu, 100% giáo án chiến thuật đều phải viết bằng tay, do chính cán bộ huấn luyện thực hiện, tuyệt đối không cho phép sử dụng bản đánh máy. Lý giải điều này, Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng, Trung đoàn trưởng, Trung đoàn 692 cho biết: “Thông qua việc viết giáo án, chỉ huy có thể thấy rõ ý định, tưởng định chiến thuật, cách bố trí, sử dụng lực lượng, cũng như nhãn quan, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ huấn luyện; đồng thời tránh được hiện tượng cán bộ sao chép giáo án. Vì mỗi lần soạn giáo án, trực tiếp chép tay là một lần cán bộ có điều kiện luyện giáo án, trau dồi kiến thức. Đây còn là cơ sở để chúng tôi nắm chắc được chất lượng, năng lực, trình độ của từng cán bộ, để bố trí công việc cho phù hợp, tránh tình trạng cán bộ không biết mình có đảm đương được công việc hay không, để rồi làm việc lơ mơ, không hiệu quả, ảnh hưởng đến thành tích chung của đơn vị”.

Chủ động trong “4 cùng, 5 nắm” 

Từ nhiều năm nay, công tác nắm, quản lý tư tưởng của các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh có nhiều chuyển biến tiến bộ rõ nét. Kết quả nổi bật là, chất lượng huấn luyện, diễn tập, SSCĐ, công tác phòng gian giữ bí mật, bảo đảm an toàn trong huấn luyện, được duy trì nghiêm túc, chặt chẽ; công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục pháp luật ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất. Hằng năm, hoàn thành 100% nội dung, chương trình huấn luyện cho các đối tượng theo kế hoạch; kết quả kiểm tra 100% đạt yêu cầu, trong đó có trên 85% khá, giỏi. Cán bộ, chiến sĩ chấp hành nghiêm đường lối lãnh đạo của Đảng, pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, các quy định của đơn vị, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp, khả năng chiến đấu của lực lượng vũ trang Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Có được kết quả đó, là do cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã chủ động nắm chắc tình hình tư tưởng, rèn luyện kỷ luật bộ đội theo phương châm “4 cùng, 5 nắm”. Cụ thể, 4 cùng là: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, cùng chia sẻ với bộ đội. 5 nắm là: Nắm tâm tư, nguyện vọng; nắm lai lịch chính trị, hoàn cảnh gia đình; nắm phẩm chất đạo đức, lối sống; nắm năng lực công tác, kết quả hoàn thành nhiệm vụ; nắm mối quan hệ. Đại úy Nguyễn Bình Quân, Chính trị viên Tiểu đoàn Trinh sát 20, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chia sẻ: “Trong đội ngũ cán bộ, người có điều kiện thực hiện “4 cùng, 5 nắm” tốt nhất là trung đội trưởng, tiểu đội trưởng và các tổ, đội công tác. Nên đơn vị rất quan tâm bồi dưỡng về công tác nắm, quản lý, giải quyết tư tưởng cho đội ngũ cán bộ này. Nhờ đó, chúng tôi đã giải quyết được nhiều trường hợp vướng mắc về tư tưởng như quan hệ cấp trên với cấp dưới, quan hệ với đồng đội, nắm chắc được hoàn cảnh gia đình khó khăn, hay quan hệ nam nữ không lành mạnh của chiến sĩ”. 

Sự sâu sát, nhiệt tình giúp đỡ của đội ngũ cán bộ, là động lực, niềm tin giúp chiến sĩ vượt qua được khó khăn, yêu mến, gắn bó đơn vị. Trung tá Nguyễn Hữu Chẩn, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 692 cho biết: “Tư tưởng bộ đội được bộc lộ rõ nét nhất thông qua thực hiện nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ khó khăn, đột xuất. Do đó, chúng tôi xác định, quản lý tư tưởng ở cấp trung đội là khâu rất quan trọng. Nếu cán bộ trung đội mà gương mẫu, trách nhiệm, thì tư tưởng bộ đội rất yên tâm. Vì vậy, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn luôn yêu cầu đội ngũ cán bộ trung đội, tiểu đội phải thực hiện tốt “4 cùng, 5 nắm”, đồng thời, phát huy tốt vai trò các tổ công tác, như: Tổ 3 người, tổ tư vấn tâm lý-pháp lý, tổ chiến sĩ bảo vệ trong quản lý, huấn luyện bộ đội. Bên cạnh đó, tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua, tổ chức tốt các hoạt động vui chơi, giải trí, để cán bộ, chiến sĩ giải tỏa tâm lý áp lực, tạo sân chơi dân chủ, lành mạnh để cán bộ, chiến sĩ trao đổi tâm tư, nguyện vọng và thẳng thắn nói ra những thuận lợi, khó khăn vướng mắc trong sinh hoạt, học tập, công tác, giúp chỉ huy đơn vị sớm dự báo được tình hình và có biện pháp xử lý hiệu quả”. 

NGUYỄN VĂN TUÂN
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ