Về thăm nơi Bác Hồ viết “Thư gửi các chiến sĩ cảm tử quân Thủ đô”
QPTĐ-Kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về ở và làm việc tại xóm Lài Cài, thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm (nay thuộc huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội) từ ngày 13/1/1947 đến 2/2/1947. Đây là vinh dự đặc biệt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. 19 ngày ở tại nhà cụ Nguyễn Đình Khuê, Người đã cùng các đồng chí trong Trung ương Đảng, Chính phủ thảo luận và quyết định những việc hệ trọng đến vận mệnh của đất nước. 78 năm đã qua, ngôi nhà tranh vách đất nơi Người ở và làm việc vẫn được giữ gìn cẩn thận. Nhà lưu niệm Bác Hồ tại xóm Lài Cài đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho các thế hệ.

Nhà cụ Tạ Thị Làm ở ngay sát Nhà lưu niệm Bác Hồ. Cụ là cháu dâu của cụ Nguyễn Đình Khuê, chủ ngôi nhà 78 năm về trước Bác Hồ đã ở và làm việc sau ngày toàn quốc kháng chiến. Năm nay đã gần 90 tuổi, nhưng cụ còn minh mẫn, giọng nói sang sảng. Cụ dẫn tôi đi tham quan nhà lưu niệm, chỉ từng vật dụng, từ bộ bàn ghế Bác ngồi làm việc năm xưa, chiến giường tre Bác nghỉ ngơi, chiếc đèn dầu hỏa Bác dùng đi đêm, đến bộ bàn ghế nơi Người cùng các đồng chí cán bộ cao cấp của Trung ương Đảng, Chính phủ họp bàn việc nước… Cụ bảo: Khi còn sống, ông cụ nhà tôi vẫn hay kể rằng, khoảng 22 giờ đêm 13/1/1947, cụ được thông báo có đoàn người Hà Nội về tản cư, địa phương nhờ bố trí ở tại gia đình. Nhà cụ tôi mới làm căn nhà trên đồi cao, cây cối rậm rạp. Để lên được đó, phải len qua rừng cây, hoặc đi men theo đường nhỏ như bờ ruộng, cách xa trung tâm nên hết sức bí mật. Chiều 2/2/1947, Đoàn cán bộ rời nhà cụ Khuê. Trước khi đi, vị trưởng đoàn-người cụ Khuê thấy đêm hay ngồi viết sách, cho mời cụ sang để cảm ơn, căn dặn cụ cùng các con cháu tích cực ủng hộ kháng chiến, tuyệt đối giữ bí mật. Mãi về sau, cụ tôi mới biết, người mời cụ sang dặn dò hôm đó chính là Bác Hồ kính yêu. Cứ nghĩ về những ngày đó, cụ tôi và dòng họ, cả địa phương lại sung sướng và hạnh phúc vô cùng vì vinh dự được đón người lãnh tụ kính yêu đến ở và làm việc trong những ngày tháng vô cùng đặc biệt quyết định đến vận mệnh quốc gia.
19 ngày đêm Bác Hồ ở và làm việc tại xóm Lài Cài, thôn Phú Đa, Người đã cùng Trung ương Đảng, Chính phủ quyết định nhiều vấn đề đặc biệt quan trọng. Sáng sớm 13/1/1947, ngày đầu tiên ở địa phương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi ông Hoàng Hữu Nam (Thứ trưởng Bộ Nội vụ) nói về âm mưu của thực dân Pháp chiếm Hà Nội, về cách đối phó và những biện pháp quân sự của ta. Trong ngày, Người viết “Thư gửi các lãnh tụ và nhân dân các nước”. Sau khi vạch trần việc làm bất nhân bội ước của thực dân Pháp, Người phân tích ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Việt Nam do Pháp gây ra đối với “đại gia đình châu Á”, với hòa bình thế giới, với số phận của khối Liên hiệp Pháp và uy tín của nước Pháp. Cuối thư, Người viết: “Vì Tổ quốc, vì tự do, nhân dân Việt Nam kiên quyết kháng chiến đến cùng. Vì nhân đạo, chính nghĩa, vì hòa bình chung và lợi ích chung, nhân dân Việt Nam mong các vị giúp đỡ mọi phương diện”.
Ngày 16/1/1947, tại nhà cụ Khuê, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ để nghe báo cáo của Bộ Quốc phòng về tình hình các mặt trận 3 miền Bắc, Trung, Nam, nghe báo cáo của Bộ Nội vụ về tinh thần nhân dân, thảo luận các vấn đề về tản cư, di cư, vấn đề giáo dục trong thời chiến, vấn đề chăm sóc thương binh…Đêm 21/1/1947 (30 Tết Đinh Hợi), Bác Hồ di chuyển từ xã Cần Kiệm đến Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam (đặt tại chùa Trầm, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ). Đến nơi, Người vào ngay buồng máy đọc bài thơ Chúc Tết gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước: “Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió; Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông; Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến; Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng; Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào; Sức ta đã mạnh, người ta đã đông; Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi; Thống nhất độc lập, nhất định thành công!”. Đọc xong, Người thân mật nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đài Phát thanh và cảm ơn sư trụ trì chùa Trầm.

Sáng mồng Một Tết, Người viết 4 chữ “Cung hỷ tân xuân” trên tờ giấy điều, kèm theo một quả cam, một quả quýt gửi sang chúc Tết và mừng tuổi gia đình cụ chủ nhà. Ngày 24/1/1947, nhân dịp Tết Đinh Hợi, Người gửi Thư chúc Tết đồng bào và chiến sĩ Nam bộ, khẳng định lời thề “Thà chết chứ không làm nô lệ” của toàn dân Việt Nam. Người cũng giải thích về một số luận điệu phản tuyên truyền của thực dân Pháp hòng chia rẽ đồng bào ta và nêu 3 điểm trong chương trình nội chính của Chính phủ để đồng bào hiểu rõ. Ngày 25/1/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Chính phủ mới của Pháp đề nghị chấm dứt chiến tranh. Ngày 27/1/1947, Người viết “Thư gửi các chiến sĩ cảm tử quân Thủ đô” để thăm hỏi tình hình ăn Tết, khen ngợi tinh thần gan dạ chiến đấu của các chiến sĩ và dặn dò những điều cần thiết.
Bức thư có đoạn: “Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau”. Cùng với đó, Người sửa lại một số tài liệu quan trọng như: Phép dùng binh của ông Tôn Tử, Chiến thuật du kích, Người chính trị viên…
Ngày 02/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ để nghe báo cáo về quốc phòng, ngoại giao và thảo luận một số vấn đề về tài chính, kinh tế, tăng gia sản xuất. 18 giờ 30 phút cùng ngày, Người rời xã Cần Kiệm chuyển đến khu chùa Một Mái, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai tiếp tục chỉ đạo cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc.
19 ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tại thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm không nhiều, song Người cùng Trung ương Đảng, Chính phủ đã bàn và quyết sách nhiều vấn đề mang tính chiến lược cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Với cán bộ, nhân dân xã Cần Kiệm nói riêng, huyện Thạch Thất nói chung, được đón Bác về ở và làm việc trong những năm tháng ấy là vinh dự to lớn, trở thành động lực để cấp ủy, chính quyền và bà con nơi đây xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với sự tin tưởng của Bác Hồ vĩ đại.
Đức Trọng