Lăng Bác - Công trình của triệu trái tim Việt Nam
QPTĐ-Trong cái nắng vàng óng của một sáng Hà Nội, dòng người nối dài trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành hình ảnh quen thuộc suốt gần nửa thế kỷ qua. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau công trình vĩ đại ấy là câu chuyện đầy xúc cảm của hàng triệu người dân Việt Nam. Chúng tôi tìm gặp ông Lê Xuân Mai trong căn nhà nhỏ nép mình giữa lòng Thủ đô, câu chuyện của ông như mở ra một trang sử sống động về công trình "ý Đảng, lòng dân" vĩ đại bậc nhất của dân tộc vào thế kỷ XX.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, ngày 29/11/1969, Bộ Chính trị quyết định: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người”. Ngày 2/9/1973, Lễ khởi công xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã diễn ra tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Giữa bối cảnh đất nước vẫn còn trong chiến tranh, kinh tế kiệt quệ, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhiều người đã không tin vào khả năng hoàn thành công trình. Nhưng với ý chí "thép" của cả dân tộc, điều không tưởng ấy đã trở thành hiện thực chỉ sau 2 năm.
Khắp các công trường, nhà máy, xí nghiệp từ Bắc chí Nam, những người thợ giỏi nhất được lựa chọn. Người thợ điện năm xưa của công trường xây Lăng giờ đã bước sang tuổi 91, nhưng ký ức về công trình vĩ đại nhất đời người thợ vẫn sống động trong ông. "Ngày ấy, chúng tôi làm việc với phương châm “ba không”: Không kể giờ giấc, không đòi hỏi, không tính toán. Làm bằng cả trái tim chứ không chỉ bằng đôi tay", ông Lê Xuân Mai xúc động nhớ lại.
Và thế là, từ một người thợ điện, Phó Bí thư công đoàn của Công ty Xây dựng Hà Nội, ông Lê Xuân Mai xung phong trở thành Tổ trưởng Tổ điện gồm 4 người, chịu trách nhiệm đảm bảo điện cho các tổ hàn hạng mục khung xương gắn đá bao ngoài Lăng. "Khi đó, thiết bị được các bạn Liên Xô hỗ trợ, mới và hiện đại. Dù chưa bao giờ làm những hệ thống phức tạp như thế nhưng chúng tôi phải đảm bảo không được mất điện dù chỉ một giây, cung cấp nguồn điện ổn định cho 12 tổ hàn làm việc suốt ngày đêm. Không có điện, mọi công việc sẽ đình trệ".
Ông Mai đặc biệt nhớ đến giai đoạn hàn khung cho bức phù điêu phía trước Lăng. "Mỗi mối hàn đều phải chịu được sức nặng khủng khiếp của những tấm đá nguyên khối. Chúng tôi phải tính toán từng milimet, hàn theo phương pháp đặc biệt để đảm bảo độ bền vĩnh cửu. Mà phần phù điêu trước mặt là công đoạn khó nhất. Anh thợ phải hàn những khung thép cực nhỏ nhưng phải chịu lực rất lớn, đòi hỏi sự tỉ mỉ của người làm kim hoàn chứ không phải thợ hàn thông thường".
Công trường xây dựng Lăng Bác những ngày ấy là một bức tranh của sự khẩn trương và gian khổ. Đất nước vẫn chưa thống nhất, bom đạn vẫn còn rơi ở miền Nam, nguồn vật tư khan hiếm từng ngày. Ký ức về những đêm làm việc dưới ánh đèn bập bùng hiện về sống động trong tâm trí ông: "Chúng tôi làm việc theo ca, trong tổ có 2 cô phụ nữ đều có con nhỏ, nhưng chẳng ai chịu về khi hết giờ. Có những đêm mưa bão, anh em vẫn ngồi lại, người thì che bạt, người thì múc từng gàu nước chỉ cốt giữ cho thiết bị khỏi ướt, sợ một phút lơ là sẽ ảnh hưởng đến tiến độ".
Theo tài liệu lưu trữ của Ban Quản lý Lăng, hơn 2.000 kỹ sư, công nhân từ 28 tỉnh, thành đã được huy động. Hàng chục ngàn tấn vật liệu từ khắp mọi miền đất nước đã đổ về Hà Nội: Đá hoa cương từ Thanh Hóa, gỗ từ Tây Nguyên, tre nứa từ chiến khu Việt Bắc... Tất cả tạo nên một sự kiện chưa từng có trong lịch sử xây dựng Việt Nam, là kết tinh của sự chung sức của cả dân tộc. Ông Mai nhấn mạnh: "Lúc đó, dù đất nước còn khó khăn, nhưng mọi người đều sẵn sàng đóng góp. Có những cụ già dành dụm tiền bán rau, những bà mẹ miền Nam gửi ra mảnh vải may cờ, lại có cả những em nhỏ nhịn quà để ủng hộ xây Lăng Bác... Đó thực sự là “ý Đảng, lòng dân” hòa làm một". Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, riêng năm 1974 đã có hơn 12 triệu lượt người ủng hộ tiền và hiện vật xây Lăng. Một con số khổng lồ trong bối cảnh đất nước còn nghèo đói.
Ngày 30/4/1975, non sông thu về một mối, chỉ vài tháng sau vào ngày 29/8/1975, công trình đặc biệt mang tên Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện diện giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử -nơi mà đúng 30 năm trước Bác Hồ đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày khánh thành đón Bác về Lăng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ đội, công nhân, kỹ sư và nhân dân cả nước bùi ngùi xúc động, xen lẫn niềm vui sướng là những giọt nước mắt và lòng biết ơn vô hạn người Cha già kính yêu của dân tộc trọn đời tận hiến vì nước, vì dân.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, ánh nắng cuối ngày chiếu rọi lên mái Lăng, hình ảnh dòng người viếng Bác ngày ấy và bây giờ như chồng làm một, in bóng dài trên Quảng trường Ba Đình. Chúng tôi chợt hiểu rằng, Lăng Bác không chỉ là nơi yên nghỉ của một vĩ nhân, mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết, của tinh thần bất khuất, và trên hết là tình yêu thương vô hạn mà triệu trái tim Việt Nam dành cho Người. Và những con người như ông Lê Xuân Mai, với đôi bàn tay chai sạn và trái tim nồng ấm, mãi mãi là những người hùng thầm lặng của một thời kỳ lịch sử không thể nào quên.
Ý Nhi