Tự hào góp sức làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ
QPTĐ-Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao thắng lợi của chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, nơi hội tụ sức mạnh tổng hợp của đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, nơi thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu kiên cường, dũng cảm của quân và dân ta, là nơi phản ánh những nét độc đáo, đặc sắc về nghệ thuật quân sự và sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân. Trong chiến thắng lịch sử này, quân và dân Hà Nội luôn tự hào vì đã đóng góp không nhỏ vào thắng lợi vẻ vang chung của toàn dân tộc ngay trên chính mảnh đất nơi địa đầu, phên dậu của Tổ quốc.

Quận Đống Đa đã gặp mặt, giao lưu chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Theo Thiếu tướng Lê Như Đức, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam, Chủ tịch Hội CCB thành phố Hà Nội: Cùng chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã tổ chức hàng nghìn trận đánh lớn, đánh nhỏ ở các huyện ngoại thành, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực, vũ khí, khí tài của địch. Điển hình như: Trận tập kích sân bay Bạch Mai; sân bay Gia Lâm, phá hủy 33 máy bay và nhiều kho nhiêu liệu của địch, góp phần làm suy yếu sự chi viện bằng đường không của địch cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đồng thời, đưa 5.985 thanh niên nam, nữ vào quân đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, tham gia chiến đấu trên các chiến trường từ Chiến dịch Biên giới, đến Thượng Lào, Hạ Lào… Trong đó, có 1.697 người trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ cho đến ngày toàn thắng.
Những chiến sĩ Điện Biên năm xưa giờ đã là cựu chiến binh và cựu TNXP. Các bác đều ở tuổi "xưa nay hiếm" nhưng mỗi khi nhắc lại giây phút chiến thắng, ký ức lại ùa về trong tâm trí mỗi người. Đại tá Nguyễn Thụ, nguyên Trung đội trưởng thuộc Đại đội 269, Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308, trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến dịch Điện Biên Phủ. Với niềm tự hào về những tháng năm gian khổ chiến đấu và chiến thắng, ông chia sẻ: Tôi xung phong nhập ngũ khi chưa đầy 16 tuổi, với suy nghĩ đi tham gia kháng chiến đánh đuổi giặc Pháp để giành độc lập cho đất nước. Tôi được biên chế vào Đại đội 42, Tiểu đoàn 84, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308. Sau một tuần huấn luyện là đi chiến đấu liên tục ở các chiến trường.
Trong chiến dịch Điên Biên Phủ, Trung đội do Đại tá Nguyễn Thụ chỉ huy được điều lên chiến đấu trên đồi A1 với quân số 16 người, được trang bị 2 trung liên, 4 tiểu liên, còn lại là súng trường, bảo đảm đạn mỗi đồng chí 2 đến 3 cơ số, có 1 máy thông tin 2W. Thời gian này, Trung đội ông chiến đấu nhiều trận rất ác liệt do có hàng trăm khẩu pháo của địch bắn vào, nên tai ai nấy đề bị điếc đặc, không còn nghe thấy gì nữa. Hiệp đồng và chỉ huy chiến đấu chỉ bằng quan sát ánh lửa đầu nòng súng của người chỉ huy. Sau mỗi trận đánh, các ông lại củng cố công sự, công sự nào tốt nhất thì dành cho thương binh, khi chưa chuyển về tuyến sau được... Sau trận đánh này, ông và 1 đồng chí nữa được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ ông được điều về Trường Sĩ quan lục quân I làm giảng viên và nghỉ hưu năm 1992. Sau 43 năm công tác phục vụ Quân đội, ông được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng Ba, 2 Huân chương Chiến công hạng Ba, và nhiều Huân chương khác…

Thiếu tướng Lê Như Đức, Chủ tịch Hội CCB TP Hà Nội trao quà cho CCB trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.