Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô
QPTĐ-Sau khi Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm vào đêm 27/7 và Ngân hàng trung ương nhiều nước đã có nhiều đợt tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát tăng mạnh, trước tình hình đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành bàn về những giải pháp, đối sách phù hợp cả trước mắt và lâu dài để tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng Chính phủ nhận định, tình hình thế giới đang diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ; lạm phát tăng cao, đồng tiền của nhiều quốc gia mất giá; cạnh tranh chiến lược gay gắt.
Việc thay đổi định hướng chính sách ở nhiều nước làm thu hẹp thị trường, tác động đến các chuỗi cung ứng đã tác động tiêu cực đến nước ta trên nhiều lĩnh vực, nhất là xuất, nhập khẩu, giá xăng dầu, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, quy mô còn khiêm tốn, khả năng chống chịu thì có hạn, cho nên chỉ cần một biến động nhỏ ở bên ngoài có thể tác động lớn đến trong nước.
Trước đó, tại Hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2022” do Học viện Tài chính phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) được tổ chức gần đây, Hội thảo đã đưa ra dự báo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng trung bình 2,44% so với cùng kỳ năm 2021. Dư địa kiểm soát lạm phát trung bình dưới 4% trong năm nay còn khá lớn. Về cơ bản, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong nước vẫn dồi dào đã góp phần quan trọng trong kiểm soát mặt bằng giá thời gian qua. Tuy nhiên, các chuyên gia tại Hội thảo cũng dự báo nhiều thách thức với kinh tế Việt Nam. Đó là tình hình thế giới có nhiều biến động với cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa có hồi kết; chính sách zero Covid-19 của Trung Quốc và việc gián đoạn, đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu sẽ khiến mặt bằng giá cả khó giảm. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát có thể gây suy thoái kinh tế toàn cầu. Các nhân tố này sẽ khiến hoạt động thương mại của Việt Nam tăng chậm lại khi đà phục hồi kinh tế toàn cầu giảm.
Trước tình hình khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tập trung theo dõi sát, nắm chắc tình hình, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; nâng cao năng lực phân tích, dự báo; đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp kịp thời cả trước mắt và lâu dài; chủ động phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, khoa học, hiệu quả. Thủ tướng nhấn mạnh: Nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên số 1 hiện nay là tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, chống suy thoái, thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Chú trọng phòng, chống dịch Covid-19, nhất là đẩy mạnh tiêm vaccine. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo nền tảng cho phát triển bền vững. Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả; phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi; tiếp tục rà soát, giảm thuế, phí, lệ phí, các chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh và quyết liệt hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển, thu hút đầu tư tư nhân và nước ngoài, lấy nguồn lực Nhà nước kích hoạt, dẫn dắt mọi nguồn lực hợp pháp khác, góp phần tạo công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng. Triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Quan điểm định hướng chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô trong thời gian tới là tăng cường năng lực phân tích, dự báo và kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo điều hành, sử dụng chủ động, linh hoạt và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các công cụ chính sách để thực hiện ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn, củng cố và phát triển các loại trường vốn, thị trường bất động sản một cách an toàn, lành mạnh, hiệu quả, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
Hữu Văn