Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là cơ sở để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân
QPTĐ-Năm 2023, với quyết tâm chính trị, nỗ lực phấn đấu của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân Thủ đô, Thành phố đã thực hiện toàn diện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đạt nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 14, HĐND Thành phố.
Báo cáo của Thành phố cho thấy, năm 2023, phát triển kinh tế của Thủ đô đạt kết quả khá, tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm 6,08%, cả năm ước tăng 6,27%, cao hơn mức bình quân của cả nước; thu ngân sách dự kiến đạt 400.421 tỷ đồng, bằng 113,5% so với dự toán và tăng 20% so với năm 2022; các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch phục hồi và phát triển mạnh; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng 62% so với năm 2022; công tác quy hoạch và phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội được đẩy mạnh, nhất là khởi công và triển khai dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 56/2022/NQ-QH15 của Quốc hội. Các công trình, dự án trong lĩnh vực giáo dục, y tế, tu bổ tôn tạo di tích văn hoá được quan tâm đầu tư. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được chăm lo, thực hiện tốt, đời sống nhân dân được cải thiện; quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội được giữ vững; hoạt động đối ngoại được tăng cường và mở rộng, góp phần tích cực vào thành quả chung của cả nước, khẳng định vị thế, vai trò rất quan trọng của Thủ đô.
Hoạt động của HĐND và các vị đại biểu HĐND các cấp Thành phố từ đầu nhiệm kỳ đến nay có nhiều đổi mới, hoạt động ngày càng đi vào thực chất, hiệu lực, hiệu quả, khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thành phố đã chủ động phối hợp, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 160/2021/QH14 ngày 08/4/2021 của Quốc hội và Nghị định số 68/2021/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách, trong đó quy định tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND Thành phố tối đa là 19 người, tạo điều kiện nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND Thành phố. Đảng đoàn HĐND, Thường trực HĐND Thành phố phối hợp, đề xuất Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội ban hành Đề án số 15-ĐA/TU ngày 12/5/2022 về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”, trong đó nhấn mạnh vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng trong hoạt động của HĐND các cấp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại Kỳ họp.
Bên cạnh đó, HĐND Thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham mưu, đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 về “Hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ Đại biểu HĐND và đại biểu HĐND”, tạo sự đồng bộ, thống nhất, chuẩn hoá, lan toả sự đổi mới trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử từ Quốc hội tới HĐND các cấp.
HĐND Thành phố đã bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, cụ thể hóa thành các nghị quyết, ban hành cơ chế, chính sách, các biện pháp thiết thực, khả thi, phù hợp với thực tiễn của Thành phố như: Đề án phân cấp, uỷ quyền; Đề án quản lý, khai thác tài sản công; Đề án cải tạo chung cư cũ; Kế hoạch đầu tư xây dựng 3 trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ các di tích lịch sử văn hoá; Các cơ chế, chính sách phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 và đảm bảo an sinh xã hội cùng rất nhiều đề án quan trọng khác trên các lĩnh vực đã được thực hiện có hiệu quả, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Lan tỏa những đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy, HĐND thành phố Hà Nội đã lựa chọn đúng những vấn đề quan trọng, được đông đảo cử tri, dư luận quan tâm để tổ chức giám sát, chất vấn, giải trình như: Dự án chậm triển khai, quản lý tài sản công, cải cách hành chính, chuyển đổi số, lĩnh vực môi trường, xử lý nước thải, rác thải, việc đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các khu đô thị… HĐND Thành phố cũng phối hợp chặt chẽ với Đoàn ĐBQH Thành phố, các cơ quan của Quốc hội triển khai có hiệu quả các hoạt động giám sát chuyên đề theo chương trình, kế hoạch giám sát tối cao của Quốc hội và giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đóng góp thiết thực vào kết quả giám sát và đổi mới công tác giám sát của Quốc hội và các cơ quan dân cử.
Đại biểu tham dự kỳ họp.