Tỏa sáng nét đẹp Bộ đội Cụ Hồ
“Hoan hô anh Giải phóng quân
Kính chào anh con người đẹp nhất
Lịch sử hôn anh chàng trai chân đất
Sống hiên ngang, bất khuất trên đời
Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi…”
Nhắc đến hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong tác phẩm “Bài ca Xuân 68” của Tố Hữu nói riêng và rất nhiều những tác phẩm văn học, hội họa, truyện ngắn nói chung có lẽ chúng ta đều gặp nhau ở một điểm chung về nhận định: Đó là hình tượng “Bộ đội Cụ Hồ” luôn khiến người đọc thực sự xúc động và gần gũi, như nét son độc đáo, là “di sản” văn hóa đặc sắc, nhân văn của dân tộc ta suốt chiều dài lịch sử. Thật hiếm có dân tộc nào trên thế giới, lực lượng vũ trang lại gắn liền với tên của vị Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc-Cụ Hồ.
Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ luôn tỏa sáng.
Ngay từ khi ra đời, người lính Bộ đội Cụ Hồ-từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu-đã không tiếc tuổi thanh xuân, sẵn sàng hy sinh xương máu để đổi lại tự do cho Tổ quốc, để đất nước được trường tồn; khi bị giam cầm, tra tấn dã man của kẻ thù, những người lính ấy lại lần nữa thể hiện sự kiên trung, vượt qua bao gian nan, thử thách ở chốn ngục tù bằng ý chí và tinh thần sắt đá.
Đi dọc chiều dài đất nước, trong mọi nóc nhà đều có người lính ra trận, hoặc lên đường nhập ngũ và đâu đâu ta cũng dễ dàng thấy những nghĩa trang liệt sĩ với những hàng tên ken dày. Tôi đã có mặt ở Nghĩa trang Trường Sơn, Đường 9-Nam Lào, Ngã ba Đồng Lộc, Thành cổ Quảng Trị, Đồi D1… Đứng giữa nghĩa trang rộng mênh mông, tôi đã lặng đi, nước mắt rưng rưng bởi tôi thực sự thấm thía được sự hy sinh quá lớn của lớp lớp cha ông để chúng tôi có được những giây phút hòa bình như hôm nay. Chính Tố Hữu, trong một tác phẩm của mình cũng đã từng thốt lên: “Máu của anh chị, của chúng ta không uổng/Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam/Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng”…
Trong đời thường, họ giản dị, mộc mạc nhưng trong chiến đấu những người lính Bộ đội Cụ Hồ sẵn sàng “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, xung kích đi đầu nơi “đầu sóng ngọn gió”, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, những địa bàn khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất; tuyệt đối trung thành với Đảng, trọn hiếu với nhân dân; sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, giao phó. Đã có rất nhiều tấm gương còn tạc mãi với thời gian như: Võ Thị Sáu-người con gái trẻ măng/giặc đem ra bãi bắn/vẫn ung dung mỉm cười; rồi Phan Đình Giót-lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng… Họ chính là hình mẫu để thế hệ hôm nay hết lòng tự hào, hết lòng tin yêu, quý trọng, không ngừng phấn đấu noi theo.
Bước sang năm 2020, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước ta, đó là tổ chức đón đồng bào ta từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch trở về Việt Nam, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ lại một lần nữa tỏa sáng. Được sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, thành phố Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thủ đô chỉ trong thời gian ngắn đã tiếp nhận, vận chuyển 23.347 công dân, với 1.719 chuyến xe đưa công dân nhập cảnh từ nước ngoài về cơ sở cách ly tập trung theo kế hoạch, với tổng 296.732km; phối hợp với các đơn vị quân đội, sở, ngành, địa phương, tiếp nhận cách ly y tế tập trung cho 17.038 công dân (trong đó, Bộ Tư lệnh tiếp nhận, cách ly 10.218 công dân).
Nhiệm vụ nặng nề, khả năng lây nhiễm rất cao, có thời điểm công dân về đông, một người phải làm việc bằng 2, 3 công suất bình thường; nhiều đêm dài không ngủ tròn giấc; điều đáng nói, những người lính Thủ đô ngoài đối mặt với hiểm nguy còn phải xa gia đình trong thời gian rất dài thế nhưng phát huy nét đẹp người chiến sĩ Thủ đô, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ họ vẫn vươn lên vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ; không để xảy ra mất an toàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, được các cấp đánh giá cao, để lại ấn tượng đẹp trong lòng nhân dân.
Rồi gần đây nhất là lũ, lụt miền Trung, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ hơn bao giờ hết sẵn sàng xả thân nơi “đầu sóng, ngọn gió”. Có những vị tướng đã vì dân hóa thân vào đất mẹ. Các anh ra đi nhưng nét đẹp ấy một lần nữa sẽ còn ở lại, sáng mãi trong lòng những bà con khúc ruột miền Trung nói riêng và cả nước nói chung, để rồi đúng như vần thơ “Toàn thắng về ta (Tố Hữu)”: Rất mãnh liệt và cũng rất dịu dàng, tâm hồn Anh là muôn trùng sóng bể/…Lịch sử sang Xuân/ Anh vào trận cuối cùng/Đại lộ Hồ Chí Minh, thác réo quân đi cuồn cuộn...
Trần Hiền