Chung tay ngăn chặn, không phổ biến vũ khí hạt nhân
QPTĐ-Tuần qua, dư luận thế giới tập trung sự chú ý vào Hội nghị đánh giá Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) lần thứ 10 diễn ra tại New York (Mỹ), trong bối cảnh xung đột tại Ukraine tiếp tục leo thang. Nga tuyên bố, quyết tâm đạt bằng được các mục đích của chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm “phi phát xít hóa”, “phi hạt nhân hóa” Ukraine. Mỹ và phương Tây không ngừng viện trợ vũ khí cho chính quyền Kiev, chống lại Moskva.
Toàn cảnh Hội nghị đánh giá Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) ở New York, Mỹ ngày 1/8/2022. (Ảnh: Internet)
Phát biểu tại Hội nghị NPT (ngày 1/8), Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Guterres cảnh báo, những căng thẳng địa chính trị leo thang đang khiến thế giới đối mặt với mối đe dọa hạt nhân lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, bên cạnh những mối đe dọa khác như xung đột, biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19.
“Ngày nay, chỉ cần một tính toán sai lầm, cả nhân loại sẽ phải đối mặt với sự hủy diệt hạt nhân”. Cố gắng giảm nguy cơ bùng nổ chiến tranh là chưa đủ, phải hủy bỏ vũ khí hạt nhân mới là cách duy nhất đảm bảo rằng, chúng ta sẽ không bao giờ được sử dụng nó-Ông A.Guterres cho biết thêm: “Hiện có gần 13.000 vũ khí hạt nhân cất giữ trong các kho vũ khí trên khắp thế giới, ở thời điểm mà nguy cơ phổ biến vũ khí gia tăng, các hàng rào ngăn chặn nguy cơ leo thang xung đột đang suy yếu”.
Hiệp ước NPT là một trong những văn kiện pháp lý quốc tế cơ bản của cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 12/6/1968. Đã có 191 quốc gia tham gia NPT.
Theo tài liệu của Liên hợp quốc, có 10 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân bao gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel, Triều Tiên, Iran. Nga và Mỹ, mỗi nước có khoảng 6.000 đầu đạn hạt nhân-kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới và chỉ cần sử dụng một phần trong số này, sẽ hủy diệt trái đất.
Trước thềm Hội nghị NPT, Tổng thống Mỹ J.Biden kêu gọi Nga tham gia vào các cuộc đàm phán để đưa ra một thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới thay thế cho Hiệp ước New START (START-3). “Mỹ sẵn sàng đẩy nhanh đàm phán khuôn khổ kiểm soát vũ khí mới thay thế Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) sẽ hết hạn vào năm 2026. Tuy nhiên, đàm phán cần một đối tác sẵn sàng hành động một cách thiện chí. Trong bối cảnh này, Nga cần thể hiện rằng, họ sẵn sàng nối lại đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân với Mỹ”-Ông J.Biden nhấn mạnh.
Trước đó, Ông chủ Nhà Trắng cáo buộc Nga “phá vỡ hòa bình châu Âu” khi triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine. “Đây là một cuộc tấn công vào các nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế”-Tổng thống Mỹ khẳng định. Đồng thời, kêu gọi Trung Quốc tham gia đàm phán về giải trừ hạt nhân.
Hiện, New START quy định, hai nước Nga, Mỹ chỉ được triển khai tối đa 700 đầu đạn liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM); 1.550 đầu đạn cho ICBM, SLBM và máy bay ném bom hạng nặng; 800 bệ phóng ICBM, SLBM, máy bay ném bom hạng nặng đã triển khai và chưa triển khai.
Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng công nghệ, công nghiệp quốc phòng được đưa vào chế tạo vũ khí hạt nhân, tên lửa siêu thanh, vũ khí triển khai trên tàu ngầm, tàu nổi, máy bay, thậm chí một tên lửa ICBM có sức công phá mạnh gấp hàng ngàn lần quả bom hạt nhân Mỹ ném xuống Nhật Bản (8/1945) thì nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân là rất lớn.
Trong bức thư gửi các bên tham gia Hội nghị NPT, công bố ngày 1/8, Tổng thống Nga V.Putin khẳng định: “Nga luôn tuân thủ tinh thần và nội dung của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Các nghĩa vụ của chúng tôi theo các thỏa thuận song phương với Mỹ về việc cắt giảm và hạn chế các loại vũ khí liên quan cũng đã được hoàn thành đầy đủ”. Nga tin rằng, “không có người chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân”, cuộc chiến này “không bao giờ được nổ ra”. “Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đối với các đối tác”, sử dụng năng lượng hạt nhân một cách hòa bình, không cần bất kỳ điều kiện nào-Ông V.Putin nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị NPT (2/8), ông A.Trofimov, quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Nga bác bỏ cáo buộc của phương Tây về khả năng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả hành động gây hấn của khối quân sự NATO liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine. “Những suy đoán đó hoàn toàn vô căn cứ, xa rời thực tế và không thể chấp nhận được”. Tuy nhiên, Moskva sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc một cuộc tấn công vũ khí thông thường đe dọa sự tồn tại của Nhà nước Nga”-Ông A.Trofimov nói.
Trước đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga D.Medvedev-cựu Tổng thống Nga, đã đề cập đến Học thuyết hạt nhân Nga, về điều kiện cho phép Moskva được quyền sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo đó, trường hợp đầu tiên là tình huống Nga bị tấn công bằng tên lửa hạt nhân. Hai là bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào khác được sử dụng để chống lại Nga hoặc các đồng minh của Nga. Ba là một cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu làm tê liệt các lực lượng răn đe hạt nhân của Nga. Bốn là xuất hiện các hành động thù địch nhằm vào Nga và các đồng minh, gây nguy hiểm cho sự tồn vong của đất nước dù chỉ bằng vũ khí thông thường.
Xung đột quân sự ở Ukraine đã sang tháng thứ 6, kể từ tháng 2 năm nay. Trong tuần đầu tháng 8, Mỹ tung 2 gói hỗ trợ vũ khí trị giá 550 triệu và 1 tỉ USD cho Kiev bao gồm pháo phản lực phóng loạt (HIMARS), hệ thống tên lửa đất đối không NASAMS, xe vận tải y tế bọc thép M113, nâng số viện trợ lên 8,8 tỉ USD trong 2 năm qua. Mỹ cam kết viện trợ quân sự, kinh tế lên đến 54 tỉ USD cho Kiev.
Đề cập đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, Tổng Thư ký NATO J.Stoltenberg tuyên bố: “Những gì xảy ra ở Ukraine thật khủng khiếp, nhưng sẽ còn tồi tệ hơn nhiều nếu xảy ra chiến tranh giữa Nga và NATO. Nga không được phép thành công”.
Bộ Ngoại giao Nga lên án Mỹ và phương Tây cung cấp vũ khí, hậu cần cho Ukraine “tạo nên một cuộc chiến hỗn hợp” nhằm vào Nga, chỉ khiến cuộc chiến kéo dài, gây thêm đau khổ cho người dân xứ sở Bạch Dương này.
NHẬT MINH