A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mỹ, NATO và EU gây sức ép lên Nga!

 

QPTĐ-Tuần qua, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ tuyên bố, áp lệnh trừng phạt lên các thực thể và quan chức cấp cao Nga bởi nghi vấn thủ lĩnh đối lập A.Navalny bị Nga đầu độc; đồng thời, Mỹ công bố gói viện trợ quân sự cho Ukraine, đưa thêm 20.000 binh sĩ đến Ba Lan áp sát biên giới phía Đông nước Nga. 

Mỹ sẽ tiếp tục duy trì một số biện pháp trừng phạt đối với các thực thể liên quan đến dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga. (Ảnh: Internet)

Đây được xem là động thái mới của Mỹ sau khi ông J.Biden ngồi ghế Ông chủ Nhà Trắng, trong khi EU không ngừng gia tăng các biện pháp chống đối, kiềm chế Nga. 

Ngoại trưởng Nga S.Lavrov tuyên bố, Moskva đang cạn kiên nhẫn khi Liên minh châu Âu liên tục gia tăng khiêu khích, Nga sẵn sàng đưa ra các biện pháp đáp trả lệnh trừng phạt của châu Âu.

Sau vụ Crimea (năm 2014), Mỹ và phương Tây đồng loạt áp lệnh trừng phạt, cấm vận Nga bởi Điện Kremlin sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Nga thì chiến dịch tuyên truyền về việc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSA) sử dụng chất độc thần kinh Novichok đầu độc “nhà tình báo hai mang”-Đại tá S.Sevgev cùng con gái S.Yulia (3/2018), đầu độc thủ lĩnh đối lập A.Navalny (8/2020) được xem là sự hợp tác ăn ý, phối hợp đồng bộ giữa Mỹ và phương Tây nhằm hạ uy tín Điện Kremlin, hướng đến mục tiêu cô lập nước Nga. 

Sau nhiều tháng A.Navalny sang Đức điều trị, trở về Nga (17/1/2021); thủ lĩnh 44 tuổi, lãnh đạo Đảng Liên minh nhân dân Nga đối lập bị tạm giữ do không chịu chấp hành lệnh của tòa án phải trình diện hàng tháng. Trong một phiên tòa tái thẩm (2/2021), ông A.Navalny bị tuyên án tù giam 3,5 năm, thay vì tù án treo bị tuyên trước đó (năm 2014). Ông A.Navalny có nguy cơ phải đối mặt với 3 vụ án hình sự khác.

Ngay sau đó, các cơ quan tuyên truyền châu Âu và Mỹ lên tiếng cáo buộc Nga vi phạm nhân quyền, đòi phải thả ngay ông A.Navalny. Bộ Nội vụ Nga ra tuyên bố, A.Navalny vi phạm pháp luật Nga và phải được xét xử theo Hiến pháp, luật pháp Nga; đồng thời, phản đối các thế lực nước ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Nga. 

Không chịu dừng lại, Mỹ và phương Tây áp hàng loạt lệnh trừng phạt Nga. Chính phủ của Tổng thống Mỹ J.Biden ban hành lệnh trừng phạt 7 quan chức cấp cao và 14 thực thể Nga liên quan đến việc sản xuất sinh học, hóa học của Nga; trong đó có 13 cơ sở thương mại và 1 Viện nghiên cứu thuộc Chính phủ Nga. Đồng thời, gây sức ép lên Liên minh châu Âu và các nước thành viên châu Âu tăng sức ép lên Moskva. 

EU thông qua biện pháp trừng phạt đối với 4 quan chức thực thi pháp luật và tư pháp cấp cao Nga liên quan đến việc bắt giam A.Navalny. Theo đó, những người nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ và EU bị hạn chế di chuyển đến EU, Mỹ, tài sản của họ ở phương Tây bị đóng băng; các đối tác của họ cũng sẽ bị trừng phạt nếu “bắt tay” hợp tác. Mỹ dự định sẽ hạn chế những mặt hàng xuất khẩu nhất định đến Nga; đồng thời, tuyên bố cứng rắn hơn với Moskva so với giai đoạn trước? “Chúng tôi sẽ thực hiện những hành động thích hợp, bởi cần làm thật rõ ràng rằng, chúng tôi không chấp nhận cách cư xử trước đây. Chúng tôi sẽ hợp tác với đồng minh và đối tác của mình”-Ngoại trưởng Mỹ A.Blinken nói. 

Ngày 1/3, chuyên gia nhân quyền của Liên hợp quốc A.Callamard đưa ra lời cáo buộc Nga phải chịu trách nhiệm vụ liên quan đến đầu độc ông A.Navalny; đồng thời, kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về vụ việc này. Đây là một tuyên bố gay gắt nhằm vào Nga-thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. 

Trước đó, Nghị viện châu Âu (EP) ra nghị quyết trừng phạt Nga, kêu gọi các nước thành viên hủy Dự án “Dòng chảy phương Bắc-2” cấp khí đốt từ Nga sang Đức, công suất 55 tỉ m3/năm. Tuy nhiên, Đức vẫn trung thành với ý tưởng hiện thực hóa dự án, kiên quyết bác bỏ các hành động thái quá, cản trở dự án hoàn thành vào quý I/2021. Đây là một dự án hợp tác đa quốc gia do các công ty tư nhân Nga, Đức làm chủ đầu tư nên nghị quyết của EP chỉ mang tính biểu trưng. 

Sau khi hàng loạt công ty đa quốc gia hoảng sợ bị Mỹ áp lệnh trừng phạt, bỏ dở việc thi công đường ống, Điện Kremlin chỉ đạo các công ty Nga thay chân họ, hoàn tất giai đoạn cuối dự án có giá trị đầu tư hơn 10 tỉ euro này. 

Tại Hội nghị trực tuyến An ninh Munich (19/2), Tổng thống Mỹ J.Biden tuyên bố, Mỹ đã trở lại trên trường quốc tế, quyết tâm củng cố và duy trì địa vị lãnh đạo thế giới của Mỹ-Đây là điểm khác biệt với chính sách “Nước Mỹ trên hết” dưới thời Tổng thống D.Trump. 

“Tôi nói với tất cả mọi người: Nước Mỹ đã trở lại! Liên minh xuyên Đại Tây Dương đã trở lại và chúng tôi sẽ không quay đầu”-Thông điệp của ông J.Biden phát đi từ Nhà Trắng. Đó là, liên minh giữa Mỹ và châu Âu đã, đang và sẽ phải là mối quan hệ then chốt trong quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương và trên trường quốc tế. Mỹ cam kết bảo đảm an ninh cho các đồng minh NATO theo Điều 5 trong Hiến chương khối NATO. 

Cùng với đó, Hội nghị trực tuyến Ngoại trưởng Mỹ và các đồng cấp: Anh, Pháp, Đức đã khẳng định mối quan hệ đồng minh “Bộ tứ Đại Tây Dương”. 

Trước hết, Mỹ khởi động kế hoạch đưa 20.000 binh sĩ cùng vũ khí hạng nặng đến Ba Lan, áp sát biên giới Nga, thực hiện sứ mệnh của NATO. Lầu Năm Góc đưa ra dự kiến cấp 150 triệu USD thông qua “Sáng kiến Hỗ trợ an ninh Ukraine (USAI)” viện trợ quân sự bao gồm cung cấp vũ khí, huấn luyện cho quân đội Kiev. Dưới thời Tổng thống J.Biden, Chính phủ Kiev kỳ vọng sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ, viện trợ của Mỹ cũng như ước mơ gia nhập NATO? 

Trước sức ép từ Mỹ, EU, NATO đang dồn dập lên Nga; Moskva tỏ ra thận trọng trong ứng xử, tiếp xúc với mỗi khối và từng thành viên. Moskva lên tiếng bác bỏ mọi cáo buộc hòng bôi nhọ, cô lập Nga trên trường quốc tế; đồng thời, kiên định lập trường, kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và dân tộc, các lợi ích của mình. Và dường như “Sự kiên nhẫn của Điện Kremlin rõ ràng đang cạn kiệt”-Tờ báo Global Researech đưa ra nhận định. 

NHẬT KIỀU


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ