Ukraine thúc đẩy tiến trình gia nhập NATO
QPTĐ-Đưa tin về chuyến thăm chính thức của Ngoại trưởng Mỹ đến Kiev trong tuần qua, ông A.Blinken đã hội đàm với Tổng thống Ukraine V.Zelensky, đưa ra những cam kết làm yên lòng các quan chức Chính phủ Kiev. Dư luận thế giới đặc biệt chú ý đến thông tin do Nhà Trắng công bố: Mỹ ủng hộ Ukraine gia nhập khối quân sự NATO.
Binh sĩ thủy quân lục chiến của Ukraine. (Ảnh: Internet)
Lập tức, có rất nhiều bình luận trái chiều trong chính giới phương Tây và châu Âu, đặc biệt quan tâm đến thái độ của Chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống J.Biden, liệu chính sách đối ngoại của Mỹ với Nga đã thay đổi?
Ngay sau đó, một quan chức Nhà Trắng đã xác nhận lại với The New York Post rằng, cuộc phỏng vấn của phóng viên với Phó Thư ký Báo chí Nhà Trắng K.J.Pierre trên Không lực Một Mỹ đã không phản ánh chính sách chính thức của Hoa Kỳ, bà K.J.Pierre đã có lầm lẫn khi nói như vậy. Quan chức Nhà Trắng, sau đó đã đưa ra một bản ghi chép có xóa đi, gạch ngang trong cuộc trao đổi.
Theo đó, K.J.Pierre trả lời: “Chính quyền J.Biden cam kết bảo đảm rằng, cánh cửa của NATO vẫn rộng mở cho những người tham gia khi họ sẵn sàng và có thể đáp ứng các cam kết và nghĩa vụ của tư cách thành viên, cũng như đóng góp vào an ninh ở khu vực đồng Euro-Đại Tây Dương”. “Hoa kỳ ủng hộ nỗ lực của Ukraine trong việc thúc đẩy cải cách pháp quyền và tăng cường kinh tế cũng như biên giới và cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Nga”-K.J.Pierre nói.
Tuy nhiên, giới bình luận quốc tế cho rằng, dù Nhà Trắng có làm mềm đi tuyên bố phát đi của Phó Thư ký Báo chí Nhà Trắng trong mối quan hệ Mỹ-Ukraine, để ít nhất cũng không thổi bùng ngọn lửa phản ứng của Nga thì việc Ukriane kỳ vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) đã trở thành khát vọng của các chính khách cấp cao Kiev.
Không dưới một lần, Điện Kremlin cảnh báo, Nhà Trắng đã vi phạm thỏa thuận cấp cao Mỹ-Liên Xô năm 1990 về việc “không phát triển các thành viên NATO về phía Đông”. Thực tế, NATO do Mỹ đứng đầu, đã lần lượt kết nạp nhiều thành viên mới ở Đông Âu và các nước SNG thuộc Liên Xô cũ.
Năm 2004, ba quốc gia thuộc Liên Xô cũ (Latvia, Litva, Estonia) gia nhập NATO, gây phản ứng sốc với Moskva. Từ đó, Nga luôn tìm cách ngăn chặn, cảnh cáo NATO chớ tìm cách kết nạp Gruzia và Ukraine (2 nước thuộc Liên Xô cũ) vào khối này.
Trên thực tế, năm 2014, Cách mạng Màu phương Tây thổi qua Kiev, lật đổ nhà lãnh đạo thân Nga V.Yanukovych, đưa phái P.Poroshenko (thân Mỹ) lên cầm quyền. Bán đảo Crimea trở về Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi (3/2014). Hai tỉnh: Donetsk (DPR) và Lugansk (LRP) tuyên bố độc lập, thành lập Nhà nước Cộng hòa, tách ra khỏi chính quyền Trung ương. Xung đột ở khu vực miền Đông Donbass trong 7 năm qua khiến hơn 13.000 người thiệt mạng, hàng triệu người mất nhà cửa, gây bất ổn ở Ukraine. Đây cũng là nguyên cớ để Mỹ và phương Tây cấm vận Nga.
Phát biểu với giới truyền thông quốc tế, từ dịp năm mới 2018, Tổng thống Nga V.Putin cảnh báo, sẽ có hậu quả nếu NATO kết nạp Ukraine là thành viên. Điện Kremlin cho rằng: Ý tưởng này là “vô trách nhiệm”, là “hung hăng”, là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia Nga. Moskva sẽ đáp trả thích đáng những bước đi gây hấn như vậy. “Các đồng nghiệp của chúng tôi, những người đang cố gắng làm trầm trọng thêm tình hình, tìm cách đưa Gruzia và Ukraine vào quỹ đạo của liên minh (NATO), nên suy nghĩ về những hậu quả có thể xảy ra của một chính sách vô trách nhiệm”-Tổng thống Liên bang Nga tuyên bố.
Thật ra, Ukraine cũng không phải là “miếng bít tết hay socola” khiến phương Tây phải nỗ lực hướng tới. Trong các thành viên NATO, không quốc gia nào muốn xả thân vì Ukraine, phải đối đầu với Nga, kể cả Mỹ. Trên thực tế, Mỹ chỉ muốn lợi dụng Ukraine để chống phá người hàng xóm Nga, chứ hoàn toàn không muốn một Kiev mạnh mẽ lên!
Cùng với đó, Kiev còn nhiều trở ngại khách quan như xung đột ở miền Đông Donbass, cơ cấu nền kinh tế yếu kém, chỉ số kinh tế thấp, còn phải có thời gian dài để hòa nhập với phương Tây. Ngoài ra, tệ nạn tham nhũng tràn lan, hiệu quả điều hành của chính phủ và những bất ổn chính trị gia tăng nên ít nhất phải 10-20 năm nữa mới có thể gia nhập NATO-Một quan chức NATO khẳng định.
Tuy vậy, Mỹ cũng có những động thái cụ thể hậu thuẫn Ukraine, trước hết là về phương diện ngoại giao. Trong quãng thời gian từ năm 2014 đến nay, Lầu Năm Góc đưa ra con số 2 tỉ USD, tổng cộng các khoản viện trợ của Mỹ cho Kiev. Nếu so sánh với khoản chi trả vận chuyển dầu khí quá cảnh Dòng chảy Ukriane, Nga trả 2-3 tỉ USD/năm thì con số kia là quá nhỏ? Nhưng đó là quyết định của Chính phủ Kiev, thậm chí Kiev mua khí đốt LNG của Mỹ đắt gấp 2 lần khí đốt Nga cũng được xem như một lẽ tự nhiên?
Tháng 4 vừa qua, Mỹ đã hỗ trợ cho Ukraine một số loại như phụ tùng ô tô HMMWV thay thế của Mỹ, thiết bị y tế, hệ thống điều khiển, liên lạc trị giá 7,85 triệu USD; 1 tàu tuần duyên loại Hamilton sản xuất vào năm 60, trang bị 1 khẩu pháo 76 mm, 2 bệ súng bắn nhanh cơ nòng 20 mm và 25 mm. Năm trước, Mỹ cung cấp cho Kiev 34 tổ hợp tên lửa chống tăng Javelin.
Theo các chuyên gia, dưới thời Tổng thống J.Biden, Ukraine không đạt được kỳ vọng nhiều ở người Mỹ. Bằng chứng là, Mỹ không đưa 2 pháo hạm đến Biển Đen như đã hứa. Và với giá tiền 1 khẩu đội Patriot, 4 bệ phóng giá hàng tỉ USD, 1 tên lửa loại này giá 3 triệu USD; tổ hợp Janelin giá 1/3 triệu USD, thật khó cho Kiev nhận không viện trợ của Mỹ?
Tháng qua, bức xúc trước việc Nga tập trận quy mô lớn ở khu vực biên giới, trong khi NATO dửng dưng trước lo ngại tuột cùng của Kiev, Tổng thống Ukraine V.Zelesky tuyên bố: “Kiev sẽ nghĩ về việc tái sở hữu khả năng hạt nhân để tự bảo vệ mình”. Tuy nhiên, lời nói và việc làm của người đứng đầu đất nước này khó có thể trở thành hiện thực trước áp lực quốc tế, trong đó có Nga, Mỹ; mặc dù vào những năm 90, Ukraine là cường quốc hạt nhân thứ 3 thế giới, chỉ đứng sau Nga và Mỹ?
LINH AN